Mưa đã xuất hiện một vài nơi ở miền Tây Nam bộ nhưng nó không đủ "giải hạn" cho bà con và đó cũng không phải là dấu hiệu của sự chuyển mùa.
Miền Tây đang khô hạn nặng - Ảnh minh họa |
Đây chỉ là các cơ mưa giông nhiệt với diện và lượng không đáng kể. Xu hướng thời tiết Nam bộ và Tây Nguyên nhìn chung vẫn sẽ còn nắng nóng kéo dài, chuyên gia Lê Thị Xuân Lan phân tích.
Theo bà Lan, chưa có số liệu chính xác nhưng theo những thông tin bước đầu bà nắm được lượng mưa phổ biến chỉ từ 1 – 5mm; nơi cao nhất chưa tới 10mm và mưa tập trung ở tỉnh An Giang.
Theo quan sát ảnh mây vệ tinh chỉ có một lượng mây nhỏ xuất hiện ở tỉnh này khu vực nằm giáp với biên giới Campuchia và một ít ở khu vực đảo Phú Quốc. Còn ở hướng ngược lại, phía đông gần như không có hoặc rất ít mây.
Những cơn mưa giông nhiệt xuất hiện là do mặt đất bị hun nóng dữ dội, khi gặp không khí lạnh dù rất ít (từ phía bắc tràn vào, một lượng rất nhỏ) kích thích tạo thành các đám mây giông nhiệt, gây mưa.
“Với lượng mưa như đã nói ở trên, trong khi lượng nước bốc hơi mỗi ngày từ 5 – 7mm thậm chí là 10mm thì mưa không đủ nước để bốc hơi. Nó chỉ làm mát mẻ đôi chút tại nơi có mưa nhưng không cải thiện được tình hình nắng nóng, khô hạn. Trong một, hai ngày tới mưa dông nhiệt kiểu này có thể xuất hiện rải rác ở một vài nơi tuy nhiên đó không phải là dấu hiệu của sự chuyển mùa”, bà Lan kết luận.
Ngược lại, khoản từ thứ tư do ảnh hưởng của áp thấp nóng nên nhiều nơi ở Tây Nguyên, Nam bộ sẽ xuất hiện nắng nóng 36 - 370C; đặc biệt tại một số nơi như: Bình Phước, Tây Ninh, Mộc Hóa (Long An) là những điểm nắng nóng gay gắt nhất.
Theo bà Lan, hiện nay trong không khí độ ẩm chưa cao, bắt đầu từ tháng tư khi độ ẩm trong không khí tăng, trời oi bức (tạo cảm giác khó chịu) do nước bốc hơi nhiều thì hiện tượng mưa rào sẽ xuất hiện thường xuyên hơn với tầng xuất 1 tuần hoặc 10 ngày một lần. Thời điểm đó mới là dấu hiệu của sự chuyển mùa.
Bình luận (0)