Giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân: Lơ là, quên, không biết để đâu!

27/02/2017 08:32 GMT+7

Năm 2016, Báo Thanh Niên đã chuyển cho các cơ quan chức năng trên địa bàn cả nước 826 hồ sơ khiếu nại, tố cáo của bạn đọc. Tuy nhiên, tỷ lệ trả lời bằng văn bản từ những nơi này chỉ chiếm 37,8%; 62,2% đơn thư còn lại rơi vào im lặng.

Mỗi ngày, Ban Công tác bạn đọc Báo Thanh Niên tiếp nhận rất nhiều thông tin do bạn đọc cung cấp, trong đó có đơn thư khiếu nại, tố cáo. “Hết cách rồi, gõ cửa khắp nơi rồi nhưng không được giải quyết nên tôi mới đến đây để nhờ báo chí lên tiếng”, bạn đọc Nguyễn Thiện Hùng, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM bức xúc.
Để giúp bạn đọc, đồng thời tuân thủ đúng luật Khiếu nại tố cáo, những hồ sơ, vụ việc không thể phản ánh bằng tin, bài, báo sẽ có công văn gửi đến cơ quan có chức năng đề nghị nơi đây giải quyết. Trong công văn báo chuyển đi luôn có dòng: “Đề nghị quý cơ quan xem xét, giải quyết và thông báo kết quả để chúng tôi trả lời theo yêu cầu của bạn đọc”. Thế nhưng, rất nhiều hồ sơ gửi đi đều không thấy phản hồi.
Có nhận nhưng... quên
Tuy chưa thống kê chính xác tỷ lệ “quên” giải quyết của các cơ quan chức năng sau khi nhận công văn do báo chuyển đến bởi đó là việc “chỉ có họ mới biết”, nhưng qua thẩm tra vài vụ việc thì tỷ lệ cũng không phải là ít.
Điển hình như việc khiếu nại của bà Lê Thùy Linh, Giám đốc Công ty TNHH R3 VN (khu C, lầu 1, 27B Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM). Bà Linh có gửi đơn sang Công an Q.1 tố cáo hành vi chiếm giữ tài sản trái phép của Công ty cổ phần khách sạn Hàng không (khu C, lầu 1, tòa nhà 27B Nguyễn Đình Chiểu, Q.1. TP.HCM), nhưng gần 8 tháng, đơn tố cáo của bà Linh chưa được giải quyết. Có mặt tại Cơ quan Công an Q.1 gần 1 giờ đồng hồ, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, số hồ sơ của bà Linh có lưu như đúng ngày báo phát chuyển (27.7.2016) nhưng không tìm ra cán bộ thụ lý hồ sơ này, đồng nghĩa với vụ việc chưa được giải quyết. Ông Nguyễn Anh Tài, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an Q.1, cho biết sẽ kiểm tra lại, khi nào giải quyết sẽ thông báo.
“Ủa, có chuyển hả, để coi lại !”
Đó là câu “trả lời” thường gặp của nhiều cơ quan khi chúng tôi nêu thắc mắc.
Đơn cử như vụ việc ông Nguyễn Phong Phú, ngụ 136 Âu Dương Lân nối dài, P.3, Q.8 đề nghị làm rõ vụ việc em trai ông là Nguyễn Ngọc Đa bị nhóm người ở quán nhậu đánh gây mù một mắt vào ngày 8.2.2016. Báo đã chuyển hồ sơ kèm Công văn PC 469/PC-TN ngày 5.8.2016 đến Công an Q.8 để xem xét giải quyết. Việc chuyển hồ sơ có xác nhận đã gửi của Trung tâm bưu chính Sài Gòn.
Thế nhưng, 6 tháng sau, ngày 20.2, phóng viên liên hệ để tìm hiểu thông tin giải quyết cho công dân thì ông Phan Thanh Bình, Phó công an Q.8, trả lời Công an Q.8 không nhận được và yêu cầu fax lại.
Hay khiếu nại của ông Phạm Minh Đăng, ngụ 158L Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM. Ông Đăng bức xúc trước tình trạng một số hộ dân sinh sống trong chung cư 158 Trần Quang Khải lấn chiếm không gian chung, xây dựng trái phép làm thay đổi kết cấu của chung cư, ảnh hưởng đến an ninh trật tự nơi đây. Tháng 7.2016, chúng tôi chuyển công văn kèm đơn của ông Đăng đến UBND Q.1, TP.HCM nhưng mãi không thấy trả lời. Liên hệ với UBND Q.1 thì nơi này đề nghị gửi lại bản chụp công văn qua email để nơi đây kiểm tra.
Cũng yêu cầu chụp lại công văn gửi qua để kiểm tra, UBND Q.Bình Tân đang “nợ” việc trả lời đơn của ông Phạm Văn Sỹ, ngụ 28/8/6 Lương Thế Vinh, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú theo phiếu chuyển 494/PC-TN ngày 10.8.2016 của báo.
Bên cạnh những cơ quan đợi mãi không thấy hồi âm thì có những cơ quan, đơn vị rất nhiệt tình, minh bạch trong việc phản hồi các thông tin mà Thanh Niên gửi đến, trong đó phải kể đến những cơ quan đơn vị rất nhanh chóng và trách nhiệm như: Điện lực TP.HCM, Điện lực Chợ Lớn, Điện lực Gia Định... các công ty cấp nước trên địa bàn TP.HCM.
Giải quyết xong nhưng quên báo
Thấy được trách nhiệm của mình với bạn đọc nên bất kỳ đơn thư nào được chuyển đi chúng tôi cũng theo dõi, cập nhật tình trạng đã được cơ quan chức năng giải quyết, trả lời hay chưa.
Với những đơn vị chậm hoặc không trả lời, Báo Thanh Niên sẽ nêu tên ở mục Cơ quan không trả lời bạn đọc định kỳ trên số báo thứ hai hằng tuần. Việc làm này nhằm nhắc nhở, đốc thúc sự phản hồi từ các cơ quan, đơn vị và đã có tác dụng nhất định.
Gia đình bà Trang Thị Thu Thủy có người chú ruột tên Trang Hoàng Thành hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện đang được an táng tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược. Hằng năm vào ngày 27.7 và Tết âm lịch gia đình được hưởng chế độ tử tuất. Tuy nhiên, từ tháng 5.2014, không hiểu sao chế độ này bị cắt. Sau khi Thanh Niên chuyển đơn của bà Thủy đến Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM vào tháng 7.2016 thì 1 tháng sau, vụ việc đã được giải quyết. Thế nhưng, từ đó đến nay vẫn không thấy công văn thông báo vụ việc của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đến khi liên hệ hỏi thăm thì mới được bà Trang Thị Thu Thủy cho biết đã được giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.