Trắng tay, nợ nần Ngày 22.7, thuyền trưởng Dần đưa tàu cá QNg 95139 TS công suất 711 CV cùng 4 bạn chài xuất bến tại cảng Hòn Rớ (TP.Nha Trang) tiến ra vùng biển Trường Sa hành nghề câu cá ngừ đại dương. Sau bao nhiêu ngày cật lực trên biển, anh em bạn chài trên tàu ai cũng phấn khởi vì chuyến biển câu được hơn 1 tấn cá ngừ đại dương.
Chưa kịp tận hưởng trọn vẹn niềm vui thì tai họa lại ập xuống. Chiều 12.8, thuyền trưởng Dần cùng anh em bạn chài trên đường vào bờ bán cá thì bất ngờ bị gió lốc nhấn chìm tàu. “Khi tàu cá cách Nha Trang khoảng 60 hải lý thì bất ngờ gặp gió to, sóng lớn. Trong thời gian ngắn, thân tàu bị sóng, gió đánh vỡ, nước tràn vào làm tắt máy”, thuyền trưởng Dần kể.
tin liên quan
Xác minh tàu cá Trung Quốc đâm tàu cá VN khiến 1 ngư dân mất tíchTàu cá của tỉnh Thanh Hóa mang số hiệu TH 90244 có 8 ngư dân bị một tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 61119 đâm vào đuôi tàu khiến 3 ngư dân trên tàu cá VN bị rơi xuống biển.
Rất may, thời điểm này tàu cá KH 95446 TS của ông Phạm Văn Tin (ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa) đang hoạt động gần đó nhận được tín hiệu nên cấp tốc chạy đến cứu vớt 5 ngư dân bị nạn, đến sáng hôm sau đưa về đến Nha Trang an toàn. Tuy nhiên, tài sản gia đình sau bao nhiêu năm mưu sinh trên biển, dành dụm được ít vốn liếng cộng với vay vốn ngân hàng mới đóng được tàu cá QNg 95139 TS, nay tai ương ập xuống, gió lốc nhấn chìm tất cả, gây tổng thiệt hại hơn 3,7 tỉ đồng.
“Phương tiện mưu sinh không còn, gia đình tui giờ trắng tay. Khoản nợ ngân hàng 700 triệu đồng chưa biết lấy đâu để trả…”, thuyền trưởng Dần lo lắng và nói suốt mấy tháng qua, gia đình ông mong mỏi đơn vị bảo hiểm giải quyết nhanh khoản tiền bồi thường để đóng lại tàu cá mới nhằm sớm vươn khơi, bám biển mưu sinh. Tuy nhiên, đến giờ đơn vị bảo hiểm vẫn chưa giải quyết khiến gia đình ông rơi vào khó khăn, nợ nần.
Chậm trễ bồi thường
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 13.1.2016, Giám đốc Bảo Minh Quảng Ngãi (Tổng công ty CP Bảo Minh) ký giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản đối với tàu cá vỏ gỗ QNg 95139 TS, công suất 711 CV của ngư dân Huỳnh Dần, trong đó đánh giá giá trị thực tế thân tàu là 3 tỉ đồng nên đã thu số tiền bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm rủi ro đặc biệt hơn 50,6 triệu đồng. Mức trách nhiệm bảo hiểm cao nhất mà Bảo Minh Quảng Ngãi phải chi trả cho ông Dần khi tàu cá bị thiệt hại hoàn toàn là 3 tỉ đồng.
Hợp đồng là vậy nhưng từ tháng 9.2016, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý và 7 lần vợ chồng ông Dần khăn gói vào trụ sở Bảo Minh Quảng Ngãi nhưng lãnh đạo đơn vị này lại đưa ra mức giá thương lượng bồi thường hơn 1,7 tỉ đồng, sau đó nâng lên 2,2 tỉ đồng. “Họ bảo nếu đồng ý mức giá thương lượng bồi thường trên thì 1 - 2 tuần sẽ chi trả tiền ngay nhưng gia đình tui không đồng ý”, ông Dần nói và yêu cầu Bảo Minh Quảng Ngãi phải bồi thường thiệt hại 3 tỉ đồng như chứng nhận bảo hiểm mà hai bên đã ký kết.
Đến lần thứ 7, khi vào Bảo Minh Quảng Ngãi thì đơn vị này lại đưa ra văn bản điều chỉnh hợp đồng, giảm giá trị bảo hiểm từ 3 tỉ đồng xuống còn gần 1,7 tỉ đồng. Thương lượng bất thành, ngày 11.11, Tổng công ty CP Bảo Minh đã gửi cho ông Dần thông báo bồi thường với số tiền 1,75 tỉ đồng. Tổng công ty CP Bảo Minh đưa ra lý do mức bồi thường trên là căn cứ vào đánh giá của giám định viên, giá trị thị trường của tàu cá QNg 95139 TS tại thời điểm tổn thất chỉ khoảng 1,75 tỉ đồng nên Bảo Minh chỉ chấp nhận bồi thường chừng đó. Gia đình ông không chấp nhận.
tin liên quan
Phản đối Indonesia dùng vũ lực với tàu cá và ngư dân Việt Nam'Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành vi sử dụng vũ lực của lực lượng chức năng Indonesia đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam', người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, việc giải quyết bồi thường bảo hiểm tàu cá của Bảo Minh Quảng Ngãi đối với ngư dân trong tỉnh chưa được kịp thời, ngư dân có tàu cá gặp nạn thường xuyên gửi đơn khiếu nại, đơn đề nghị can thiệp đến UBND tỉnh.
Do đó, để giải quyết bồi thường bảo hiểm tàu cá cho ông Dần và các trường hợp tương tự, không làm ảnh hưởng đến chính sách chung của Đảng và Nhà nước, Chính phủ trong việc hỗ trợ ngư dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh vừa qua đã ký văn bản gửi Bảo Minh Quảng Ngãi yêu cầu giải quyết bồi thường bảo hiểm tàu cá cho ông Dần theo đúng quy định.
Ngư dân Phú Yên cũng chờ đợi
Nhiều ngư dân Phú Yên cũng phàn nàn về việc Bảo Minh chậm trễ trong việc chi trả bảo hiểm. Ông Trần Văn Tâm (49 tuổi, ở P.6, TP.Tuy Hòa) mua bảo hiểm thân tàu và thuyền viên cho tàu cá PY 90151 TS tại Bảo Minh theo diện hỗ trợ của Nghị định 67 với mức bồi thường 900 triệu đồng.
Theo ông Tâm: “Thủ tục đã làm xong nhưng chờ mãi không thấy trả lời nên ngày 28.11, tôi đến Bảo Minh tại Phú Yên để hỏi và đã được trả lời là đang chờ giám định. Mình gặp rủi ro nên trông chờ vào tiền chi trả bảo hiểm để trả nợ, tái đầu tư lại tàu vươn khơi nhưng họ bảo chờ. Tôi nghe đâu là để giải quyết tiền chi trả bảo hiểm phải mất 3 - 6 tháng”.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Sang (43 tuổi, ở P.6, TP.Tuy Hòa), chủ tàu cá PY 96289 TSS cũng phàn nàn là chưa được Bảo Minh chi trả bồi thường do tàu cá của ông bị chìm ở vùng biển Trường Sa vào ngày 4.11. Tàu cá của ông Sang không thuộc diện theo Nghị định 67 nên ông phải tự bỏ tiền ra mua bảo hiểm với mức bồi thường 400 triệu đồng. “Tôi đã yêu cầu bồi thường, thủ tục cũng đã làm xong nhưng bên bảo hiểm chẳng thèm hẹn ngày giờ nên chẳng biết chờ đến bao giờ”, ông Sang bức xúc.
Đức Huy
|
Bình luận (0)