Khuyến khích người dân thành phố đi xe đạp

Hà Nội và các thành phố lớn đang nỗ lực tạo dựng lại thói quen đi xe đạp của người dân.

Tại nhiều thành phố lớn của Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản… xe đạp được sử dụng khá phổ biến. Trong khi đó, tại Hà Nội, dù còn rất ít, nhưng vào giờ cao điểm, trên nhiều con phố, vẫn có thể bắt gặp hình ảnh một vài công chức lưng khoác túi, đạp xe đến chỗ làm. Theo tính toán của Ủy ban ATGT quốc gia, khoảng 40 - 45% số chuyến đi tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM ở cự ly dưới 4 km hoàn toàn có thể sử dụng xe đạp. Xe đạp cũng là phương tiện kết nối hoàn hảo và phù hợp giữa các mạng lưới vận tải công cộng, trong đó người dân có thể dễ dàng sử dụng xe đạp từ nhà đến điểm xe buýt.
Xe đạp rất phổ biến tại Tokyo, Nhật Bản
Xe đạp rất phổ biến tại Tokyo, Nhật Bản
Tuy nhiên, với Hà Nội hay TP.HCM, để người dân quay trở lại với xe đạp, để có không gian an toàn cho những người đi xe đạp không phải là điều dễ thực hiện. Anh Vinh Hải (ngụ tại Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết đã mua xe đạp địa hình, những ngày thời tiết mát mẻ rất muốn đạp xe đến cơ quan nhưng sự bất tiện, thậm chí nguy hiểm khi phải luồn lách đạp xe giữa dòng xe máy và ô tô đông đúc khiến anh nản lòng. “Xe đạp vẫn đang là phương tiện yếu thế, không có đường riêng, không được nhường đường”, anh Hải nói.
Để dừng xe máy trong khu vực nội đô, Hà Nội đặt ra mục tiêu khá tham vọng đến năm 2030, 80% khu vực nội đô có thể tiếp cận điểm dừng đỗ vận tải hành khách công cộng dưới 500 m. Những điểm trên 500 m, khu chung cư, ngõ nhỏ sẽ thực hiện kết nối bằng các phương tiện như xe đạp cá nhân, xe đạp công cộng. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố sẽ bố trí các điểm giao thông tĩnh ở những điểm kết nối với phương tiện giao thông công cộng để người dân có thể đi xe đạp. Một phương án khác cũng được Sở này tính tới là dịch vụ cho thuê xe đạp tại các nút giao thông công cộng để người dân có thể sử dụng di chuyển.
Hỗ trợ người đi xe đạp
Từ đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản 148 về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo 5 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ xây dựng, phê duyệt, triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm, để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng.
Năm 2016, đề án thí điểm xe đạp công cộng tại Hà Nội của Ủy ban ATGT quốc gia và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được triển khai thực hiện, với sự xuất hiện của gần 1.000 xe đạp và xe đạp điện cho thuê. Nhưng dự án chưa thực sự có sức lan tỏa và đạt kết quả như mong muốn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa xe đạp trở lại với đời sống giao thông hoặc sử dụng xe đạp công cộng chưa đạt hiệu quả do VN còn thiếu những quy định để khuyến khích, bảo vệ cho người dân sử dụng xe đạp, chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp hay sự kết nối của xe đạp với các điểm xe buýt như chỗ gửi xe… Để xe đạp có một chỗ đứng trong các loại hình phương tiện, dần thay thế được xe máy trong thói quen sử dụng của nhiều người, trong quá trình quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng, các thành phố cần tính toán, đưa xe đạp công cộng trở thành giải pháp kết nối giao thông, giảm phương tiện cơ giới cá nhân; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn. Quy hoạch vị trí điểm tập kết xe đạp hợp lý tại các khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe. Đặc biệt, các thành phố cần xây dựng hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho người đi xe đạp như làn đường cho xe đạp, điểm dừng, trông giữ xe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.