Xã hội đang làm rất nhiều việc để đạt được sự bình đẳng nam nữ. Tại các trường đại học, số nữ sinh và nam sinh xấp xỉ nhau. Rất nhiều ngành nghề được mở ra, mà ở đó phụ nữ tỏ ra có ưu thế hơn như: bưu chính, ngân hàng, hàng không, phiên dịch...
Theo thống kê ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 1 triệu đàn ông mất việc làm nhưng số phụ nữ được nhận vào làm việc lại tăng lên tương ứng. Vì vậy, theo các nhà xã hội học, trong một tương lai không xa, số phụ nữ thành đạt hơn chồng sẽ ngày càng nhiều.
Mặt trái của sự thành đạt
Điều đáng suy nghĩ là, cùng với sự vươn lên của phụ nữ thì tỷ lệ ly hôn cũng gia tăng. Không ít phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp nhưng lại thất bại trong hôn nhân. Bất cứ một người phụ nữ nào cũng từng mơ ước mình có một thành công nhất định trong công việc, có một chỗ đứng chắc chắn trong xã hội, một người chồng tốt đẹp và một gia đình hạnh phúc. Nhưng tất cả những điều ấy chẳng mấy khi đi liền với nhau.
Tại rất nhiều quốc gia, mô hình câu lạc bộ "Phụ nữ đơn thân" đã ra đời. Tại Pháp, Nhật, Mỹ... những người phụ nữ sống phong lưu, thành đạt nhưng không kết hôn hoặc hôn nhân đổ vỡ đã tụ họp lại với nhau trong một quyết tâm: nếu người đàn ông không thể nhìn nhận việc người vợ có thu nhập cao hơn chồng là một việc hết sức bình thường, nếu họ tiếp tục khó chịu và cau có mỗi khi nghe nhắc đến thành công của vợ, thì tốt hơn cả là những người phụ nữ ấy sống một mình, hưởng thụ một mình, "tiền ta làm ra do ta tiêu"...
Nhiều người phụ nữ đã tỏ ra ngạc nhiên. Họ đã phấn đấu, đã nâng cao những giá trị của bản thân, đã làm cho mình không còn mờ nhạt và đơn điệu nữa, nhưng rốt cuộc đàn ông không coi trọng họ hơn và không hề mong muốn lựa chọn họ làm người bạn đời thực sự. Thật ra, người đàn ông thích chọn những người phụ nữ như thế nào?
Các cuộc điều tra xã hội học đều cho thấy, đa số đàn ông hiện đại vẫn thích mình "cao" hơn vợ về kinh tế, trình độ và nghề nghiệp. Họ vẫn thích đóng vai trò khuyên răn, hướng dẫn, chỉ bảo cho vợ. Trong gia đình, họ muốn được coi là người chủ gia đình, người có địa vị cao nhất trong con mắt con cái và bạn bè. Cho nên, dù có dịu dàng và trìu mến, những người phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo hoặc có một sự nghiệp vững vàng vẫn đứng ngang hàng với đàn ông. Ngoài xã hội họ đã quen được mọi người lắng nghe và tôn trọng. Do đó, lúc nào họ cũng có thể tranh luận với chồng (và lý lẽ không hề kém sắc bén chút nào), có thể chứng minh là chồng sai - mình đúng trước mặt người thân và con cái. Do vậy, lòng tự tôn bị tác động, lại luôn phải thận trọng trong lời ăn tiếng nói khiến người đàn ông ngày càng khó chịu và bất mãn.
Khi đàn ông vẫn gia trưởng
Trong tâm lý, hầu hết đàn ông mong muốn có một sự cắt đứt giữa thế giới làm việc ban ngày và những giây phút vui thú nghỉ ngơi khi trở về nhà. Khi rời công sở, họ bỏ lại sau lưng những chuyện rắc rối, những xung đột, căng thẳng, bon chen.
Đối với người đàn ông, ngôi nhà trở thành nơi ẩn náu, người vợ trở thành sự xoa dịu, âu yếm. Với ánh sáng những ngọn đèn, với khung cảnh quây quần êm ấm, họ mong nhìn thấy người vợ nhu mỳ tuân phục, mong được tán đồng mọi ý kiến, được khen ngợi và tán dương...
Nhưng người vợ thành đạt, dù có chịu khó "diễn" đến mấy, cũng sẽ có những lúc không "nhập vai". Không thể giả đò ngơ ngác mãi trước những nhận định nông cạn của chồng, không thể gật đầu nhu thuận trước những đòi hỏi ích kỷ và bất công, không thể không bật cười vì những lỗ hổng kiến thức của người đàn ông (bộc lộ trong lúc xem TV chẳng hạn)...
Đó là chưa kể đến cách nhìn còn nhiều thiên kiến của xã hội. Một người đàn ông đi làm về ngồi ghếch chân đọc báo trong lúc người vợ la liệt nấu nướng dọn dẹp vẫn được coi là hình ảnh gia đình hạnh phúc. Nhưng nếu một nữ giám đốc, một nữ tiến sĩ sau giờ đi làm mà không đảm đương được công việc nội trợ, chăm lo con cái nhà cửa, thì chắc sẽ sống không yên với gia đình nhà chồng. Ngay cả bạn bè, người ngoài cũng sẽ dè bỉu "nhà này gà mái gáy"!!!
Một lý do khác tế nhị hơn mà không kém phần quan trọng. Người đàn ông luôn mong muốn vợ mình quyến rũ hơn, mới mẻ hơn trong tình yêu, tình dục. Muốn làm được như vậy thì phải có thời gian, phải đầu tư suy nghĩ, đầu óc phải thư thái, không bị phân tán. Người vợ nào không đi làm, hoặc không say mê sự nghiệp có ưu thế hơn vì họ rảnh rỗi hơn, có thời gian để phân tích cuộc sống của hai vợ chồng hơn.
Người phụ nữ thành đạt đồng nghĩa với người phụ nữ mệt mỏi và căng thẳng. Mỗi khi trở về nhà, thay vì xoa dịu và âu yếm chồng, họ lại mong được người khác xoa dịu và vuốt ve... Chẳng có thời gian để tìm hiểu tâm trạng của chồng, không đủ thời gian để làm những món ngon "đi qua dạ dày", thậm chí họ quá mỏi mệt đến nỗi chán ghét việc chăn gối.
Để chung sống hạnh phúc với người phụ nữ như vậy cần có một người đàn ông hiểu biết, rộng lượng, thông cảm, và cả kiên nhẫn nữa. Xem ra trong xã hội không có nhiều người đàn ông như vậy. Cho nên, trong lĩnh vực tình yêu hôn nhân có lẽ còn lâu mới đạt được nam nữ bình đẳng thực sự.
(Theo Phụ nữ Trung Quốc)
Bình luận (0)