Metro chậm vì… tiền

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, tiến độ thi công tuyến metro số 1 có tác động rất lớn không chỉ đến vấn đề giao thông, hạ tầng mà về cả sự phát triển kinh tế của TP.HCM.

Trong khi các phương tiện hiện đại như robot TBM đã sẵn sàng thi công xuyên lòng đất để tuyến metro đầu tiên của TP.HCM về đích năm 2020 như mong mỏi của hàng triệu người dân TP, thì việc chậm phân bổ vốn khiến dự án có nguy cơ dừng thi công.
Tất cả đều... thiệt
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, tiến độ thi công tuyến metro số 1 có tác động rất lớn không chỉ đến vấn đề giao thông, hạ tầng mà về cả sự phát triển kinh tế của TP.HCM. Ông phân tích, về vấn đề ký kết với các nhà thầu, cam kết về tiến độ thi công của dự án, hoàn thành vào ngày nào, năm nào cũng đã được thỏa thuận rõ ràng giữa các bên. Nay vốn không kịp phân bổ, dự án trước nguy cơ không chỉ bị ngừng thi công mà TP còn phải trả một khoản lớn tiền bồi thường theo đúng hợp đồng cho nhà thầu.

tin liên quan

Robot 'khủng' xuyên lòng đất Sài Gòn
Lần đầu áp dụng tại VN, robot TBM dài 70 m, nặng 300 tấn, được mệnh danh “quái vật”, ngày mai (26.5) sẽ chính thức xuyên lòng đất để đào hầm thi công tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1).
Thứ nữa, để phục vụ thi công tuyến đường sắt này cùng những công trình đi kèm, không ít các “lô cốt” mọc lên tại nhiều khu vực trong TP, không chỉ ảnh hưởng giao thông, xáo trộn việc di chuyển của người dân mà còn khiến TP mất một số lượng lớn nguồn thu về thuế, doanh nghiệp và người dân cũng bị thiệt hại về kinh doanh buôn bán. Từ những phân tích trên, ông Sơn đề xuất cần rà soát lại tất cả các dự án đã, đang và sắp làm. Dự án nào thuộc diện không ưu tiên mà chưa làm có thể cắt bỏ, tập trung vào các dự án trọng điểm như tuyến metro số 1.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá ngắn gọn: "Dự án này hoàn thành càng sớm thì càng có lợi cho nhiều phía, ngược lại tiến độ càng chậm càng gây thiệt hại. Về mặt tinh thần, đây là công trình giao thông quy mô lớn đầu tiên tại TP.HCM được kỳ vọng góp phần giải quyết ùn tắc nên nếu hoàn thành sớm sẽ tạo sự hứng khởi lớn cho người dân TP. Vì vậy, các bên liên quan, nhất là các cơ quan T.Ư có thẩm quyền, UBND TP.HCM cần phải ưu tiên cho dự án".
Mới chỉ đủ trả nợ nhà thầu
Về phía chủ đầu tư, theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, hằng năm, Bộ KH-ĐT yêu cầu các tỉnh, thành, trong đó có TP.HCM báo cáo kế hoạch vốn của năm sau, cũng như báo cáo kế hoạch vốn trung và dài hạn. Về vốn của năm 2017, đến ngày 28.4, Văn phòng Chính phủ mới có quyết định chấp thuận đề xuất của Bộ KH-ĐT về phân bổ vốn. Sau đó, Bộ KH-ĐT mới chính thức phân bổ vốn cho TP.HCM, độ trễ lớn so với nhu cầu vì đã bước sang quý 2. Trong khi nhu cầu vốn theo tiến độ thi công của tuyến metro số 1 năm 2017 cần 5.400 tỉ đồng để thanh toán cho các nhà thầu. Tuy nhiên, TP chỉ được phân bổ 2.100 tỉ đồng. Số tiền này chỉ đủ trả nợ nhà thầu bằng tiền tạm ứng trước đó của TP.
“Ban quản lý ngay từ đầu đã chủ động và tích cực báo cáo UBND TP, làm việc với các vụ của Bộ KH-ĐT đề nghị cấp tiếp vốn để thực hiện nhiều hạng mục, gói thầu tiếp theo vì với số vốn phân bổ chỉ vừa đủ trả nợ. UBND TP đã giao Sở KH-ĐT, ban quản lý và các đơn vị liên quan làm việc với nhau và đề xuất giải pháp, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT. Hiện chúng tôi đang gặp khó khăn rất lớn về nguồn vốn”, ông Lê Nguyễn Minh Quang bày tỏ.
Theo ông Minh Quang, nếu giãn tiến độ sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, trong đó nhà thầu nước ngoài không thể duy trì đội ngũ chuyên gia mà không có lương. Nếu họ để chuyên gia đi rồi thì khi đề nghị chuyên gia quay lại không thể một sớm một chiều. Khi họ quay lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ hoàn thành dự án. Mặt khác, việc chủ đầu tư thanh toán chậm thì nhà thầu có quyền yêu cầu phía VN trả lãi và thanh toán các thiệt hại do nhà thầu phải ngưng công trường. Việc thương lượng giải quyết tranh chấp cuối cùng cũng ảnh hưởng đến tiến độ. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nghi ngại việc thực hiện các cam kết của phía VN.
Liên quan đến tình trạng chậm phân bổ vốn cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, chiều 25.5, trả lời nhanh với Thanh Niên, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết UBND TP đã báo cáo các bộ ngành T.Ư những khó khăn mà TP đang gặp do việc chậm phân bổ vốn cho tuyến metro số 1.
Tập trung thi công nhà ga và depot
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, hiện các nhà thầu đang thi công hoàn thiện phần kết cấu bê tông cốt thép của 8/11 ga, gồm: Văn Thánh, Thảo Điền, Phước Long, Rạch Chiếc, Bình Thái, Khu công nghệ cao, ĐH Quốc gia, Thủ Đức. 3 nhà ga gồm: An Phú, Tân Cảng, ga cuối Suối Tiên đang được tập trung thi công hoàn thành tầng ke ga. Về tiến độ thi công depot, đang tập trung hoàn thành thi công hệ thống thoát nước chính, thi công xưởng chính, xưởng hạ tầng và bãi đậu tàu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.