Đám cưới đơn giản, điều không tưởng?

06/01/2010 09:53 GMT+7

Viết tiếp "Chuyện dài về đám cưới" (xem TNTT>, từ 3.1.2010) (TNTT>) Tổ chức đám cưới như thế nào cho hợp lý, không quá rình rang mà vẫn có sự trang trọng nhất định luôn là vấn đề nan giải của các đôi trẻ và cả những bậc phụ mẫu. Xu hướng giản tiện hóa đám cưới liệu có khả thi trong thời đại ngày nay? >> Văn hóa tặng quà cưới \ Chạy sô mùa cưới

Cô bạn tôi có thể gọi là một mẫu phụ nữ hiện đại theo tiêu chuẩn ngày nay. Cô rất cá tính, sẵn sàng nhậu tới bến nếu đấng mày râu nào đó mở lời thách thức, cô luôn muốn tối giản hóa những nhu cầu thuộc về vật chất dù công việc của cô cho cô một khoản thu nhập rất khá, cô thích đi “phượt” bằng xe gắn máy lên vùng Tây Bắc xa xôi, đường sá hiểm trở.

Trong một chuyến đi “phượt” như thế, cô gặp người là chồng cô hiện giờ. Hai dân “phượt”, hai cá tính mạnh mẽ, hiện đại gặp nhau nghĩa là một đám cưới đơn giản, không “đụng hàng” được họ hoạch định: Lễ kết hôn của họ sẽ được tổ chức quanh bếp lửa trên một nhà sàn tận miệt Lũng Cú (Hà Giang) trước sự chứng kiến của một vài bạn “phượt”. Thế và chỉ thế mà thôi!

Thư từ, bài vở xin gửi về:
vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn

Các bậc phụ mẫu không muốn đơn giản

Theo hoạch định đó, tôi không đủ tiêu chuẩn dự lễ cưới bạn mình. Nhưng rồi một hôm, tôi nhận thiệp cưới của cô bạn tổ chức, tại một khách sạn 4 sao, ngày giờ đẹp theo tiêu chuẩn của các cụ, tiệc cưới đầy đủ “phụ tùng” như bao tiệc cưới khác: cổng chào, sổ ký tên, bánh cưới, tháp champagne, MC, pháo hoa kim tuyến... Đem thắc mắc này hỏi nhỏ với cô bạn, tôi nhận được câu trả lời lí nhí không kém: “Các cụ hai bên bắt phải làm như vậy”.

Đó, để có một đám cưới bí mật, đơn giản đến không đụng hàng theo kiểu của một vài ngôi sao Hollywood không phải dễ. Quan niệm của các bậc phụ mẫu là tấm giấy kết hôn và một đám cưới nho nhỏ, trong nội bộ gia đình chưa đủ. Kết hôn kiểu đó chỉ là kết hôn "chui", mang tiếng với họ hàng, bạn bè và không thể tránh được những lời dị nghị đại loại: “Chắc hai đứa chúng nó có vấn đề”, hoặc ác khẩu hơn: “Cô dâu chưa cưới đã chửa vượt mặt rồi, tổ chức đám cưới làm gì cho ê mặt”, dù sự thật không phải là như vậy.

Đã tổ chức đám cưới cho con, các bậc phụ mẫu luôn muốn tổ chức thật rình rang, khỏi mích lòng ai, khỏi “ma chê cưới trách”. Đó là chưa kể, những gia đình có “thớ” thì nhân dịp cưới hỏi này lại "tranh thủ thu hoạch". Ngày trước, độ “oai” của đám cưới tình bằng số mâm cỗ, “mâm” càng nhiều nghĩa là “thế” càng lớn. Ngày nay, độ “oai” của đám cưới quy ra thành các thứ khác: khách sạn 5 sao, limousine mui trần, có sự góp mặt của những người nổi tiếng càng tốt...

 
Ảnh: shutterstock

Ngày trước, đám cưới tổ chức ở nơi đôi trẻ sống hoặc ở quê, những người ở gần được mời đến dự tiệc cưới, những người ở xa thì chỉ cần gửi thiệp báo hỷ đến là được rồi. Nhưng bây giờ, sự di chuyển dân số cơ học khiến trai vùng này cưới gái miệt kia khá nhiều, điều kiện sống lại tốt lên nữa, do đó sinh ra những đám cưới marathon dọc chiều dài đất nước. Tôi có ông chú họ làm việc tại TP.HCM, quê ở Hà Tĩnh, cha mẹ làm việc ở Huế còn quê cô dâu ở Nam Định. Đám cưới chú tôi chạy dài 4 điểm đó trong suốt 1 tháng. Bà trẻ gần 70 tuổi của tôi than khổ nhưng vẫn quả quyết: “Khổ mấy thì cũng phải làm, không thì người ta nói chết...”.

Có trường hợp 2 gia đình thông gia nhà sát vách nhau nhưng đám cưới được chia ra tổ chức vào 2 ngày: 1 ngày của nhà trai, 1 ngày của nhà gái. Tại sao họ không tổ chức chung vào 1 ngày? Vì “thế” của 2 bên khá lệch nhau, mà kinh nghiệm chỉ ra rằng: có trường hợp, khách của nhà trai chỉ khoảng 30 “mâm” trong khi nhà gái trấn át với số lượng 150 “mâm”, chạnh lòng lắm chứ. Nên tốt nhất là đừng tổ chức dính vào nhau.

Dịp nâng cao sĩ diện

Ngoài những “chuẩn” cưới các bậc phụ mẫu đặt ra, các đôi trẻ ngày nay còn “miệt mài” sáng tạo ra những cách thức mới với sự trợ giúp của các trung tâm tư vấn, trung tâm tiệc cưới và những bộ phim về đám cưới của Hollywood như American Wedding, Wedding Crashers, Bride Wars, The Wedding Date, My Best Friend’s Wedding, 27 Dresses...

Nào là lập website đám cưới, đặt mua váy cưới từ nước ngoài, rồi đua nhau tìm các điểm có phong cảnh thơ mộng, lãng mạn, không đụng hàng chụp bộ ảnh cưới. Nhiều đôi còn đưa nhau ra nước ngoài, đến các địa danh như Sydney, Venice để chụp hình cưới. Một vài website đang cổ súy cho “cuộc đua” này bằng cách thi ảnh cưới đẹp theo tháng. Hoặc gần đây, học đòi theo kiểu phương Tây, nhiều bạn trẻ tổ chức “tiệc chia tay cuộc đời độc thân” để... quậy, để lại những hậu quả rất xấu.

Dường như đôi trẻ nào cũng muốn nâng cao sĩ diện, vì chuyện “cả đời chỉ có một lần...” khi rút ví. Nhưng liệu có phải “chỉ có một lần”? Có đôi vì bất đồng về quan điểm chi tiêu cho lễ cưới đã chia tay nhau khi mà ngày cưới đã định. Như tâm sự của bạn tên Hà trên website afamily.vn. Bạn Hà nhà có điều kiện, muốn đám cưới của mình phải “đỉnh” vì đời chỉ có một lần. Dù nhà gái lo hết các vấn đề tài chính cho bạn Hà nhưng những yêu cầu “đỉnh” đó khiến chú rể tương lai có kinh tế trung bình chạnh lòng, và họ chia tay.

Đám cưới đơn giản? Ôi, đó là điều không tưởng!

Mình thích một đám cưới đơn giản, chỉ mời bạn bè và những người thân

thiết. Nhưng điều này không hề dễ dàng, có những người làm cùng phòng, tuy không thân nhưng ra vào chạm mặt nhau hoài, đám cưới không mời thì họ lại trách. Thành ra cứ đưa thiệp cho đủ bộ. (thanhvan...@.gmail.com )

 

 

Đám cưới tôi nhất định sẽ không mời nhiều, chỉ khoảng vài chục người thân và bạn bè. Tôi muốn tổ chức trên bãi biển, đơn giản, nhưng thật nhiều ý nghĩa. Bố mẹ tôi rất thoáng, tôi nghĩ ông bà sẽ không bắt tôi phải tổ chức một đám thật to cho đủ mặt bạn bè, họ hàng. (hoaianz…@yahoo.com )

Đám cưới của tôi sẽ diễn ra vào ngày 10.1.2010, số lượng khách mời hiện nay đã lên tới con số hơn 800 người rồi. Thực ra, tôi cũng không định tổ chức quá lớn như thế, nhưng bạn bè mình nhiều, ngày vui cũng chỉ có một lần, nên tôi rất mong tất cả người thân, bạn bè có mặt để cùng chung vui cho hạnh phúc của mình. Hai đứa cũng đều trải qua vài lần thất bại trong tình yêu trước đây, nên cả hai rất trân quý yêu thương nhau và mong muốn sẽ có một đám cưới thật trọn vẹn cho “tình yêu cuối cùng” này._Thúy Nga (nghệ sĩ hài)

Đình Phi (ghi)

Ý kiến...

Nhân đọc loạt bài về đám cưới
(TNTT&GT từ 3.1.2010 - 5.1.2010)

* Đồng ý đám cưới là việc trọng đại của đời người nhưng cũng đừng nên quá khoa trương, dễ gây phản cảm. Tôi đã đi dự vài đám cưới kiểu này. Người giàu thì không nói làm gì vì họ có quá dư tiền bạc, nhưng một số người điều kiện kinh tế chỉ trung bình thôi chứ chẳng hơn ai, vậy mà cũng tổ chức đám cưới cho thật rình rang tốn kém, tới khi khách mời không tham dự đầy đủ thì coi như… ôm nợ._Thu Thảo, sinh viên (thuthao...@yahoo.com )

* Nhiều người bây giờ vẫn hay quan niệm rằng đám cưới là dịp để… kiếm tiền nên cứ tranh thủ tổ chức thật đông đúc, rầm rộ và hậu đám cưới là cô dâu chú rể phải è lưng ra trả nợ. Tôi quen một người chị thông qua cô bạn, mới chỉ gặp 2 lần, vậy mà một tuần sau thì nhận được thiệp mời đám cưới. Làm sao tôi có thể đi dự tiệc nếu không biết rõ về cô dâu và bạn bè của cô dâu, làm sao có thể hòa vào niềm vui với những người xa lạ… Tôi đã quyết định không đến dự, dù biết sau đó coi như mất đi mối quan hệ bạn bè này._ Kim Ngân, Q.6 (whitechocolate...@yahoo.com )

* Lúc vợ chồng tôi lấy nhau, vì hai đứa còn quá thiếu thốn về kinh tế nên chỉ đăng ký kết hôn tại phường và sự có mặt chúc phúc của song thân hai bên nhưng đến bây giờ gia đình tôi vẫn rất hạnh phúc. Nhờ “đồng vợ đồng chồng” nên điều kiện gia đình khá lên mỗi ngày, đối tác kinh doanh cũng nhiều hơn. Vợ chồng tôi hay đi dự đám cưới của mấy đối tác trẻ, có khi một tháng cả chục thiệp cưới, toàn là đám cưới hoành tráng nhà hàng 5 sao cả. Nhưng vấn đề là sau đó chúng tôi nghe tin ly dị, ly thân, ngoại tình… từ họ cũng rất nhiều. Thế mới thấy không phải việc tổ chức đám cưới ra sao, mà chính việc tổ chức cuộc sống chung sau ngày cưới ra sao mới là vấn đề quan trọng để gia đình được hạnh phúc. _Linh Phạm, Hà Nội (linh.pham...@gmail.com)  

* Tôi là dân văn phòng, thu nhập trung bình hằng tháng chỉ trên dưới 4 triệu đồng, chi phí thuê nhà và trang trải cho cuộc sống riêng chỉ tạm vừa đủ; nên tháng nào mà nhận được nhiều thiệp cưới quá, nhất là đám cưới của sếp thì coi như tháng đó tôi phải… ăn mì gói thường xuyên, vì cho dù không tham dự cũng phải gửi phong bì mừng, không người ta lại trách. Có một số người bạn thân thiết thì mình luôn sẵn sàng đến dự tiệc, gửi quà chung vui cùng họ nhưng những người chỉ gặp vài lần thì thiệt tình chẳng muốn đi dự chút nào._Hoàng Vy, Q.Tân Phú (hoangvy2012…@yahoo.com.vn )

Trí Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.