Nhưng chữ viết cũng chỉ hé lộ thông tin về ngôn ngữ từ 5.000-6.000 năm nay thôi”. Chính vì những trở ngại này, các nhà khoa học đã không còn nghĩ đến việc tìm hiểu gốc gác của ngôn ngữ từ cuối thế kỷ XIX. Vấn đề chỉ thật sự được nghiên cứu trở lại từ khoảng 10 năm nay, nhờ những tiến bộ của các ngành nhân chủng học, di truyền học. Chẳng hạn, việc tìm ra FOXP2, loại gien khi bị đột biến sẽ dẫn đến những rối loạn ngôn ngữ nghiêm trọng đã mở ra những hướng nghiên cứu mới. Các nhà khoa học đã xác định được các “vết tích” đột biến của gien này trong gien người từ 200.000 năm nay nhưng không tìm thấy ở các loài khỉ nhân hình.
Bài viết mới đây trên tạp chí Science của GS Quentin Atkinson, thuộc Đại học Auckland (New Zealand) cho thấy một số phương pháp nghiên cứu di truyền học có thể áp dụng trên ngôn ngữ học. Từ nhận định “các dân tộc càng nhỏ thì tiếng nói riêng càng ít âm vị”, giáo sư Atkinson nhận ra sự tương đồng với “hiệu ứng tổ phụ” của di truyền học. Ông giải thích: “Trong di truyền học, khi một bộ phận dân cư tách ra khỏi cộng đồng ban đầu để khai phá và làm chủ một vùng đất mới sẽ xảy ra “hiệu ứng tổ phụ”. Con cháu nhóm dân cư “tổ phụ” nhỏ bé này nhiều khả năng có thông tin di truyền ít đa dạng hơn so với cộng đồng khởi nguồn”.
Sự đa dạng của âm vị trong ngôn ngữ cũng tương tự như thế. Quá trình chinh phục địa cầu của tổ tiên loài người cũng dẫn đến “hiệu ứng tổ phụ” cho ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy các dân tộc sống biệt lập tại những hòn đảo nhiệt đới ở khu vực Thái Bình Dương hoặc Nam Mỹ có tiếng nói ít âm vị nhất, phù hợp với các cuộc di dân chỉ vài ngàn năm trở lại đây. Trong khi đó, các ngôn ngữ có âm vị đa dạng nhất thuộc khu vực hạ Sahara của châu Phi. Điều này cho thấy nguồn gốc của ngôn ngữ con người có thể ở châu lục này, trước khi biến đổi và phát triển theo các cuộc di cư vào 50.000-70.000 năm trước. Như vậy, sự phân bố ngôn ngữ phù hợp với di truyền học đã củng cố thêm giả thuyết cái nôi của nhân loại ở châu Phi.
Lan Chi
Bình luận (0)