Khi con bạn không giống những đứa trẻ bình thường!

17/09/2016 21:06 GMT+7

1 Mỗi buổi chiều tôi thường đưa con trai đi học can thiệp về ngôn ngữ để trị chứng chậm nói, tăng động giảm chú ý cho con.

Lớp học cách nhà tới 40 phút chạy xe máy, lại học vào giờ cao điểm nên cũng như nhiều ông bố bà mẹ khác, tôi chọn một chỗ ngồi chờ phía ngoài. Và chẳng biết làm gì vào thời gian lỡ cỡ ấy, những ông bố bà mẹ thường chọn cách trò chuyện với nhau.
“Con mình hồi nhỏ sốt tới 40 độ, đưa đi bệnh viện không kịp nên ảnh hưởng não. Bạn xem, ảnh 15 tuổi rồi mà đi dò dẫm từng bước không bằng con nít 1 tuổi vậy đó”. Chị phụ huynh mới đưa con nhập học thở dài với tôi. Chiều nào chị cũng đến sớm một lúc, chơi ném bóng cùng con vì nhà chị không có hành lang đi bộ an toàn như chung cư.

tin liên quan

Những đứa trẻ tự kỷ
Giá như, không bị người thân đánh đến mức “hết biết đau” và không có cú sốc quá mạnh về tâm lý, các em đã được bình thường như bao đứa trẻ khác...
“Trời ơi, chụp banh đi, chụp đi”... Giọng chị sốt ruột... “Đó, lại trượt nữa rồi ta ơi”... “Ráng nè, ráng chụp banh nhen”... “Giỏi, giỏi quá”... Chẳng hiểu sao tôi thường hình dung ra cảnh chim mẹ chim con khi nhìn mẹ con chị. Chim mẹ xòe cánh há mỏ kêu những tiếng lảnh lót dạy chim con, còn chim con nhút nhát, vụng về bên mẹ. Không sao, miễn là con cảm thấy an toàn.
2. Con trai tôi may mắn không bị nặng như cậu bé con của chị. Một vị bác sĩ từng hỏi, sau khi khám cho con rằng, nếu tôi nói con trai của cô bị tự kỷ, cô có buồn không?
“Dạ không”, tôi đáp. Nếu quả thực con là cậu bé tự kỷ thì tôi là mẹ của một cậu bé tự kỷ. Tôi muốn có một cách gọi chính xác cho tình trạng của mình, chỉ vì việc chẩn bệnh chính xác sẽ giúp tôi có thể khoanh vùng, tìm tài liệu đọc đúng hơn về sự phát triển của con, có thể tìm hiểu nhiều thông tin hơn là lên Google tìm đủ mọi thứ hầm bà lằng, na ná, như những trận đồ bát quái.
Và tôi sẽ biết ơn bất kỳ bác sĩ hay chuyên gia tâm lý nào có thể đưa ra lời khuyên làm sao để con thay đổi. Tự kỷ, ADHD chỉ là những khái niệm, cách gọi tên và mỗi đứa trẻ có sự phát triển khác nhau, miễn là con vẫn phát triển thì mẹ vẫn không thôi hy vọng. Vị bác sĩ gật đầu, cười, nói: “May quá, không phải bố mẹ nào cũng có cách nhìn lạc quan và bình tĩnh đến vậy. Đó là cách nhìn đúng”.
Trước khi chia tay bác sĩ, tôi đã nói rằng, “Bác sĩ ạ, thực tình thì em buồn chứ, nhưng không cho phép mình buồn lâu. Đơn giản vì em nghĩ, người mẹ không thể nắm tay con chiến đấu với bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào bằng cái nhìn tiêu cực, phải không?”.
Ngày con bước sang tuổi thứ 8, tôi vui mừng nhận ra con trai đã có những thay đổi rõ về tình cảm. Khi đi qua một cây cầu nhiều gió, con kêu ôi chà, ôi chà. Chắc hẳn con có sự ngạc nhiên nhưng do hạn chế ngôn ngữ, con không biết cách biểu đạt.
Tôi nói, gió quá ha Đốm, Đốm ôm mẹ đi không gió thổi bay á. Con ôm mẹ chặt cứng suốt quãng đường dài, lòng tôi như có những khúc nhạc ngân nga. Những lúc ấy tôi quên mất rằng con từng học tới hai năm lớp lá, hai năm lớp một và chưa biết bao giờ có thể lên được lớp hai.
3 Làm mẹ của một đứa trẻ đặc biệt dĩ nhiên cũng phải là người thật đặc biệt. Tôi vẫn thích gọi những cô bé, cậu bé như con trai mình chỉ với từ “đặc biệt”. Trong bộ phim Cậu bé đặc biệt của Ấn Độ kể về một cậu bé bị tự kỷ.
Phim ấy, khi bố mẹ nói với con - một cậu bé đặc biệt rằng mày vô tích sự, mày chẳng làm được gì, mày làm phiền tao... Họ nói cho hả lòng cho tới khi một thầy giáo dạy vẽ của con kể cho nghe về việc đốn hạ một cái cây. Một bộ lạc ở một vùng hoang đảo nọ muốn chặt bỏ một cái cây nhưng không có công cụ gì, họ liền đi vòng quanh cái cây chửi rủa, xúc phạm nó.
Họ không thèm quan tâm chăm sóc gì... và quả thực, một thời gian ngắn sau đó cái cây lụi tàn, mất sức sống. Họ tin rằng cái cây đã bị hạ bằng lời chửi rủa, xúc phạm. Câu chuyện khiến ông bố lặng đi, bà mẹ bật khóc vì thương con. Tôi đã khóc theo từng cơn nức nở của người mẹ ấy.
Người thầy đã dành cho cậu bé tự kỷ nhiều lời khen tặng, đã luôn nhìn cậu bé với thái độ hết sức trân trọng và nhẫn nại lắng nghe cậu - dù sự “lắng nghe” có khi chỉ là bằng ánh mắt thấu hiểu vì cậu bé nhất định không nói năng, chia sẻ gì. Và cậu bé đã xứng đáng với niềm tin của người thầy khi vượt qua tất cả học sinh lẫn giáo viên, đoạt giải nhất cuộc thi hội họa toàn trường - điều mà không ai có thể ngờ tới.
Người thầy dạy vẽ ấy vốn từng là một đứa trẻ tự kỷ. Từng bị tổn thương và từng hiểu lời khen tặng dành cho một đứa trẻ khiếm khuyết có ý nghĩa lớn lao như thế nào. Niềm tin được trao đi sẽ nhận về những quả ngọt.
Con là một món quà đặc biệt - đơn giản chỉ là vậy. Đó là thông điệp mà bộ phim gửi tới có ý nghĩa như một câu thần chú để mỗi ông bố, bà mẹ có thể nắm tay con bước qua những chông gai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.