Nghe lính cứu hỏa kể chuyện sinh tử và những cái Tết không nghỉ

28/01/2017 20:01 GMT+7

“Khi đối mặt với đám cháy, điều duy nhất tôi nghĩ trong đầu là làm sao để dập tắt lửa càng nhanh càng tốt. Mỗi chúng tôi đều tự đặt ra phương châm bằng mọi giá phải cố gắng cứu được người, cứu được tài sản của dân”.

Đó là lời tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời của Trung úy Phạm Văn Duy Việt, chiến sĩ Đội chữa cháy, Phòng cảnh sát PCCC Q.1, TP.HCM.
Những lần đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết
Phạm Văn Duy Việt (28 tuổi) chiến sĩ Đội chữa cháy chuyên nghiệp, thuộc Phòng cảnh sát Phòng Cháy Chữa Cháy (PCCC) Q.1, có 9 năm gắn bó với nghề. Anh đã giải cứu hơn 50 người và tham gia dập tắt hơn trăm vụ cháy nổ lớn nhỏ.
Trong vụ cháy chợ Gà Gạo (Đại lộ Võ Văn Kiệt, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1), Duy Việt và đồng đội được giao nhiệm vụ tiếp cận tòa nhà, đưa người dân mắc kẹt thoát khỏi "biển lửa". Anh nhớ lại, vào chiều 1.12.2015, ngọn lửa bùng phát từ căn nhà số 138 của khu chợ rồi bén sang những nhà xung quanh.
Lính cứu hoả kể chuyện đời, chuyện nghề và những cái tết không nghỉ - Thực hiện: Lưu Trân - Phạm Hữu
“Do khu vực này chủ yếu là người lao động nghèo, nhà cửa nhỏ lại san sát nhau nên bắt buộc chúng tôi phải dập lửa từ trên cao. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng sang các căn nhà bên cạnh, bao trùm toàn bộ khu vực chợ. Người thì khóc, người la hét, nhiều người còn có ý lao vào nhà với hy vọng mang được một số vật dụng có giá trị đem ra ngoài. Nhìn cảnh đó thấy thương lắm”, anh Việt kể lại.
Theo lời anh, lúc đó khói dày đặc đến mức không thể định hình quãng đường di chuyển để cứu nạn nhân mắc kẹt phía trên. Các chiến sĩ đã nhanh trí lấy vạt áo che miệng, mũi và lần theo bờ tường, cầu thang để lên các tầng phía trên.
Khi chúng tôi thắc mắc về quá trình nhận tin báo cháy và thời gian chuẩn bị để lên đường làm nhiệm vụ, anh Việt phân tích: “Từ lúc nhận được tin báo cho đến khi lên đường, chúng tôi chỉ có đúng 1 phút để chuẩn bị. Và tài xế cũng phải lái xe đi những tuyến đường ngắn, thông thoáng để đến địa điểm xảy ra cháy trong thời gian sớm nhất có thể”.
Trung úy Nguyễn Thanh Tùng (27 tuổi) đang công tác tại Đội chữa cháy chuyên nghiệp, thuộc Phòng cảnh sát PCCC Q.1, với 10 năm trong nghề cho biết, bất kỳ chiến sĩ nào cũng phải sẵn sàng nhường bình thở cho nạn nhân lúc nguy kịch.
Chàng Trung úy có khuôn mặt hiền với làn da đen xạm vì “khói lửa” nhắc lại vụ cháy khách sạn Kim Linh (đường Bùi Thị Xuân, quận 1) vào chiều tối 9.11.2015: “Đám cháy xảy ra vào khoảng 18 giờ 30 tối, lúc các chiến sĩ đến nơi thì ngọn lửa đã bùng phát tương đối lớn. Chúng tôi phải ngắt điện của cả tuyến đường, phong tỏa hiện trường để kịp thời dập lửa. May mắn là không có thiệt hại về người”.
Hầu hết chiến sĩ PCCC Q.1 đều thừa nhận, công việc họ đang làm rất nguy hiểm. Việc chữa cháy trong những công trình sắp sập, tầng hầm, có chất nổ hoặc mạng lưới dây điện không an toàn… cũng giống như đối mặt cái chết. Thế nhưng, họ không lo điều đó mà chỉ sợ nỗi dằn vặt khi không cứu được người.
Theo Trung úy Tùng, nhớ lần làm nhiệm vụ tại căn nhà trên đường Tôn Thất Đạm (Q.1, TP.HCM). Khi các chiến sĩ đến địa điểm xảy ra cháy thì vẫn còn một em bé mắc kẹt phía trong.
“Mặc dù chỗ chúng tôi tập kết đến nơi bị cháy khá gần. Từ khi nhận tin, chuẩn bị và lên đường chỉ mất khoảng 3 phút và chỉ cần 15 phút để dập tắt ngọn lửa. Nhưng do người dân báo cháy muộn quá nên khi ứng cứu, đội chúng tôi không thể cứu được nạn nhân”, anh Tùng chia sẻ.
Chiến sĩ Phạm Văn Duy Việt của Đội chữa cháy chuyên nghiệp, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Q.1, đang chia sẻ về những khó khăn trong nghề Lưu Trân
Tâm sự với chúng tôi khá nhiều về trận chiến hôm ấy, các anh em trong đội ai cũng thấy buồn, thậm chí là day dứt trong lòng vì đã không cứu được cháu bé. Riêng bản thân anh Tùng, nỗi ám ảnh về cái chết cháy của nạn nhân khiến anh day dứt mãi trong lòng mỗi khi nhắc lại.
Lính cứu hỏa và những cái tết không nghỉ
Trong câu chuyện mà các chiến sĩ kể về những lần dấn thân chữa cháy trong dịp tết, chúng tôi lắng nghe và thấu hiểu hơn, chia sẻ hơn những hy sinh thầm lặng mà mỗi người lính cứu hỏa đang đối mặt và nếm trải. Trong thời khắc thiêng liêng của ngày đầu năm mới, họ đã phải nhận nhiệm vụ khó khăn, vất vả và không kém phần hiểm nguy.
Thế nhưng không một ai nao núng tinh thần. Theo chiến sĩ Duy Việt, việc nhận lệnh đã trở thành “bản năng nghề nghiệp”. Bất kể đang làm gì, cứ có lệnh là phải lên đường ngay. “Lúc đó mà đang ăn cũng phải bỏ đũa, có khi đang tắm người toàn xà bông cũng mặc luôn quần áo vào mà chạy. Tối về ngứa ngáy hết cả người”, anh Việt nói tiếp.
Trong số cán bộ, chiến sĩ tham gia các vụ cháy nói trên, có những người là lính nghĩa vụ binh nhất chia sẻ với chúng tôi: “Khi lần đầu tiên trực và tham gia chữa cháy trong những ngày tết và đêm giao thừa, rất dễ bị bỡ ngỡ. Nhưng khi nhận lệnh, không kể người ít tuổi hay nhiều tuổi, chúng tôi đều tham gia với mong muốn cháy bỏng là sớm dập tắt đám cháy để nhân dân được đón tết bình an”.
Trung úy Trần Thanh Tùng nói thêm, đây là năm thứ 5 anh tham gia trực tết. Dù vậy, bao nhiêu năm trực thì bấy nhiêu kỷ niệm, cảm xúc khác nhau. Đón giao thừa nhưng tất cả cán bộ, chiến sỹ đều trong tư thế sẵn sàng lên đường. “Bởi vậy nên với lính cứu hỏa chúng tôi thì chuyện yêu đương và lập gia đình rất khó”.
Tiếp lời Trung úy Tùng, chiến sĩ Duy Việt vừa cười vừa kể về kỷ niệm một lần hẹn hò bạn gái: “Trước đây tôi có thương một cô bạn học Bách Khoa. Hôm đó hẹn bạn lên đơn vị chơi vì lính chữa cháy thì không được rời vị trí tập kết quá bán kính 50m. Bạn đó lên tới nơi, điện thoại cho tôi nói đang ở trước cổng, trên đường tôi chạy ra thì chuông báo cháy reo. Vậy là tức tốc lên đường làm nhiện vụ, lại không được đem theo điện thoại”.
Từ thời điểm chuông báo cháy reo cho đến khi lên đường, các chiến sĩ chỉ có 1 phút để chuẩn bị tất cả Lưu Trân
Hậu quả là sau khi làm xong về “thấy mấy chục cuộc gọi nhỡ kèm theo mấy cái tin nhắn… Rồi từ đó về sau tôi gọi cho bạn ấy không được nữa”. Dẫu vậy, các chiễn sĩ PCCC vẫn luôn tâm niệm một điều, khi còn khoác trên mình sắc phục người lính 114, họ phải “hết thân vì dân phục vụ”.
Khi chúng tôi hỏi về mong muốn gì trong những dịp tết, các chiễn sĩ PCCC đều tâm sự thật tình: “Tất cả lính cứu hỏa chúng tôi đều mong muốn sẽ không có sự cố gì về cháy nổ xảy ra. Thứ nhất là để đảm bảo an ninh trật tự cho toàn xã hội trong dịp cuối năm. Thứ hai nữa là tránh những mất mát về tài sản, thương vong về con người cho nhân dân. Và cái thứ ba là cũng tạo điều kiện cho chúng tôi được vui chơi, được ăn tết tại đơn vị như những người bình thường khác”.
Chào các chiến sĩ ra về, tôi cứ nghĩ mãi về lời kể của các anh. Có lẽ khi họ, những người lính cứu hỏa dũng cảm đánh đổi những giờ phút đón tết sum vầy bên gia đình, hay thậm chí là hy sinh tuổi trẻ, hy sinh hạnh phúc riêng của mình để đối mặt với những hiểm nguy, đau thương và mất mát. Thì món quà vô giá mà họ nhận được chính là sự yêu mến, cảm phục và biết ơn của những người thân gia đình nạn nhân dành cho họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.