Gỡ khó cho ghẹ lột Cầu Đá

17/01/2017 19:32 GMT+7

Mặc dù ghẹ lột Cầu Đá (xã Bình An, H.Kiên Lương, Kiên Giang) rất nổi tiếng, nhưng cuộc sống của những người nuôi và sản xuất loài đặc sản này vẫn còn nhiều khó khăn.

Do đó, các ngành chức năng Kiên Giang đang triển khai nhiều giải pháp giúp phát triển nghề nuôi ghẹ lột một cách bền vững.
Xây dựng nhãn hiệu tập thể
Ghẹ lột Cầu Đá ở Kiên Lương từ lâu nổi tiếng ngon ngọt, nhiều dinh dưỡng được xếp vào loại hải sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, những năm qua việc khai thác, tiêu thụ ghẹ của người dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình nên bị thương lái ép giá, làm giảm giá trị kinh tế của ghẹ lột Cầu Đá. Ông Tô Minh Hải (ngụ xã Bình An), người có kinh nghiệm nuôi và tiêu thụ các loại ghẹ, cho biết ghẹ lột ngoài tự nhiên hiện nay tương đối hiếm. Trong khi đánh bắt được khoảng 20 - 30 kg ghẹ thường chỉ chọn được 1 kg ghẹ lột nuôi thương phẩm nhưng giá bán thấp hơn so với chi phí đầu tư và công chăm sóc. “Hiện nay, giá ghẹ dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, đến khi lột “dưỡng” bán ra chỉ 160.000 - 180.000 đồng/kg mà phải tốn thêm chi phí cho việc mua nước mặn trữ, tiền điện, có khi bị chết dẫn đến hao hụt. Đó là chưa kể phải thức khuya “canh” chờ ghẹ lột ra để vớt lên, nếu chậm trễ nó sẽ cứng lại như ghẹ thường thì lỗ thêm”, ông Hải nói.
Trước thực trạng đó, để nâng cao giá trị thương phẩm, tăng sức cạnh tranh của ghẹ lột Cầu Đá trên thị trường, người dân xã Bình An đề đạt nguyện vọng và được Sở KH-CN tỉnh Kiên Giang hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể ghẹ lột Cầu Đá hứa hẹn sẽ đảm bảo nâng cao giá trị, giúp quảng bá thương hiệu gần hơn với người tiêu dùng nhằm ổn định thị trường tiêu thụ, giúp nghề này duy trì và phát triển. Bên cạnh đó còn tạo động lực để hộ kinh doanh khai thác và chế biến ghẹ lột Cầu Đá bám nghề, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phát triển bền vững
Hiện nay, tại xã Bình An có trên 10 hộ nuôi ghẹ lột, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường từ 400 - 500 kg, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Sau khi hoàn thành đăng ký nhãn hiệu tập thể ghẹ lột Cầu Đá, tới đây chính quyền xã Bình An sẽ quy hoạch và hướng dẫn khai thác, chế biến bằng hình thức liên kết để nâng cao chất lượng, tăng thu nhập và hướng đến phát triển bền vững cho nghề nuôi. Ông Trịnh Công Lịnh, Phó chủ tịch UBND xã Bình An, cho biết việc đăng ký nhãn hiệu tập thể cho thương hiệu ghẹ lột Cầu Đá đã tạo bước thuận lợi để người dân nuôi trồng, phát triển nghề này. UBND xã sẽ vận động bà con phát triển nghề này không chỉ để tăng thu nhập mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng thêm loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tham quan thắng cảnh hòn Phụ Tử (xã Bình An).
Theo ông Nguyễn Xuân Niệm, Phó giám đốc Sở KH-CN tỉnh Kiên Giang, việc đăng ký nhãn hiệu tập thể cho một thương hiệu nói chung và ghẹ lột Cầu Đá nói riêng là hướng đi tốt cho bà con địa phương. Bởi ngoài có thương hiệu, thực khách còn yên tâm khi dùng ghẹ lột Cầu Đá không phải sợ tẩm các loại hóa chất độc hại. Bên cạnh đó, nếu đã có thương hiệu thì không những giúp người dân phát triển ngành nghề giúp phong phú thêm món ăn vốn được du khách ưa thích từ lâu, mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. “Khi được công nhận nhãn hiệu tập thể thì giá cả và đầu ra sẽ ổn định, giúp người dân an tâm giữ nghề. Qua đó, không chỉ phục vụ cho du khách, mà tương lai nghề nuôi sẽ phát triển và ghẹ lột Cầu Đá còn tỏa đi khắp cả nước”, ông Niệm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.