Gia tăng các ca cấp cứu do lạm dụng rượu, bia ngày tết

01/02/2017 15:41 GMT+7

Sáng nay (mùng 1.2), Bệnh viện Bạch Mai cho biết số bệnh nhân đến cấp cứu tăng cao trong các ngày tết, chủ yếu do các bệnh mãn tính và một số do lạm dụng rượu, bia .

Trong các ngày nghỉ tết, số cấp cứu đến bệnh viện này tăng cao hơn hẳn so với ngày thường. Chỉ trong vòng 5 - 7 phút có mặt tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), từ 11 giờ 10 phút - 11 giờ 20 phút sáng nay (mùng 1.2), liên tiếp hai bệnh nhân nặng được xe cấp cứu của các bệnh viện tuyến dưới chuyển đến, trong đó một trường hợp phải thở ô xy, một trường hợp khác phải truyền máu.
Các trường hợp người lớn phải vào khám và cấp cứu trong các ngày tết chủ yếu do các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tim mạch, hô hấp. Đáng lưu ý, trong ngày mùng 4 Tết năm nay, số đến khám, cấp cứu do ngộ độc rượu (5 trường hợp) và do thức ăn (15 trường hợp) cao hơn hẳn so với cùng kỳ tết Bính Thân 2016.
Bệnh nhân nặng được theo dõi tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai Ảnh Thuý Anh
Các bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, trong kỳ nghỉ tết, số cấp cứu do chảy máu đường tiêu hóa tăng cao so với các ngày thường. Các bệnh nhân bị mất nhiều máu do nôn ra máu sau khi uống rượu. Trong số 169 ca cấp cứu trong hai ngày mùng 2 và 3 tết Đinh Dậu thì có khoảng 20% bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa.
Ngoài ra một số bệnh nhân suy thận mãn cũng phải nhập viện cấp cứu do chế độ ăn không hợp lý. Đột quỵ não cũng chiếm số đông trong các trường hợp nhập viện trong Tết này, chủ yếu là các bệnh nhân tăng huyết áp quên uống thuốc, không tuân thủ chế độ điều trị khiến huyết áp tăng đột ngột gây đột quỵ não.
Tại Trung tâm Chống độc, các ngày tết tiếp tục ghi nhận một số ca nhập viện do lạm dụng rượu. Hầu hết được ra viện sớm sau điều trị. Một trường hợp nặng xin về trong ngày mùng 4 Tết.
Các bác sĩ lưu ý, khi uống nhiều, chất cồn gây nhiễm độc cấp tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của thần kinh làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ảnh hưởng đến hành vi, từ đó gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh (tai nạn, bạo lực, hành vi nguy cơ...).
Có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo: “Đó là quan niệm không đúng bởi vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng)”.

tin liên quan

Bệnh viện tăng cường lực lượng trực tết
Năm nay, Bệnh viện (BV) E, Hà Nội bố trí khoảng 120 - 150 cán bộ trực tết. Đại diện BV này cho biết, so với mọi năm, cơ số trực (bác sĩ và điều dưỡng) đã được tăng cường gấp 3 - 5 lần cho các khoa trọng điểm như khoa cấp cứu ban đầu, hồi sức tích cực, sản phụ khoa, bệnh nhiệt đới (đề phòng khi có ngộ độc tập thể)…
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, đặc biệt nguy hiểm nếu uống rượu không rõ nguồn gốc có chứa cồn công nghiệp methanol. Cồn này gây tổn thương thần kinh, có thể gây mù, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.