Dị ứng thức ăn ở trẻ

20/09/2015 08:09 GMT+7

Dị ứng nói chung và dị ứng thức ăn nói riêng ở trẻ em khá phổ biến ở các nước phát triển và tỷ lệ cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển.

Dị ứng nói chung và dị ứng thức ăn nói riêng ở trẻ em khá phổ biến ở các nước phát triển và tỷ lệ cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển. Tuy vậy, trong thập niên qua, tỷ lệ mắc dị ứng ở thế giới thứ ba kể cả VN đang gia tăng nhanh chóng. Hiện đại hóa và sự phát triển kinh tế là những nhân tố chính cho sự gia tăng này. Dưới đây là một số thông tin và giải đáp câu hỏi mà các bậc cha mẹ có con nhỏ thường hay thắc mắc về dị ứng.

Dị ứng thức ăn ở trẻẢnh: Shutterstock
Thế nào là dị ứng ?
Dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể nhận dạng và đáp ứng lại với một chất tồn tại trong môi trường sống vốn dĩ nó vô hại, như là thức ăn, bụi, cây cỏ, lông thú, cho đến côn trùng, thuốc men. Phản ứng dị ứng xảy ra khi cơ thể trẻ tiếp xúc với một chất mà hệ miễn dịch phản ứng lại với một chất. Phản ứng dị ứng thường là không nguy hiểm nếu ở mức độ nhẹ và vừa, trong trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng gọi là choáng phản vệ.
Tác nhân dị ứng quan trọng nhất hay được đề cập là thức ăn vì chúng ta tiếp xúc với thức ăn hằng ngày. Đa số dị ứng với thức ăn là không có gì nguy hiểm, nhưng đối với một số người thì lại trở thành vấn nạn và đôi khi tính mạng nguy kịch. Dị ứng gặp phổ biến ở trẻ em, ước tính có 5% trẻ em bị dị ứng với ít nhất một loại thực phẩm nào đó. Tỷ lệ này giảm dần theo tuổi. Có đến hơn 160 loại thức ăn khác nhau có thể gây dị ứng, nhưng thức ăn gây dị ứng phổ biến nhất bao gồm: trứng, sữa bò, đậu phộng (lạc), hạt cây (như hạt điều, hạnh nhân,...), đậu nành, cá và hải sản giáp xác, hạt mè. Ở Úc, 90% các trường hợp bị dị ứng là do 8 nhóm thức ăn này gây ra. Ngoài dị ứng thức ăn thì mọi thứ trong thiên nhiên đều có thể là tác nhân gây dị ứng, từ cây cỏ đến côn trùng và muông thú.
Đối với thức ăn, cần phân biệt giữa "dị ứng thức ăn" với "không dung nạp thức ăn”. Dị ứng thức ăn là phản ứng của cơ thể thông qua hệ miễn dịch còn không dung nạp thức ăn không liên quan gì đến miễn dịch, ví dụ trẻ không dung nạp được đường lactose do thiếu men tiêu hóa nó. 
Để biết được trẻ dị ứng với loại thức ăn nào
Chúng ta không thể biết trước được, cho đến khi nào trẻ ăn thử, có phản ứng dị ứng rồi mới biết. Một khi cho trẻ ăn một thứ gì mà nghi là có phản ứng dị ứng thì cần ghi lại rõ ràng các chi tiết: loại thức ăn gì, sống hay nấu chín, số lượng, thời gian từ khi ăn cho tới khi phản ứng; đã từng ăn thức ăn đó trước đây mà không bị dị ứng chưa; triệu chứng phản ứng là gì.
Có cần tránh không cho trẻ ăn các thức ăn hay bị gây dị ứng hay không?
Không phải dị ứng thức ăn nào cũng cần phải đi khám chuyên khoa. Nếu dị ứng nhẹ hoặc vừa với một vài loại thức ăn thì việc đơn giản là nên tránh thức ăn đó, điều trị triệu chứng bằng thuốc chống dị ứng.
Các trường hợp sau đây nên đi khám chuyên khoa dị ứng: bị choáng phản vệ hoặc nghi ngờ có biểu hiện choáng phản vệ; nghi ngờ dị ứng với các thức ăn mà làm cho trẻ chậm lên cân; phản ứng dị ứng chậm (thường xảy ra sau 6 tiếng ăn) với nhiều loại thức ăn hoặc cơ địa dị ứng: chàm nặng, hen mà có phản ứng dị ứng nhẹ cũng cần phải đi khám.
Không cần thiết, vì có nhiều thức ăn có thể gây dị ứng và chúng ta không biết trẻ dị ứng với loại nào. Hơn nữa, tỷ lệ mắc dị ứng giảm dần theo tuổi. Có một số trẻ khi nhỏ bị dị ứng với thức ăn đó nhưng đến lớn thì khỏi.
Một số thức ăn gây dị ứng như trứng, bột mì (wheat) và đậu nành thường khỏi ở tuổi mẫu giáo. Trong khi đó nếu dị ứng với đậu phộng, hạt cây, mè và đồ biển thì thường dị ứng cả đời.
Có cần thử phản ứng dị ứng với các thức ăn hay gây dị ứng trước khi cho trẻ ăn hay không?
Không cần thiết, vì không thể thử từng loại thức ăn một, trẻ có thể bị phản ứng với bất kỳ một loại thức ăn nào. Ngay cả xét nghiệm dương tính cũng không có nghĩa là trẻ dị ứng với thức ăn đó. Xét nghiệm chắc chắn nhất để xác định dị ứng với loại thức ăn nào thì cần phải thử thức ăn đó. Đối với trẻ cơ địa đã có dị ứng thức ăn, thử nghiệm này cần được tiến hành dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa dị ứng.
Trong một số trường hợp, người ta thử đối với tình trạng dị ứng thức ăn có tính gia đình. Thí dụ nhiều người trong gia đình, đặc biệt quan hệ trực hệ cùng bị dị ứng với một loại thức ăn.
Tuổi nào thì nên cho trẻ ăn các thức ăn hay gây dị ứng?
Khuyến cáo của các nhà chuyên môn hiện nay không có giới hạn độ tuổi nào cả. Trẻ nên bú mẹ hoàn toàn cho tới 6 tháng. Sau 6 tháng thì có thể cho ăn dặm, không kiêng cữ một thức ăn nào. Thức ăn ngày nay kể cả thực phẩm thô lẫn chế biến đều hoàn toàn không tinh khiết, bao giờ cũng có tạp lẫn các chất tiềm tàng gây dị ứng cả. Một khi đã dị ứng thì chỉ cần một liều rất nhỏ cũng đủ gây dị ứng.
Đối với các thức ăn gây dị ứng nhẹ những lần đầu thì có nguy cơ gây choáng phản vệ cho lần ăn hay tiếp xúc sau hay không?
Hoàn toàn có thể. Thí dụ trẻ ăn đậu phộng (lạc) bị mề đay mẩn ngứa, các lần ăn sau vẫn có nguy cơ bị choáng phản vệ. Vì choáng phản vệ cũng chỉ là một phản ứng dị ứng ở mức độ nguy hiểm mà thôi.
Giải quyết
Các chất dị ứng có thể chia làm hai nhóm: nhóm tránh được như thức ăn và nhóm không tránh được đó là các chất dị ứng trong môi trường tự nhiên. Đối với dị ứng thức ăn, tốt nhất là tránh, không ăn nữa. Điều may mắn là các thức ăn này đều không phải là thức ăn thiết yếu, không thể thay thế.
Đối với các chất dị ứng trong môi trường tự nhiên, bệnh nhân nhiều lúc cần điều trị giải mẫn cảm. Có nghĩa là bệnh nhân được chích vô cơ thể chính các chất dị ứng đó với liều tăng dần, sau một thời gian cơ thể sẽ làm quen và không gây phản ứng choáng phản vệ nữa. Quy trình điều trị này khá dài và nhiêu khê.
Các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm điều trị giải mẫn cảm đối với một số thức ăn gây dị ứng phổ biến như đậu phộng nhưng kết quả trước đây không như ý muốn. Họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm, hy vọng trong tương lai xa sẽ giải quyết được vấn đề.
Làm thế nào để biết là trẻ dị ứng nhẹ hay nặng đối với thức ăn?
Dị ứng thức ăn đại đa số là phản ứng dị ứng nhanh, xảy ra trong vòng 1 giờ sau khi tiếp xúc với thức ăn gây dị ứng.
Biểu hiện dị ứng nhẹ đến vừa bao gồm một trong các biểu hiện: nổi mề đay; ngứa; sưng mắt, sưng mặt hoặc sưng môi (nhưng không sưng lưỡi); cảm giác tê rần trong lưỡi hoặc đau bụng, buồn ói, ói mửa. Các triệu chứng chỉ dừng lại ở đó, có thể khỏi nhanh hoặc kéo dài trong chừng nửa ngày đến 1 ngày. Xử trí đơn thuần là cho trẻ uống thuốc chống dị ứng.
Biểu hiện dị ứng nặng/choáng phản vệ gồm một trong các biểu hiện sau: sưng lưỡi; khó thở, cảm giác nghẹt thở; nói khó, giọng thều thào hoặc khàn; ho liên tục; đột nhiên xanh tái, mềm nhũn người hoặc ngã quỵ (tỉnh táo hoặc bất tỉnh). Đây là một trong các biểu hiện đe dọa choáng phản vệ. Do đó, cần phải gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.