Bí ẩn cuộc đào thoát Alcatraz

18/06/2012 03:00 GMT+7

Sự thật đằng sau cuộc đào thoát táo tợn khỏi nhà tù Alcatraz chưa bao giờ được phanh phui trước ánh sáng, nhưng cảnh sát Mỹ vẫn cương quyết không từ bỏ vụ án.

Những người điều hành nhà tù Alcatraz luôn bảo rằng chẳng ai có thể thoát được chốn giam giữ kinh hoàng này. Tuy nhiên, tuyên bố kia chẳng ngăn được cảnh sát nước này mở lại cuộc điều tra về vụ vượt ngục gây chấn động hồi 50 năm trước. Theo thống kê, có tổng cộng 14 vụ đào thoát khỏi Alcatraz, nơi giam giữ những kẻ nguy hiểm nhất nước Mỹ, trong đó có một  vụ gây nên trận ẩu đả đẫm máu vào năm 1946.

 Bí ẩn cuộc đào thoát Alcatraz 1
Đầu giả bằng giấy bồi dùng để lừa lính gác - Ảnh: history.com

Cuộc vượt ngục táo tợn

Theo phiên bản chính thức, tù nhân Frank Morris và anh em John và Clarence Anglin được cho là đã bỏ xác trong làn nước dữ ở vịnh San Francisco. Thế nhưng, không ít người nghĩ rằng bộ ba này đã thoát hiểm thành công và không bao giờ lộ tông tích nữa. Thậm chí còn có lời đồn rằng họ quay lại nơi giam cầm dưới lốt du khách để kỷ niệm 50 năm ngày vượt ngục khỏi “The Rock”, biệt danh một thời của Alcatraz. Dù chẳng rõ nguồn gốc của tin đồn này, cảnh sát Mỹ vẫn cử người đến hòn đảo trên vào đúng ngày 11.6.2012, với hy vọng có thể chộp được những kẻ gây bẽ mặt giới cảnh sát Mỹ và Cục Điều tra liên bang từ những năm 1960.

Hầu hết tù nhân nào vượt khỏi “The Rock” đều chịu chung số phận là bị bắt lại hoặc thảm hơn là chết đuối. Đó cũng là lý do tại sao vụ đào thoát của Frank Morris và anh em nhà Anglin lại gây xôn xao dư luận suốt nhiều năm như vậy. Cuộc vượt ngục của bộ ba trên được xếp vào dạng táo bạo, phức tạp nhất trong lịch sử trại giam, và nếu theo ý kiến của đa số, thì đã thành công. Kế hoạch này khởi động bằng việc dùng muỗng và thiết bị giống như cái khoan chế từ máy hút bụi để đào phần bê tông xung quanh lỗ thông khí trong phòng giam. Nhằm che lấp những tiếng động đào bới, những kẻ này cho người ngồi chơi kèn accordion, và dùng giấy bìa cứng che từng lỗ hổng. Còn xà bông được nhét vào thay phần đinh tán đã bị rút ra.

Bí ẩn cuộc đào thoát Alcatraz 2
Frank Lee Morris, Clarence và John Anglin (từ trái qua) - Ảnh: Reuters 

Khi thời cơ đến, họ chui qua lỗ để ra đến hành lang và lên thẳng nóc nhà tù. Trong khi đó, lính gác luôn đi đến từng xà lim kiểm tra tù nhân theo định kỳ. Khi đi đến phòng giam của ba kẻ âm mưu trốn trại, quản giáo không phát hiện điều gì bất thường, nhưng trên thực tế cả bọn đã làm đầu giả bằng giấy bồi và lấy tóc thật cắm vào.

Quay lại nhóm trốn trại, ba người đã lên được nóc nhà, và bất chấp ánh đèn pha rọi liên tục, họ đến thẳng các hàng rào dây thép gai cao ngất. Lợi dụng một điểm mù trước tầm mắt của lính gác, họ dùng ống thổi tự chế và làm phồng chiếc bè nổi làm từ áo mưa. Thành viên thứ 4 của nhóm đã không kịp chui qua lỗ thông hơi trong phòng giam. Còn những người lọt qua đã đến được vịnh San Francisco, dù còn sống hay đã chết tùy theo người muốn tin.

Sống hay chết?

Dù bao nhiêu năm đã trôi qua, cảnh sát Mỹ vẫn không khép lại vụ án vì chưa bao giờ tìm thấy thi thể của bất cứ kẻ nào trong vụ vượt ngục được liệt vào dạng táo tợn nhất nước này. “Tôi nghĩ rằng có thể họ đã sống sót”, BBC dẫn lời cảnh sát điều tra Michael Dyke, đã theo vụ án từ năm 2003. Cuộc tìm kiếm vẫn được triển khai, và giới hữu trách lần theo hàng ngàn đầu mối xuất hiện hầu hết ở 50 tiểu bang Mỹ. Một tháng sau vụ vượt ngục, tàu chở hàng Na Uy đã phát hiện xác người trong bộ áo tù nổi trên biển cách cầu Cổng Vàng khoảng 24 km. Tuy nhiên, không có kết luận nào được đưa ra về trường hợp này, mà chỉ có những nghi ngờ.

Sự đau đầu của cảnh sát Mỹ lại biến thành món mồi béo bở đối với ngành phim ảnh và những ngành ăn theo. Sách báo và phim tài liệu tiếp tục câu hỏi còn dang dở, trong khi Hollywood không ít lần xào lại vụ vượt ngục, trong đó có phim Escape from Alcatraz do nam diễn viên nổi tiếng Clint Eastwood thủ vai Frank Morris vào năm 1979, hoặc loạt phim truyền hình ăn khách Prison Break. Nhà đài còn bỏ công dựng lại toàn bộ quá trình vượt ngục, với kết luận cuối cùng là tù nhân đã thoát.

Nếu còn sống, Morris đã 85 tuổi, John Anglin 82 còn Clarence Anglin 81.

Hạo Nhiên

>> Vượt ngục như phim
>> Cướp ngục ở Philippines, 3 người chết
>> 800 cảnh sát Nhật lùng bắt 1 tù nhân Trung Quốc
>> Một phạm nhân chết bí ẩn
>> Đọ súng đẫm máu tại nhà tù Mexico
>> Những cuộc vượt ngục bằng đường hầm nổi tiếng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.