Nếu về Sa Huỳnh, em đừng xõa tóc...

17/01/2017 21:02 GMT+7

Từ thành phố Quảng Ngãi xuôi về nam khoảng 60 km, bạn sẽ gặp một Sa Huỳnh nên thơ với rừng dương xanh, bãi cát vàng uốn cong bên thềm biển biếc.

Tháng 5.1961, bằng cách nào đó, nhà thơ Xuân Diệu đã có chuyến “phượt” dọc dải đất miền Trung để cho ra đời bài thơ Hỡi mình nổi tiếng. Sau khi nhắc đến vẻ đẹp của sông Trà Khúc, sông Hương, đèo Hải Vân, nhà thơ viết: “Hỡi mình, biển đẹp vô ngần/ Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh”.
Trong nhật ký viết từ núi rừng huyện Đức Phổ những năm chiến tranh, chị Đặng Thùy Trâm cũng đã dành cho Sa Huỳnh những lời thơ đầy rung cảm: “Sóng biển Sa Huỳnh vẫn mặn nhớ thương/ Vẫn dạt dào đêm ngày vẫy gọi”.
Đến đây vào dịp đầu xuân, bạn sẽ gặp một Sa Huỳnh lãng mạn hơn những gì bạn tưởng. Vịnh Hóc Mó phía đông bắc cách trung tâm Sa Huỳnh chưa đầy 10 phút xe máy là nơi ngắm bình minh đẹp nhất.
Phía sau rừng dương xanh thẫm, mặt trời nhú lên, ném muôn hồng nghìn tía vào những đám mây còn ngái ngủ, phả lên mặt biển ánh vàng mơ pha màu đỏ thắm. Đây thực sự là một bữa tiệc sắc màu. Dù là nhiếp ảnh “tay ngang”, bạn vẫn có được những tấm hình biển trong thời khắc rạng đông đẹp đến ngỡ ngàng.
Giữa ngày, khi biển chuyển màu yên tĩnh, từ Hóc Mó “phượt” về hướng nam vài cây số, Châu Me sẽ là nơi dọn cho bạn bữa ăn trưa rất “chất” với tôm còn búng, cua còn ngo ngoe, cá còn quẫy.
Ngoài ra, bạn còn được phục vụ món ăn truyền thống chỉ nơi này mới có: mắm nhum mặn mòi, chả nhum ngọt ngào, cháo nhum mát… lịm. Nơi đây xào xạc “nhạc” phi lao sẽ khiến bạn hơn một lần nuối tiếc “sao mình không mang ghi ta theo” để cùng với ngàn dương hát khúc biển tình.
Chiều về, bãi biển ở khu du lịch sinh thái Sa Huỳnh sẽ cho bạn một hoàng hôn nhiều gam màu trên cát. Cát ở đây không đơn điệu một màu vàng như bạn nghĩ. Có thể là màu vàng nhạt khi “nắng chia nửa bãi”, có thể là vàng mơ khi nắng chiều chiếu xiên xiên, có thể là vàng sẫm khi nắng sắp tàn. Khách sạn và hệ thống nhà hàng cách chân sóng chưa đầy trăm mét sẽ đáp ứng đầy đủ những nhu cầu nghỉ dưỡng của bạn.
Ngoài ra, bạn sẽ có được cảm giác nhẹ nhàng như cuộc hành hương về nguồn khi đến thăm Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh. Đây là nơi những di chỉ khảo cổ (dụng cụ lao động, đồ trang sức…) của người Sa Huỳnh xưa cách đây hơn 3.000 năm, được tìm thấy lần đầu tiên tại Gò Ma Vương (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) vào năm 1909.
Cách Gò Ma Vương chỉ một đỗi đường, diêm dân trên cánh đồng muối Sa Huỳnh hàng trăm năm tuổi sẽ cho bạn những phút giây trải nghiệm thú vị về “đường đi” của hạt muối và nghề muối, từ lúc còn là giọt nước biển đến khi kết tinh thành “hạt mặn” lung linh.
Về Sa Huỳnh chơi tết là chơi giữa trong xanh, chơi giữa miền gió lạ. Anh bạn văn người Quảng Nam nêu cảm nhận rồi “quảng cáo”… gió với bạn gái qua điện thoại: “Nếu về Sa Huỳnh em đừng xõa tóc. Gió Sa Huỳnh ngang dọc lắm em ơi”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.