Làng gốm Bát Tràng cách Hà Nội 20km. Bạn qua cầu Chương Dương, rẽ phải, cứ thế xuôi theo dòng sông Hồng, băng qua những ngôi làng cũ kỹ hai bên sông, sau gần nửa tiếng là đến nơi.
Thỏa thích "săn" đồ gốm
Làng Bát Tràng nay đã đổi khác nhiều so với trước. Từ đầu làng vào đến sâu bên trong vài trăm mét, các ngôi nhà hai bên đường đã mở thành cửa hàng cửa hiệu to đẹp. Bên trong bày bán đủ các sản phẩm gốm trong làng sản xuất.
Những bộ bát đĩa xinh xắn, các bộ cốc đủ hình dáng màu sắc, chiếc thìa, bộ kê đũa, cốc trà, lọ hoa đủ kích cỡ cho đến những sản phẩm nghệ thuật như phù điêu, tượng... được bày biện dễ nhìn và bắt mắt.
Chịu khó đi sâu vào tận trong khu chợ Bát Tràng, giá cả cũng thấp hơn bên ngoài ít nhiều. Khuôn viên của chợ nằm gần với các lò gốm hơn. Tại đây, các tiệm bán nhiều mặt hàng đa dạng, từ loại phục vụ cho nhu cầu gia đình đến những mặt hàng dành cho giới trẻ. Đến khu chợ này bạn có thể tìm thấy vài chục gian hàng và hàng ngàn bộ sản phẩm được bày bán trên các kệ.
Thông tin thêm Nếu bạn muốn tự tay làm cho riêng mình những chiếc cốc ngộ nghĩnh, hãy ghé thăm một xưởng gốm nào đó trong làng. Bạn sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm từ nặn đất, nhào, cho đến cách sử dụng bàn xoay, nặn gốm, tô màu và tự nung trong lửa. Ngoài ra, nếu đi cùng trẻ em, bạn còn được chơi trò tô tượng, vẽ tranh ngay tại xưởng. Còn gì thú vị hơn khi trở về cùng với một bộ ấm trà do chính tay mình sáng tạo nên và nung trong bếp lò. |
Ngoài những sản phẩm thông dụng là bát đĩa, ấm chén, Bát Tràng còn làm nhiều hàng khác như các đồ thờ tự và các đồ cho trang trí nội, ngoại thất. Trong đó có độc bình, lư, đỉnh, đèn thờ, các bộ tượng tam đa, tam thánh, chậu hoa, con giống, gạch trang trí cao cấp.
Và thưởng thức đặc sản Bát Tràng
Đến thăm làng Bát Tràng, ngoài việc tham gia "vuốt-vẽ-nặn" những món đồ gốm nhỏ xinh, bạn nhớ thưởng thức cho được món canh măng mực, chỉ riêng nơi này có. Món ngon trên là sự kết hợp tuyệt vời giữa hương vị mặn mòi của biển với vị đăng đắng, thanh tao của măng rừng.
Việc chế biến món này rất công phu. Đầu tiên là phải ngâm măng và mực khô cho mềm ngay trước một ngày. Sau đó, người ta tước măng và mực thành sợi, để khi nấu, 2 nguyên liệu chủ đạo này hòa lẫn vào nhau như một. Để có một bát canh măng mực thật thơm ngon còn cần chuẩn bị sẵn nước dùng nấu từ thịt và xương heo.
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên "săn" cho được món chả ngóe, đặc sản ở đây. Ngóe còn có tên khác là ếch rừng. Nó giống con chàng hiu ở vóc dáng còm nhom, nhưng có màu da hấp dẫn của ếch đồng. Món này bổ dưỡng khỏi chê.
Lam Linh
Bình luận