Mưu sinh ở rừng sác với hiểm nguy rình rập

19/03/2017 08:32 GMT+7

Rừng sác bạt ngàn cây đước, sú, bần... từ lâu trở thành chốn mưu sinh hằng ngày của nhiều người từ Đồng Nai, TP.HCM và vùng lân cận.

Họ len rễ cây, lội sình lầy đặc quánh ngập tới thắt lưng hàng giờ liền để tìm cua biển.
Theo con nước ròng
Mờ sáng, con nước ròng vừa rút xuống để lộ bãi sình lầy trải dọc hai bên bờ sông Lòng Tàu, anh Trần Văn Thanh (36 tuổi) và anh Huỳnh Văn Mỹ (30 tuổi, cùng ngụ xã Phước An, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã giục chúng tôi xuống ghe vào rừng săn cua biển.
Theo anh Thanh, cua biển thường theo cửa sông Đồng Nai ngược vào các nhánh sông nhỏ như Thị Vải, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Soài Rạp… tìm tới khu vực bùn lầy, đất ẩm ướt để đào hang trú ngụ. Phải đợi khi nước rút thì các dấu vết để lại trên mặt sình lầy mới rõ ràng mà tìm bắt. Nghề săn cua biển diễn ra quanh năm, tuy nhiên cua nhiều nhất là vào tháng 5 đến tháng 12. Từ tháng 1 đến tháng 4 cũng có nhưng ít hơn.
Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều ghe của người dân trong vùng chở theo ngư cụ hướng về phía rừng sác. Theo anh Thanh, chỉ trong ấp Bàu Bông (xã Phước An) đã có cả trăm người tùy theo mùa mà làm đủ thứ nghề như: thả lưới, thả lợp, đào chem chép, bắt cua, ba khía và cả đi “ăn ong” để mưu sinh.
Chiếc ghe máy xé nước chạy khoảng 15 phút, đến đầu con lạch dẫn vào rừng thì phải dừng lại vì nước cạn và cây đước um tùm bít kín lối đi. Buộc ghe vào gốc cây, nhóm người săn cua vác nỉ (thanh gỗ có gắn lưỡi sắt sắc bén ở đầu để đào đất), móc sắt dài khoảng 1 m và chiếc can nhựa để đựng chiến lợi phẩm tiến vào rừng.
Đặc biệt, để di chuyển trong rừng sác không thể thiếu đôi giày cao su có đế dày cộp. “Phải dùng những đôi giày chuyên dụng như vậy mới tránh được gai, gốc cây mục trong rừng. Giày mua ngoài chợ chỉ khoảng 50.000 đồng/đôi nhưng đi được vài hôm là vứt. Chúng tôi ngày nào cũng đi rừng nên phải đặt riêng cho người ta làm, giá đắt gấp đôi nhưng đi được tới một năm”, anh Thanh chia sẻ.

Có nhiều hôm lội sình lầy đạp phải vỏ hào sắc bén như lưỡi dao, giày mủ đế dày như vậy mà bị cắt đứt và cứa luôn vào gan bàn chân. Bị thương vậy nhưng chỉ được nghỉ ở nhà vài ngày

Anh Trần Văn Thanh
(xã Phước An, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai)

Mưu sinh giữa “ma trận” rễ đước
Rừng sác với các loại cây đước, bần, sú, mắm, vẹt… lớn nhỏ mọc chen chúc nhau ken đặc mặt sình. Ngoài ra còn có cây chà là, mây rừng mọc gai chi chít như những cái bẫy chông cào rách da thịt của người vướng phải. Rễ cây mọc tua tủa, phủ kín mặt đất nên chúng tôi phải "xé" rừng, trèo rễ cây, đạp lên gai mà đi.
Càng tiến sâu vào rừng thì sình lầy càng đặc quánh, có đoạn lún đến thắt lưng. Những luồng lạch ngay cả khi con nước cạn vẫn ngập tới tận cổ, sình lầy sâu cả mét khiến cả nhóm phải chật vật mãi mới qua được. Xung quanh chỉ thấy toàn cây mọc kín mít, rễ xám đen đâm ra tua tủa phủ mặt sình lầy như một ma trận mịt mù.
Trên ngọn cây, chốc chốc lại vang lên tiếng kêu thất thanh và vỗ cánh phành phạch của chim rừng, tiếng hạt cây rơi lộp bộp làm cho không gian càng âm u đến rợn người. “Rừng đoạn ngoài này còn dễ đi chứ vào sâu bên trong nữa càng khó gấp chục lần, bởi cây cối dày đặc, rễ mọc kín mặt đất không có chỗ để thò chân xuống”, anh Thanh cảnh báo.
Dáng người mảnh khảnh Thanh và Mỹ di chuyển nhanh nhẹn như một con sóc, luồn khắp nơi tìm cua. Họ nhanh chóng tách nhau ra và mất hút vào rừng sâu. Hằng ngày, những người đi săn cua phải băng qua hàng loạt con lạch, di chuyển trong rừng hàng chục cây số liên tục trong nhiều giờ liền.
Không chỉ di chuyển nhanh, họ còn phải tinh mắt, chỉ cần liếc qua các dấu vết trên mặt đất là phát hiện ra hang cua. Người đi săn cua chỉ cần quan sát dấu cua đào đất, cắn rễ cây, di chuyển là xác định được con đực hay con cái, lớn hay bé. Bởi con cái thì dấu càng lết kéo dài, con đực thì dấu ngắn và sâu. Nhiều con cua có phạm vi hoạt động cách hang vài trăm mét, lần theo dấu vết đến lúc đào bắt được cũng mất cả tiếng đồng hồ.
Mưu sinh ở rừng sác1
Chiến lợi phẩm là những con cua biển thật to
Ngó nghiêng trong lớp rễ cây rạp, anh Thanh gọi lớn cho chúng tôi tới xem khi phát hiện một hang cua. Anh đào đất khoét rộng cửa hang, tiếp đó dùng móc sắt dài đưa vào hang móc cua ra. “Mình đưa que sắt vào hang móc nếu trúng mai cua là nghe tiếng lộp bộp.
Khi móc phải lựa chiều để cả con cua nằm trọn ở chỗ cong của móc câu, rồi nhẹ tay kéo cua ra tới cửa hang. Động tác phải thật khéo léo và nhẹ nhàng để cua không gãy càng, bán mất giá. Có con cua nhanh ra, có con mình ngồi móc chán chê gần nửa tiếng đồng hồ nó mới chịu mò ra”, anh Thanh tiết lộ.
Cua biển trong rừng ngập mặn từ lâu là đặc sản được ưa chuộng bởi thịt chắc, thơm ngon. Mỗi con cua biển thường nặng từ 300 - 500 gr. Hiện giá bán cua loại một từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, loại hai và ba thì giá rẻ hơn từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Đặc biệt, cua lột có giá cao nhất, khoảng 400.000 - 450.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày người đi săn cua bắt được 5 - 7 con, thậm chí có hôm trúng mánh bắt được hơn 5 kg.
Khi cua ra đầu cửa hang, một tay anh giữ nguyên móc sắt đè chặt, một tay thò xuống bóp chặt phía sau hai càng để tránh bị kẹp. Cua biển có càng rất lớn và khỏe nên việc bị cua kẹp sứt thịt, bật máu là chuyện thường đối với những người săn cua.
Cắt dây rừng buộc càng cua bỏ vào can nhựa, anh Thanh tiếp tục di chuyển tìm hang cua khác. Giữa rừng đước mênh mông, bất chợt có tiếng hú từ xa vọng lại. Anh Thanh đưa tay lên miệng hú lên đáp lời và lý giải trong rừng âm u không nhìn thấy nhau nên mỗi lần di chuyển thì mọi người dùng tiếng hú để xác định vị trí của nhau mà tìm tới.
Tiếng hú vừa dứt thì đã nghe tiếng bước chân anh Mỹ luồn rừng đi tới. Cầm trên tay một con cua nặng gần 500 gr, anh Mỹ cười tươi: “Hôm nay may mắn bắt được con cua lột. Nó là loại ngon và đắt, bởi nhiều thịt và ăn được hết không phải bỏ vỏ như cua thường”.
Những người đi săn cua thường kết thúc hành trình vào khoảng 2 giờ chiều vì phải mang cua về sớm để bán cho mối. Hôm nay vì “vướng” chúng tôi nên anh Thanh và anh Mỹ không đi xa được, chỉ bắt được 5 con cua, cân nặng khoảng 1,5 kg.
Hiểm nguy rình rập
Săn cua trong rừng, người săn vừa phải chú tâm quan sát tìm dấu hang trong từng gốc đước, bụi rậm vừa phải đối phó với những nguy hiểm rình rập khắp nơi. Muỗi, vắt, kiến chích, ong đốt và cả rắn độc cắn là chuyện khó thể tránh khỏi. Rừng sác được ví là “vùng đất chết” bởi sự dày đặc và bí ẩn của nó.
Ngay cả những người chuyên đi rừng, thông thạo địa hình gặp phải hôm trời tối hoặc có mưa lớn còn bị lạc giữa rừng sâu với trùng trùng lớp lớp rễ đước bao quanh không tìm thấy lối ra. Có hôm, vật lộn tìm đường ra đến chỗ buộc ghe để về đến nhà thì đã tối mịt, đói lả người, chân run cầm cập.
Anh Thanh kể nhiều hôm lo để ý tìm hang cua, chân giẫm phải những khúc cây khô, bị gãy khúc đập thẳng vào giữa ngực đến ngất xỉu. Lúc thì gió thổi khiến cành cây khô rơi trúng trên đầu. Luồn trong rừng còn bị gai cây chà là, dây gai đâm xuyên áo, rách da thịt, ứa máu. “Có nhiều hôm lội sình lầy đạp phải vỏ hào sắc bén như lưỡi dao, giày mủ đế dày như vậy mà bị cắt đứt và cứa luôn vào gan bàn chân. Bị thương vậy nhưng chỉ được nghỉ ở nhà vài ngày. Khi thấy đỡ hơn chút là phải vô rừng đi làm lại ngay, bởi nghỉ lâu là cả nhà sẽ đói”, anh Thanh kể.
Theo anh Thanh, nghề săn cua biển cũng rất vô chừng, có hôm đi trúng nhưng cũng có hôm đi quần quật cả ngày mà chẳng bắt được con nào. “Dù biết thu nhập bấp bênh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng đây là nguồn sống chính. Bởi ngoài nghề này chúng tôi cũng không biết làm nghề gì khác để mưu sinh”, anh Thanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.