Nền Sài Gòn rung lắc

14/03/2017 11:05 GMT+7

TP.HCM đang điều tra nguyên nhân hiện tượng rung lắc ở khu vực trung tâm TP xảy ra gần đây.

Sở Tài nguyên - Môi trường TP phối hợp với UBND Q.1 tiến hành khảo sát hiện trạng khu vực Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) về hiện tượng rung lắc xảy ra vào giai đoạn nửa cuối tháng 2.
Chiều 13.3, cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết vào thời điểm đó, hiện tượng rung lắc xảy ra nhiều đợt trong ngày, mỗi đợt kéo dài vài ba phút. Hiện nay không còn diễn ra nữa và trường học vẫn hoạt động bình thường.
Xảy ra nhiều nơi
Là người có nhiều năm gắn bó với những nghiên cứu địa chất của TP.HCM, TS Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn trưởng, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Bộ TN-MT) cho biết: Khoảng 12 năm trước, hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình trên đường Trần Hưng Đạo. Mức độ rung lắc còn nặng hơn khi tường bị nứt, vỡ. Các y bác sĩ thời đó cho biết hiện tượng rung lắc rất đáng sợ.
"Thời điểm đó chúng tôi được mời đến khảo sát đo đạc. Có chi tiết đáng lưu ý là cách đó khoảng 300 - 400 m có công trình lớn đang xây dựng. Cách đây vài năm cũng ghi nhận được hiện tượng rung lắc ở khu vực ga Sài Gòn. Hiện tượng này cũng xảy ra trong giai đoạn thi công công trình cầu, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuy nhiên các công trình đang thi công đó có phải là nguyên nhân chính hay không thì phải điều tra xem thời điểm thi công và rung lắc có trùng với nhau không. Bên cạnh đó cũng có thể rung lắc là do nhiều nguyên nhân khác nhau kết hợp lại”, TS Lĩnh nói.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp rung lắc tương đối mạnh được ghi nhận chính thức. Trong khi đó, người dân ở nhiều nơi như: Bình Thạnh, Q.7, Nhà Bè, Bình Chánh... vẫn phải đối mặt với hiện tượng rung lắc thường xuyên. Chị Nguyệt Nga từng sống trong một chung cư cạnh bờ sông Vàm Thuật thuộc P.13, Q.Bình Thạnh nhớ lại: Hơn 2 năm trước tôi phải chuyển nhà đi nơi khác vì thường xuyên đối mặt với cảm giác bất an. Mỗi khi có xe trọng tải tương đối lớn chạy qua gần đó là tòa nhà lại rung lên. Cái cảm giác đó tôi nghĩ chỉ có ở những căn nhà cấp 4, nằm sát mặt đường bị rung lắc do không có nền móng tốt nhưng không ngờ ở chung cư được xây dựng bài bản cũng vậy nên quyết định chuyển đi. Chưa đủ điều kiện để chuyển đi nơi khác, chị M.Hồng, ngụ tại P.Tân Thuận Tây (Q.7) kể: Khoảng 2 năm nay hiện tượng rung lắc xảy ra khá nhiều; không chỉ tầng 3 là tầng cao nhất nhà mà cả tầng trệt cũng bị. Chị không biết nguyên nhân vì sao nhưng cứ mỗi lần có xe tải chạy ngang là ngôi nhà bị rung lên.
Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) nơi mới nhất ghi nhận hiện tượng rung lắc

tin liên quan

Sài Gòn kẹt xe lan sang... giờ lạ!
Sài Gòn đang ngày một chật cứng khi kẹt xe vẫn tiếp diễn và có xu hướng gia tăng không chỉ trong giờ cao điểm (sáng - chiều) mà còn ở các khung giờ khác trong ngày.
Đứt gãy sông Sài Gòn đang hoạt động
Với hiện tượng rung lắc ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TS Lĩnh phân tích: Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do các công trình xây dựng gần đó. Bản thân tôi thấy hơi khó nghĩ về giả thuyết trên vì khu vực Q.1, trầm tích Holocen cố kết tương đối tốt. Thông thường trầm tích Holocen ở những nơi còn mềm bở - có nhiều túi bùn dạng đầm lầy như Q.7, Bình Chánh thì giả thuyết trên nghe còn được. Tuy nhiên giả thuyết bị tác động bởi những công trình gần đó cũng có thể nghiên cứu vì nguyên nhân có thể phức tạp, kết hợp nhiều yếu tố. TS Lĩnh cho rằng rung lắc ở khu vực trung tâm TP không nằm ngoài 3 nguyên nhân. Thứ nhất, kết cấu đất của khu vực đó bất đồng nhất, yếu; do đó bị ảnh hưởng bởi các hoạt động gia tải ở những công trình gần đó. Thứ hai, dãy đứt gãy sông Sài Gòn đang hoạt động - có bằng chứng lịch sử và quan trắc, chúng tôi cũng đã cảnh báo từ lâu. Thứ ba là các công trình gây nên hiện tượng trồi đất ngầm. Hiện tượng trồi đất kết hợp với hoạt động đứt gãy gây nên rung lắc.
Thực tế, năm 2015, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam hoàn thành đề tài nghiên cứu về “đứt gãy sông Sài Gòn”. Theo đó, đặc điểm của đứt gãy hoạt động trong tầng Holocen gây dịch chuyển đứng móng trầm tích Holocen dọc theo đứt gãy sông Sài Gòn với biên độ đạt 5 - 36 m làm mất đột ngột móng trầm tích Holocen gây dịch chuyển móng này tới 4 - 6 m. Tốc độ chuyển dịch đứng tương đối trung bình dọc theo đứt gãy trong Holocen ước tính thay đổi từ 0,4 - 3,6 mm/năm. Kết quả đo chuyển động hiện đại bằng công nghệ GPS cho thấy đứt gãy sông Sài Gòn làm dịch chuyển đứng với xu thế cánh đông nam nâng lên so với cánh đông bắc với biên độ đạt 6,5 mm/năm.
Đứt gãy sông Sài Gòn vẫn có biểu hiện hoạt động trong hiện tại. Nhìn chung xu thế tốc độ chuyển dịch đứng móng trầm tích Holocen và bề mặt địa hình hiện tại dọc đứt gãy sông Sài Gòn là lớn nhất đạt 22 mm/năm.
Nền yếu, móng cạn
Các chuyên gia cho rằng, khi làm công trình người ta phải khoan đến móng cứng và phải thử tải để biết nó chịu được áp lực bao nhiêu. Ở TP.HCM, móng cứng có thể ở độ sâu 40 - 50 m. Nếu các công trình lớn neo được trên móng cứng đó thì nó rất ít bị tác động. Tuy nhiên một số công trình chưa neo đến móng cứng hoặc người ta khảo sát không cẩn thận neo vào móng tạm. Móng tạm có thể hiểu là một lớp vật liệu cứng có bề dày vài ba mét chìm trong một dung thể lỏng nên khi neo vào đó sẽ gây rung động. Chính vì vậy khảo sát nền móng là rất quan trọng. Sự rung động không phải chỗ nào cũng giống nhau mà nó truyền theo đới tuyến và đới cấu trúc.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, hiện tượng rung lắc đối với nhà cửa sẽ xảy ra khi có các nguyên nhân như động đất hay thi công các công trình cao tầng. Trong đó, lịch sử TP.HCM chưa ghi nhận về hiện tượng động đất. Như vậy nguyên nhân thi công các công trình cao tầng sẽ dễ gây nên sang chấn khiến nhà cửa xung quanh bị rung lắc là khá phổ biến; đặc biệt tại những vùng đất yếu như Q.7, Nhà Bè. Thực tế xây dựng ở TP không phải nhà nào cũng thiết kế đóng móng sâu mà chủ yếu chỉ dùng móng bè. Vì vậy khi có xe trọng tải lớn chạy qua thì dễ bị chấn động. Nhất là trong khoảng thời gian có mật độ xe cao thì ảnh hưởng sang chấn lan truyền khá lớn. Hoặc như những người dân sống cạnh đường ray xe lửa thì khi đoàn tàu chạy ngang qua cũng đều nghe rung lắc. Vì vậy khi thiết kế xây dựng thì cần phải tính toán chặt chẽ sức chịu tải của ngôi nhà, đảm bảo để không bị nứt gây nguy hiểm cho người dân. “Đặc biệt đối với các cơ quan chức năng có liên quan đến cấp phép xây dựng cho các công trình cao tầng phải đảm bảo giải pháp kỹ thuật an toàn khi thi công. Ví dụ phải xây tường vây xung quanh rồi mới làm móng cho các tòa nhà cao tầng để ngăn chặn sang chấn gây nứt nhà, đổ nhà xung quanh”, kiến trúc sư Sơn chia sẻ thêm.

tin liên quan

Cầu vượt đi bộ ở TP.HCM vắng người
Theo kế hoạch năm nay, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng thêm 18 cầu vượt dành cho người đi bộ, nhưng thực tế các cầu vượt hiện hữu trị giá hàng chục tỉ đồng gần như bị bỏ hoang.

Nền đất cứng chỉ tập trung ở Thủ Đức
Bản đồ phân loại nền đất TP.HCM đã xác định và chia nền đất của TP.HCM ra các loại nền với tên gọi A, B, C, D, E, S (đất ở TP.HCM không có loại E). Nền loại A là vững chắc nhất và nền S là yếu nhất. Đáng chú ý, S là loại đất sét mềm, bùn có khả năng hóa lỏng cao. Nền loại A chỉ có trên diện tích đất rất hạn chế ở Thủ Đức. Loại B ở xung quanh Thủ Đức. Khu vực phía bắc thuộc loại C, D. Ở nửa phía nam thuộc loại S, khi xây dựng cần được xem xét cẩn thận.
TS Lĩnh phân tích, nền đất TP.HCM phần lớn là yếu, túi bùn nhiều. Khi thi công các công trình, người ta chèn thêm các vật liệu vào đó gây hiện tượng chùi đất. Hiện tượng này lúc thi công sẽ không thấy mà nó diễn biến từ từ. Việc chùi này gây biến động, xáo trộn trong lòng đất gây rung lắc.
Loại bỏ nguyên nhân rung lắc do động đất
Cuối tháng 2, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP, đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo hiện tượng rung nói trên. Trung tâm báo tin động đất và sóng thần (thuộc Viện Vật lý địa cầu) loại bỏ nguyên nhân Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm bị rung lắc do động đất. Các cơ quan chức năng của TP cho rằng có thể do hoạt động xây dựng của các công trình xung quanh trường như: Trung tâm truyền hình đài truyền hình VN tại TP.HCM, tuyến metro số 1, khai thác nước ngầm quá mức... Ông Khoa chỉ đạo phải đánh giá khoa học của hiện tượng rung lắc tại khu vực Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm; rà soát lại các nghiên cứu trước đây liên quan đến động đất trên địa bàn TP, để có những nghiên cứu chuyên sâu hơn, đồng thời nghiên cứu việc lắp đặt các trạm quan trắc mức độ rung chấn, động đất trên địa bàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.