Formosa 'qua mặt' người dân: Thách thức và thiếu cầu thị

27/04/2016 08:22 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bà i Formosa “qua mặt” người dân đăng trên Thanh Niên ngày 26.4.

Là lý sự cùn !
Tôi vô cùng bất bình, vì một thảm họa môi trường nghiêm trọng đến vậy mà đại diện Formosa (FHS) lại nói rằng “xả nước thải ra biển mà không báo cơ quan chức năng của VN là do không nắm được luật”. Thật đúng là lý sự cùn! Họ làm ăn trên đất nước VN mà không nắm được luật thì ai chấp nhận được.
Phan Vinh (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Thách thức
Vì dự án thép mà đánh đổi cả môi trường như vậy thì có nên không? Sự thách thức dư luận qua phát biểu của ông Chu Xuân Phàm - đại diện FHS là không thể chấp nhận được. Bởi cá chết không chỉ trong khu vực dự án, mà còn lan rộng khắp cả mấy tỉnh miền Trung. FHS vừa thách thức lại vừa lấp liếm. Rõ ràng là họ đang gây nguy hại rất lớn cho môi trường biển VN. Một kiểu phá hoại rất độc địa, rồi bây giờ lại nói kiểu xem thường người dân, thì làm sao mà hợp tác làm ăn được?
Huy Vũ (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Quá thờ ơ!
Một dự án lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của bao người mà không hề lấy ý kiến của chính quyền và người dân địa phương, rồi bây giờ lại nói dối là “có lấy ý kiến tham vấn chính quyền và người dân trong vùng chịu ảnh hưởng”. FHS sai phạm quá lớn, mà chính Bộ TN-MT và các cơ quan chức năng của VN cũng quá thờ ơ. Cần phải truy cứu trách nhiệm này.
Trần Văn Minh (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Lỗ hổng niềm tin
Đánh giá tác động môi trường là bản báo cáo bắt buộc phải làm kỹ, phải được thẩm định chặt chẽ đối với bất cứ dự án nào liên quan đến môi trường. Vậy mà FHS qua mặt người dân, rồi các cơ quan chức năng của VN lại thiếu trách nhiệm. Vì cách làm việc vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng, không giám sát chặt chẽ nên mới ra cớ sự như vậy. Ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân là rõ rồi, nhưng điều rất quan trọng là ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào cách hành xử của các cơ quan nhà nước. Từ lỗ hổng gây hại môi trường, đến lỗ hổng niềm tin chẳng cách xa nhau bao nhiêu!
Hoàng An (Q.4, TP.HCM)
       
Môi trường bị hủy hoại nhiều khi có tiền cũng không thể phục hồi được. Còn lợi ích kinh tế trước mắt chỉ là chuyện nhỏ. Không thể chấp nhận phát triển theo kiểu đánh đổi như vậy được. Cũng không thể nói rằng hệ thống xả nước thải được xây lắp đúng quy trình thì có thể yên tâm, bởi không có gì đảm bảo họ sẽ tuân thủ quy định, xả thải đã qua xử lý. Nếu không có biện pháp quyết liệt thì tương lai miền Trung sẽ là vùng biển chết.    
Bùi Văn Nhật (Q.7, TP.HCM)
       
Không chỉ Formosa qua mặt người dân mà cả chính quyền cũng đã qua mặt người dân. Lẽ ra khi xây dựng một công trình quy mô mà có việc xả thải làm ảnh hưởng môi trường như vậy phải lấy ý kiến của người dân. Bây giờ xảy ra thiệt hại cho người dân thì còn có thể khắc phục, chứ thiệt hại cho môi trường thì không thể nào khắc phục được. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm?    
Nguyễn Đức Huy (Q.Tân Phú, TP.HCM)
An Phong - Hải Nam (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.