Sau cơn mưa xối xả vào sáng qua 8.9, cảnh ngập lụt, ùn tắc trầm trọng lại tiếp tục tái diễn trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.
Đường Quan Nhân (Q.Thanh Xuân) thường xuyên ngập mỗi khi mưa lớn - Ảnh: M.Hà
|
Chỉ sau hơn 30 phút mưa dồn dập, nhiều tuyến đường ở vị trí thấp như Quán Thánh, Liễu Giai, Hoàng Hoa Thám… lập tức rơi vào cảnh ngập úng. Mưa lớn cũng khiến những điểm nóng về tắc đường như Nguyễn Trãi, Tố Hữu… trầm trọng hơn. Đường Quan Nhân cũng ngập sâu cả một đoạn dài vài trăm mét, khiến người dân sống tại đây phải vất vả len lỏi qua đoạn đường vừa lầy lội trơn trượt, vừa ngập nước.
Lý giải cho tình trạng Hà Nội cứ mưa to là ngập, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng, nếu mưa cấp tập trong 30 phút mà tới 50 - 70mm thì không hệ thống nào chịu được.
Theo ông Sương, hệ thống thoát nước giai đoạn 1 của Hà Nội có công suất tiêu thoát 170mm/2 ngày (giai đoạn 2 sẽ tăng lên 310mm/2 ngày), nhưng hệ thống này mới chỉ tiêu thoát được cho lưu vực sông Tô Lịch (bơm tiêu thoát ra sông Hồng). Lưu vực phía Tây của TP là sông Tả - Nhuệ, tới nay vẫn chưa có quy hoạch chi tiết cho việc tiêu thoát nước, và cũng chưa hề có dự án thoát nước, mà vẫn dựa vào việc tiêu thoát tự nhiên. Hệ quả là các tuyến đường vành đai như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến thường xuyên ngập úng mỗi khi mưa lớn.
“Tuyến đường Phạm Văn Đồng, TP đã chỉ đạo xây dựng dự án tiêu thoát nước, nhưng do trùng khớp với dự án vành đai 3, giai đoạn 2, nên vẫn chưa thực hiện được”, ông Sương nói.
Lãnh đạo công ty thoát nước cũng thừa nhận, nhiều tuyến phố vẫn là trọng điểm úng ngập như Đội Cấn, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt… do hệ thống cống nhỏ, hay như tuyến Thanh Đàm- Vĩnh Hưng… do mới đô thị hóa nên thiếu hạ tầng. “Hệ số mặt phủ (hệ số thấm - PV) trước đây của TP là 0,7 thì nay là 0,95, tức là nước không có chỗ để thấm, do bị bê tông hóa cùng với quá trình xây dựng nhà cửa, nước mưa không thấm tự nhiên xuống đất được mà tràn hoàn toàn xuống hệ thống tiêu thoát nước. Trong khi hệ thống cống không đủ khả năng chịu được lượng mưa lớn”, ông Sương cho hay.
Dự án ì ạch
Trên thực tế, nguyên nhân úng ngập còn do nhiều dự án tiêu thoát nước đang đắp chiếu hoặc thi công ì ạch.
Mới đây, lãnh đạo UBND TP đã phê bình Sở KH-ĐT và Công ty Thoát nước Hà Nội vì chậm trễ triển khai dự án xây dựng và cải tạo 3 trạm bơm thoát nước Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, 2 vay vốn của Chính phủ Bỉ. Các trạm bơm này, theo dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2012 đến 2013, để giải quyết ngập lụt nội thành, nhưng tới nay vẫn chưa hoàn tất.
Đặc biệt, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, với mục tiêu chống ngập úng cho Hà Nội trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa, đã bị giãn tiến độ mức kỷ lục.
Bắt đầu thi công từ tháng 12.2006, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 10.2010, nhưng sau đó do phát sinh thêm một số hạng mục, nên thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh đến hết năm 2011. Nhưng tới nay, sau gần 10 năm triển khai, dự án này vẫn vướng mặt bằng. Sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này ban đầu hơn 6.000 tỉ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại, giá trị đầu tư đã tăng lên hơn 8.000 tỉ đồng, chủ yếu do tăng vốn giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, việc chậm trễ mặt bằng chỉ là một phần nguyên nhân khiến dự án thoát nước ì ạch, một nguyên nhân nữa là năng lực thi công yếu của nhiều nhà thầu như tại tiểu dự án mương thoát nước Khương Thượng. Dự kiến, nếu thực hiện nghiêm các yêu cầu của TP, thì cũng phải đến cuối năm 2015 dự án mới hoàn thành, trễ hạn 5 năm so với kế hoạch.
Bình luận (0)