Đời công nhân cả đời tằn tiện tích cóp cùng những sẻ chia

13/11/2016 13:32 GMT+7

Đời công nhân nhiều cơ cực, làm quần quật nhưng với nhiều người lương tháng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện, ước mơ về cuộc sống chất lượng hơn dường như là cái gì đó xa xỉ... Vì thế, sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho công nhân luôn là điều đáng quý.

Ngày 6.11, trời đã tối, chúng tôi đợi rất lâu mới gặp được chị Thái Thị Lan (43 tuổi), công nhân một công ty chuyên hàng may mặc ở Q.Gò Vấp, TP.HCM tan ca về nhà. Trên tay là mớ đậu, bó rau và những quả cà tím... chị phải vội vã chuẩn bị bữa cơm.
Tuy cùng một công ty, nhưng chồng chị là anh Dương Minh Tới (45 tuổi) lại làm chi nhánh ở H.Hóc Môn, nên thời gian gia đình sum họp đầy đủ không phải muốn là được.
Với 23 năm gắn bó, đồng nghiệp trong công ty ví vợ chồng chị là “cây cao bóng cả”, tưởng phải có của ăn của để, nhưng chị thật thà tâm sự: “Hì hục làm, ki cóp, cần kiệm dữ lắm mới tích góp xây nhà và sau 3 năm mới trả được nợ. Giờ thì con đã lớn, đứa cuối cấp 3, đứa đầu cấp 2, rồi phải phụng dưỡng ba mẹ, nên lương vợ chồng vừa đủ chi tiêu trong nhà. Lỡ có ốm đau, đám hỏi... chắc phải vay mượn”.
Sau những giờ làm ở công ty, chị Nhứt còn phải dành thời gian theo dõi việc học của con
Lãnh lương ra còn… 10.000 đồng
Cũng chật vật không kém là vợ chồng đồng nghiệp cùng công ty chị Lan - Nguyễn Thị Thanh Nhứt (41 tuổi) và anh Dương Minh Tuấn (47 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) với hơn 10 năm làm công nhân. Khi hỏi về cuộc sống với mức lương 5 triệu/tháng, chị Nhứt chỉ tay về phía chiếc giường xếp cũ kỹ nói một cách chông chênh: “Đó, chiều nay nhận lương, đem về nhà còn đúng 10.000 đồng. Ăn trước trả sau, đó là chưa kể nợ mượn làm nhà, nợ người thân. Biết bao giờ cho hết cái cảnh này”.
Chồng chị xen ngang: “Tôi sợ nhất đám hỏi, tiệc tùng cùng bạn bè. Không đi thì coi sao được, đi thì thêm lo”. Nhà anh chị chật hẹp, chiều ngang nhà chưa được 2 m, gác lửng, đồ đạc đơn sơ, vừa là nơi sinh hoạt, vừa là góc học tập, vừa là chỗ ngả lưng...
Nhưng những gia cảnh như chị Nhứt hay chị Lan, có lẽ vẫn may mắn khi có mái nhà để che mưa nắng. Nhiều mảnh đời công nhân xa nhà bươn chải lo kế sinh nhai phải đi thuê nhà, bơ vơ lạc lõng nơi đất khách, chen chúc từng mét vuông nhà trọ chật chội để sinh sống.
Chị Lê Thị Xắn (35 tuổi) và chồng Phan Văn Phong (40 tuổi) cùng quê Thanh Hóa khăn gói vào miền Nam lập nghiệp. Mười năm là chặng đường không ngắn ở nơi xứ người, từ khi họ chỉ là đồng hương đến khi "góp gạo thổi cơm chung".
Anh Phong làm thợ hồ, bất kể nắng mưa gắng kiếm cho được 350.000 đồng/ngày mới đủ lo cho gia đình. Còn chị, công nhân một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, chuyên gia công giày tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), với đồng lương 4,5 triệu đồng/tháng, ngậm ngùi: “Làm công nhân thì lương vừa đủ trang trải, sống cảnh thuê trọ và lo cho 2 đứa con ăn học. Đó là chưa kể ốm đau, ma chay cưới hỏi... tôi phải làm tăng ca để kiếm thêm bù vào những khoản đó, chật vật cứ mãi chật vật”.
Chị kể nhiều khi trong người không được khỏe nhưng vẫn phải cố đi làm vì nghỉ ngày nào công ty trừ lương ngày đó, việc mất đi một vài trăm nghìn là điều rất khủng khiếp. Căn phòng thuê chỉ 15 m2, nhưng phải đón thêm bà ngoại ở quê vào chăm đứa nhỏ tròn 4 tuổi. Tiền thuê nhà, tiền gửi trẻ, chi phí sinh hoạt... lương vợ chồng chẳng thấm vào đâu, nên tính toán chi tiêu sao cho hợp lý như một bài toán lúc nào cũng thường trực trong đầu hai vợ chồng.
Oái oăm hơn là đôi vợ chồng công nhân trẻ Nguyễn Thị Kim Nương (26 tuổi) và anh Lê Công Đạt (28 tuổi), cùng quê Bình Định. Anh là công nhân công ty may, chị là công nhân công ty giày (thuộc khu công nghiệp H.Thuận An, Bình Dương). Những tưởng cuộc sống với tình yêu mơn mởn của đôi vợ chồng mới cưới, với niềm vui đợi đón đứa con đầu lòng sẽ làm họ quên hết những ngày tháng công nhân cực khổ.
Nào ngờ đã nghèo lại gặp “cái eo”, vừa sinh được vài hôm thì phát hiện con bị tim bẩm sinh, phải mổ. Hụt hẫng, như muốn ngã quỵ, nhưng vợ chồng tự động viên nhau. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài, chị Nương nghẹn lời: “Sinh đứa con đầu lòng không được khỏe mạnh, vợ chồng buồn lắm nhưng tự động viên nhau, cố gắng làm mới có tiền cho con chữa bệnh”.
Ngày làm 8 tiếng, lương thì chừng mực mà phải nuôi 3 miệng ăn, con bệnh hiểm nghèo. Nhìn đôi vợ chồng trẻ, với những viễn tưởng khổ cực trước mắt, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Công nhân trong ngày chăm sóc sức khỏe miễn phí từ Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM
Những niềm vui nho nhỏ
Trong cuộc sống chật vật của hàng vạn đời công nhân, cũng may còn có những chương trình hỗ trợ khiến họ ấm lòng.
Ông Trần Thiên Long, Phó giám đốc Quỹ hỗ trợ công nhân thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho biết có một nguồn vốn tự tạo trên cơ sở vận động tài trợ và đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chăm lo việc học và đời sống tinh thần công nhân. Thành lập từ năm 2008 đến nay, quỹ hỗ trợ này đã cấp được 283 học bổng cho công nhân, với số tiền gần 1 tỉ đồng; cho gần 800 công nhân vay tiền đi học không lãi suất với số tiền hơn 2,6 tỉ đồng; trang bị máy thể dục, tủ sách công nhân, phòng karaoke, radio, hệ thống phát thanh ở các nhà lưu trú công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung và khu công nghiệp Hiệp Phước...
Công nhân ở địa bàn TP.HCM và cả nước cũng không xa lạ với chương trình “Phúc lợi cho người lao động”, được triển khai ở 30 tỉnh, thành với gần 1.000 công đoàn cơ sở tham gia. Thông qua việc hỗ trợ lãi suất và được trả chậm trong 6 tháng trừ dần qua lương, người lao động sẽ được tiếp cận các sản phẩm điện tử, đồ gia dụng thiết yếu cùng những dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Và những công nhân nghèo đã coi đây như cầu nối cho cuộc sống của họ.
Chị Nhứt khoe: “Cũng không nghĩ là mình sẽ sắm được cùng một lúc những đồ dùng trong nhà. Trong đời cũng chưa biết và chưa từng nghĩ sẽ bỏ ra gần 4 triệu đồng để tiêm vắc xin HPV cho con gái. Nhờ chương trình phúc lợi này mà những công nhân như chúng tôi mới có thể làm được điều này”.
Hay như gia đình chị Xắn và anh Phong, tuy hơn 10 năm nay vẫn ở nhà thuê, nhưng từ sự hỗ trợ của những chương trình phúc lợi ít nhiều đã mang lại nguồn động viên tinh thần. “Mơ ước về một chút gọi là tiện nghi, thư giãn, giải trí sẽ chẳng bao giờ với tới nếu như công nhân như tôi không gặp những hỗ trợ thế này”, chị Xắn chia sẻ. Còn với đôi vợ chồng trẻ Nương - Đạt như cũng san sẻ được phần nào khó khăn phía trước, khi chương trình phúc lợi như cầu nối chung tay cho hành trình mổ tim cho bé...
Có thể nói, sự hỗ trợ của những chương trình phúc lợi, dẫu chẳng thấm là bao so với những nhọc nhằn mà đời công nhân phải đối mặt khi “thắt lưng buộc bụng” vì mức lương còn khá khiêm tốn so với nhu cầu chi tiêu tối thiểu, nhưng đó như một niềm vui tinh thần nho nhỏ, giúp họ có động lực vững tin trong cuộc sống.
TP.HCM có gần 20 khu chế xuất - khu công nghiệp, với 1.062 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số lao động hơn 300.000 người, trong đó lao động tỉnh gần 200.000 người.
Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, cho biết qua khảo sát tình hình, ở TP.HCM có đến 70% công nhân còn khó khăn, mức lương tối thiểu đáp ứng không đủ nhu cầu cuộc sống. Để thêm thu nhâp, họ phải làm tăng ca, kéo theo nhu cầu về vui chơi giải trí, về đời sống tinh thần không có. Đại đa số họ vẫn cứ loay hoay lo cho sinh kế hằng ngày...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.