Những phát hiện đột phá của NASA

08/09/2010 08:11 GMT+7

(TNO) Không thể phủ nhận vai trò to lớn của NASA trong công cuộc khám phá vũ trụ của con người. Sau đây là những phát hiện được đánh giá là gây chấn động giới khoa học trong những năm gần đây của NASA.

Một hệ mặt trời khổng lồ cách chúng ta 127 năm ánh sáng

Không cần phải đi đâu xa để tìm người ngoài hành tinh. NASA cho hay vừa phát hiện một hệ mặt trời khổng lồ cách Trái đất khoảng 127 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Thủy Xà.

Đây là hệ thống hành tinh lớn nhất được tìm thấy ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Khoảng cách giữa các hành tinh với mặt trời của chúng theo đúng mẫu hình như hệ mặt trời của chúng ta, chỉ khác là những hành tinh này lớn hơn nhiều. Trong đó, có 5 hành tinh với khối lượng giống sao Hải Vương, tức lớn gấp 13 đến 25 lần khối lượng Trái đất, di chuyển với chu kỳ từ 6 đến 600 ngày. Một hành tinh giống sao Thổ, với khối lượng lớn tối thiểu gấp 65 lần khối lượng Trái đất, mất 2.200 ngày mới hoàn thành quỹ đạo quanh mặt trời. Hành tinh còn lại được cho là hành tinh nhỏ nhất được phát hiện từ trước đến nay, với khoảng cách đến mặt trời chỉ bằng 2% khoảng cách từ mặt trời đến trái đất.


Có một phiên bản hệ mặt trời khác - Ảnh: NASA

Thảm họa mặt trời năm 2013

Các chuyên gia vũ trụ dày dạn kinh nghiệm của NASA cho rằng trận bão từ khủng khiếp mang theo năng lượng vô tiền khoáng hậu sẽ tấn công Trái đất sau khi mặt trời trở mình thức giấc vào năm 2013.

Trong một cảnh báo mới đây, NASA dự báo siêu bão từ, mang theo sức công phá tương đương 100 quả bom hydro, sẽ đánh thẳng xuống Trái đất với tốc độ nhanh như tia chớp và có thể gây ra sự tàn phá trên diện rộng và kéo dài nếu con người không có sự chuẩn bị tốt. Không chỉ hủy hoại tầng ozone, bão từ sẽ đánh sập hệ thống viễn thông, làm tê liệt bất cứ thiết bị điện tử nào, từ vệ tinh, hệ thống ngân hàng đến những vật dụng hằng ngày như máy tính cá nhân, iPod và Sat Navs. Mạng lưới điện của nhiều quốc gia cũng sẽ bị đánh gục, gây cúp điện trên phần lớn Trái đất.

 
Một đợt bùng nổ trên mặt trời - Ảnh: NASA

Sự sống ngoài hành tinh trên Titan

NASA cho rằng họ đã tìm thấy chứng cứ của sự sống ngoài Trái đất hiện diện trên Titan, một trong các mặt trăng lớn nhất của sao Thổ. Dữ liệu truyền về từ tàu thăm dò Cassini đã phân tích sự phức tạp về hóa học trên bề mặt của Titan, mà theo các chuyên gia tuyên bố là mặt trăng duy nhất của sao Thổ có khí quyển dày đặc như vậy. Kết quả này đã được rút ra sau 2 cuộc nghiên cứu riêng biệt.

Trong cuộc nghiên cứu đầu, khí hydro có trong tầng khí quyển của hành tinh này nhưng lại không xuất hiện ở bề mặt hành tinh. Điều này cho thấy những sinh vật có mặt trên Titan hoàn toàn có thể hô hấp được.

Còn theo nghiên cứu thứ 2, bề mặt Titan được cho là thiếu chất hóa học, gọi là khí acetylen, kết quả của sự tương tác giữa ánh nắng mặt trời và các chất hóa học trong khí quyển. Và các chuyên gia cho rằng những chất bị thiếu đã được tiêu thụ bởi sự sống có trên hành tinh. Giả thuyết được đưa ra là có khả năng đang tồn tại sự sống hấp thu khí hydro giống như con người hấp thu ô-xy, và có thể sự sống đó độc lập với sự sống phụ thuộc vào nước ở Trái đất.


Quang cảnh bề mặt Titan - Ảnh: NASA

Những bức ảnh hoàn hảo nhất của Trái đất

Ghi lại sự dễ vỡ, yếu ớt của Trái đất trong một khoảng khắc đầy ấn tượng, bức ảnh ghép cho thấy toàn bộ lục địa Bắc Mỹ, Trung Mỹ và phần phía bắc của Nam Mỹ, Greenland, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. NASA đã tạo ra những hình ảnh tuyệt hảo bằng cách sử dụng hàng ngàn đài quan sát trên vệ tinh ở độ cao hàng trăm km cách mặt đất. Sau đó, những hình ảnh của bề mặt trái đất, các đại dương, bờ biển và mây được gắn kết với nhau để tạo nên một bức tranh ghép hoàn chỉnh về Trái đất.

Họ cũng đã tạo ra ví dụ chính xác về phép đo địa hình Trái đất, độ sâu đại dương và băng tại Nam Bắc cực. Sau khi chụp hình mỗi 8 ngày 1 lần để bù trừ cho việc mây có thể che khuất tầm nhìn từ vệ tinh, NASA đã tạo ra bức ảnh hoàn hảo về Trái đất.


Hình ảnh cực kỳ sắc nét và ấn tượng của Trái đất, được ghép bằng nhiều hình lại với nhau - Ảnh: NASA

Phát hiện nước trên mặt trăng

Một chương mới trong lịch sử thám hiểm không gian đã được mở ra sau khi NASA xác nhận sứ mệnh đánh bom mặt trăng đã dẫn đến sự tìm thấy một khối lượng khổng lồ nước đóng băng.

NASA đã bắn thẳng một quả tên lửa vào hố Cabeus, gần cực nam của mặt trăng, với tốc độ khoảng 9.000 km/giờ. Vụ va chạm đã tạo ra một cột các mảnh vụn băng cao đến 1,6 km, tương đương với 2 xô nước 7,5 lít. Các nhà khoa học cho biết sự phát hiện gây kinh ngạc này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của họ. Nước đóng băng, được cho là những hạt nhỏ trộn lẫn với bụi mặt trăng, đã dự báo một bước nhảy vọt trong công cuộc thám hiểm không gian và làm dấy lên hy vọng về việc xây dựng một trạm trung chuyển dài hạn trên hành tinh này.


Bắn rocket vào bề mặt mặt trăng - Ảnh: NASA

Những bức ảnh tuyệt vời về sao Diêm vương

Các nhà khoa học NASA đã chụp được những hình ảnh rõ nét nhất về sao Diêm vương, nhờ vào kính viễn vọng Hubble. Pluto, nay bị liệt vào hành tinh lùn, có kích thước rất nhỏ và cách mặt trời từ 4,4 đến 7,4 tỉ km. Đường kính tại xích đạo của hành tinh này vào khoảng 2.390 km (bằng 0,18 lần Trái đất) và nằm ở rìa của Hệ mặt trời.

Sao Diêm vương mất khoảng 248 năm mới hoàn thành xong vòng quay xung quanh mặt trời. Bề mặt của nó từng là một bí mật đối với giới thiên văn học. NASA từng so sánh thách thức này giống như một người muốn quan sát các dấu vết trên một sân bóng cách họ đến 64 km. Tuy nhiên, Hubble đã thành công khi chụp được hình ảnh chi tiết trên bề mặt của sao Diêm vương, cũng có những thay đổi mùa như trên Trái đất.


Hình ảnh chi tiết về Pluto - Ảnh: NASA 

Ghi nhận sự va chạm giữa hai thế giới

Spitzer, kính thiên văn đặt tại California (Mỹ) của NASA, đã phát hiện được bằng chứng cho thấy một sự va chạm ở vận tốc cao giữa hai hành tinh đang hình thành xoay quanh một ngôi sao trẻ cách trái đất khoảng 100 năm ánh sáng (1 năm ánh sáng tương đương với 9,7 nghìn tỉ km).

Các nhà nghiên cứu thiên văn cho hay hiện tượng này tương tự như sự hình thành Mặt trăng cách đây khoảng 4 tỉ năm, khi một hành tinh có kích thước cỡ sao Hỏa va chạm với Trái đất. Những cột đá hóa hơi nước và nham thạch còn sót lại sau vụ va chạm vốn xảy ra cách đây vài ngàn năm đã được Spitzer ghi nhận. Vụ va chạm xảy ra giữa một hành tinh có kích cỡ ít nhất phải lớn như mặt trăng và hành tinh còn lại lớn như sao Thủy. Cả hai lao vào nhau với vận tốc khoảng 10 km/giây. Kết quả là hành tinh nhỏ hơn bị hủy diệt.


Kính thiên văn Spitzer đã chụp lại hình ảnh độc nhất vô nhị khi 2 hành tinh va vào nhau - Ảnh: PA

Hình ảnh mặt trăng của sao Thổ phun hơi nước

Những hình ảnh đầy ngoạn mục chụp lại mặt trăng Enceladus của sao Thổ “phun” nước đã khiến giới khoa học trầm trồ kinh ngạc. Phi thuyền không người lái Cassini của NASA đã chụp được chứng cứ mới cho thấy mặt trăng lớn thứ 6 của sao Thổ đang bùng nổ tại những đường nối. Các bức hình, được chụp cách bề mặt mặt trăng 1.600 km đã ghi lại một rừng gồm hơn 30 cột nước băng, trong đó có 20 cái chưa bao giờ được ghi nhận trước đây, đang phun hơi từ đường đứt gãy tại bề mặt Nam cực. Những hình ảnh này cung cấp cho NASA một cái nhìn hoàn toàn mới về khu vực trên của Enceladus trước khi nó chìm vào bóng tối suốt 15 năm dài.


Các đợt phun nước trên bề mặt Enceladus - Ảnh: NASA

“Bàn tay của Chúa”

Bức ảnh đẹp tuyệt vời về một bàn tay vũ trụ vươn tới các vì sao đã được đài quan sát Chandra của NASA ghi nhận. Trên thực tế, nếu bỏ ra yếu tố tưởng tượng, những ngón tay thuôn dài kia đã được tạo ra bởi một ngôi sao trung tính đang xoay được gọi là ẩn tinh nằm lọt thỏm vào trong “bàn tay”, phát ra năng lượng khi nó xoay. Mặc dù ẩn tinh chỉ có đường kính 19,2 km, đám mây hoặc tinh vân mà nó tạo ra kéo dài đến 150 năm ánh sáng. Ẩn tinh cách trái đất 17.000 năm ánh sáng.

Các sao trung tính được tạo ra khi các sao bình thường cháy hết nhiên liệu và sụp đổ, và NASA cho rằng ngôi sao tạo ra hiệu ứng kì diệu trên đang quay xung quanh trục của nó với tốc độ 7 lần/giây.


Ẩn tinh xoay vòng đã vẽ nên hình "bàn tay của Chúa" trong không gian - Ảnh: NASA

Nước có trên sao Hỏa

Nước đã được phát hiện lần đầu tiên trên sao Hỏa, làm dấy lên hy vọng rằng hành tinh đỏ có thể duy trì được sự sống. Tàu đổ bộ Phoenix đã gửi về những bằng chứng xác thực đầu tiên rằng có nước dưới dạng băng đang tồn tại phía dưới bề mặt sao Hỏa. Trước đó, giới khoa học chứng minh được rằng hành tinh này có thời ẩm ướt, mưa nhiều, với đại dương chiếm đến 36% diện tích hành tinh đỏ, chứa gần 50 triệu km khối nước.


Xe bộ hành Phoenix - Ảnh: NASA

Hố đen khổng lồ tại trung tâm thiên hà

NASA đã tìm thấy một hố đen có khối lượng gấp 100 triệu lần mặt trời đang ngốn ngấy khí ga, bụi và các ngôi sao tại trung tâm của một thiên hà cách đây 50 triệu năm ánh sáng. Hố đen này hình thành tại trung tâm của thiên hà NGC-1097, được chụp lại bởi kính thiên văn Spitzer. Thiên hà này có hình xoắn ốc, giống như dải Ngân hà của chúng ta, và kéo theo vô vàn các ngôi sao đỏ trong vũ trụ.

Tuy nhiên, NASA cho hay hố đen tại trung tâm dải Ngân hà đã được chế ngự, không như tình trạng tại thiên hà NGC-1097, với khối lượng chừng vài triệu mặt trời. Bức hình cho thấy một vòng sáng xung quanh hố đen, là nơi tụ tập của các ngôi sao mới sinh đang cháy sáng.

 
Hố đen tại trung tâm thiên hà NGC-1097 -
Ảnh: NASA

 Hạo Nhiên
(Tổng hợp Nasa.gov, Telegraph)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.