Làng “săn” châu chấu

26/09/2009 22:25 GMT+7

Mỗi buổi tối, một người bắt được từ 20-30 kg châu chấu, cho thu nhập bằng cả một tạ thóc. Người dân xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) đang làm giàu nhờ việc bắt châu chấu trong vụ gặt.

“Nhưng không phải ai vác vợt đi là cũng có thể “quay” (bắt) được châu chấu đâu nhé. Chẳng hạn như trước mặt chú là cả một cánh đồng ngút tầm mắt, nếu có mẹo, chỉ cần quan sát cọng cỏ đầu bờ xuất hiện vết răng cắn nham nhở, không nguyên vẹn là biết ngay châu chấu có cả đàn. Phải đợi tới khi trời tối, sương xuống nhiều, làm cánh châu chấu ngấm, nặng nước, khó lòng mà bay được... lúc đấy tha hồ mà bắt. Bằng không có đi rạc cả cẳng, nước ruộng ăn ruỗng chân cũng chẳng vợt lấy nổi một cân”, vừa hăng hái tiếp chuyện chúng tôi, anh Nguyễn Văn Năng – một tay săn châu chấu có tiếng ở thôn Lê Xá, vừa dùng vợt chao bên nọ đảo bên kia để quay châu chấu.

Với hơn chục năm kinh nghiệm “quay” chấu, anh Nguyễn Hữu Thông cho biết, châu chấu cũng có đặc điểm giống với những loài côn trùng khác. Khi trời còn sáng, hễ thấy động, bóng người là chúng cất cánh bay liền; nhưng khi trời tắt nắng, cứ chỗ nào có ánh sáng là châu chấu bu hết cả lại. Chính vì vậy, mỗi lần đi “quay” chấu, người xã Lê Thanh không quên đem theo bộ đèn chiếu sáng chế từ chiếc đèn pin nối với bình ắc qui đeo lủng lẳng bên hông.

Ngoài bộ đèn chiếu sáng, công cụ dùng bắt chấu không thể thiếu chiếc vợt. Đó là một chiếc vợt được thợ săn chấu Lê Thanh thửa riêng, cao quá đầu người, với chất liệu nilon may thành túi dài, khâu ôm lấy miệng vành, gắn trên chiếc cán làm từ tre đực có chiều dài không dưới 1,7m... chi phí chỉ vào khoảng 25.000 đồng. Đồ nghề đơn giản, vốn đầu tư chẳng đáng là bao, chỉ chịu khó bỏ công lội ruộng mà số tiền kiếm được mỗi đêm bằng cả tạ thóc. Vì thế, từ chỗ ban đầu chỉ lác đác vài hộ gia đình, đến nay cả xã Lê Thanh gần như không có ai là không biết “quay” châu chấu.

“Xuất” chấu làm giàu

Theo anh Phạm Văn Mạnh, đầu mối thu mua chấu lớn nhất trong xã, châu chấu được nhiều nhà hàng, khách sạn trên khắp đất nước mua về để chế biến thành món ăn, món nhậu khoái khẩu. Những món như chấu rang, chấu nướng khi ăn có vị rất thơm, bùi và ngậy. Nhưng hiện tại khắp khu vực phía bắc, chỉ độc có xã Lê Thanh săn bắt châu chấu, trong khi châu chấu chỉ được đánh bắt trong thời điểm vụ gặt. Do vậy mà châu chấu săn được tới đâu, các nhà hàng khách sạn cho người thu mua bằng sạch.

Để đáp ứng nhu cầu mua chấu ngày một lớn, nhiều chủ thu mua chấu trong làng còn sử dụng nhân công tới từ một số tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình với thù lao 50.000 đồng/ngày, cơm nuôi ba bữa. Còn  công đoạn làm sạch châu chấu, như vặt bỏ cánh, càng cứng... cũng thu hút được rất nhiều em nhỏ lẫn các mẹ các cô trong xã, với thu nhập từ 20 – 30 nghìn đồng/người cho khoảng gần 2 giờ đồng hồ.

“Trung bình, mỗi ngày xã Lê Thanh “xuất” đi hơn 3 tấn châu chấu, ngày cao điểm lên tới 5 tấn. Chỉ tính riêng mùa chấu vụ chiêm năm nay, người dân Lê Thanh cũng đã thu về 2,5 tỷ đồng có dư”, ông Nguyễn Ngọc Tươi – Chủ nhiệm hợp tác xã Lê Thanh cho biết. Cũng theo ông Tươi, nhiều gia đình với ba, bốn lao động khỏe mạnh, mỗi tối vợt 6 - 7 yến chấu, tính thành tiền cũng xấp xỉ 2 triệu đồng, mỗi tháng cho thu nhập 50 – 55 triệu đồng.

Trước kia người dân Lê Thanh chỉ biết trông chờ vào mùa vụ, đời sống gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, với việc “xuất” chấu đi khắp các nhà hàng, khách sạn, nhiều gia đình nơi đây đã khấm khá hẳn lên, có của ăn của để. Trước đó, để diệt nạn châu chấu, người dân Lê Thanh hay ở bất cứ đồng quê nào khác đều phải sử dụng hóa chất phun khắp cánh đồng... Giờ thì khác, người “quay” châu chấu Lê Thanh chỉ ước gì cánh đồng nào cũng nhiều chấu như xưa.

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.