Hai con gấu nuôi vẫn bơ vơ hơn chục năm nay vì... tiền công

29/08/2016 13:06 GMT+7

Hai cá thể gấu nuôi nhốt 'nằm' chờ các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nhận nuôi nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào quan tâm.

Do chủ nuôi đòi tiền hỗ trợ
Hiện ở Tây Ninh còn hai cá thể gấu ngựa (nặng khoảng 150 kg, nuôi nhốt tại Công ty TNHH Tân Ngọc Lực, xã Tân Bình, TP. Tây Ninh) và cá thể gấu chó (nặng khoảng 60 kg, nuôi nhốt tại hộ ông Đào Ngọc Huynh, P.Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh). Cả 2 được nuôi nhốt từ năm 2001 và 2003 cho đến nay nhưng ngành chức năng tỉnh Tây Ninh vẫn chưa thể xử lý được.
Ông Mang Văn Thới, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh lý giải, trước đây, gấu được phép nuôi nhốt khi đã đăng ký gắn chíp điện tử và lập hồ sơ quản lý theo quy định. Do vậy, những hộ xin giấy phép nuôi nếu có chứng nhận rõ nguồn gốc thì trách nhiệm của kiểm lâm phải cấp phép theo quy định.
“Từ năm 2014, thời điểm 160/NĐ-CP (xác định gấu thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) có hiệu lực, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã vận động một số tổ chức và hộ gia đình tự nguyện bàn giao gấu nuôi cho các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 2 cá thể gấu trên vẫn chưa có tổ chức tiếp nhận”.
Theo ông Thới, chủ trại đề nghị có khoản tiền hỗ trợ chi phí xây dựng chuồng trại, công nuôi nhưng hai phía chưa đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, gần đây, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã liên hệ với chi cục về vấn đề cứu hộ 2 cá thể gấu này.
Bồi hoàn là tiếp tay cho phạm pháp
Trả lời PV Thanh Niên, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách - Pháp luật (ENV) cho biết, việc chủ trại đòi khoản bồi hoàn tiền công nuôi nhốt đã đi ngược lại với quan điểm của ENV. Bà Hà khẳng định: “Việc bồi hoàn cho chủ trại gấu là tiếp tay cho hành động phạm pháp của họ”
Theo bà Hà, Quyết định 47 của Bộ NN-PTNT năm 2006 đã khẳng định gấu không thuộc quyền sở hữu của chủ trang trại nuôi nhốt mà thuộc sự quản lý của Nhà nước. Bà Hà phân tích: “Khi Chính phủ bắt đầu chiến dịch chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại VN từ năm 2005, lẽ ra khi phát hiện gấu bị nuôi nhốt, ngay lập tức chúng phải bị tịch thu. Để tồn tại lâu như vậy, các chủ trại gấu cũng phải bị trừng trị nghiêm khắc cho những vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã”.
Bà Hà nhấn mạnh thêm: “Do vậy, ENV kiên quyết không nhân nhượng với hành động sai trái này và không đồng ý trả bất cứ khoản tiền nào theo đòi hỏi của chủ trại gấu trên”
Theo ENV, với những nỗ lực của Nhà nước nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu trái phép, bước đầu có 4.300 cá thể gấu trên cả nước đã được gắn chíp để quản lý. Mục tiêu của chương trình là ngăn chặn sự phát sinh gấu mới tại các trang trại. Cùng với sự sụt giảm tự nhiên và không có gấu mới thay thế, số gấu nuôi nhốt trong các trang trại sẽ dần suy giảm và từ đó các trang trại nuôi nhốt gấu sẽ bị đóng cửa. Đến nay, chương trình đã đạt được những hiệu quả nhất định khi số lượng gấu nuôi nhốt trên cả nước đã giảm đáng kể. Ước tính chỉ còn khoảng 1.250 cá thể gấu (2015) trong các trang trại trên khắp cả nước, giảm 72% so với năm 2005.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.