'Người bí ẩn' cho đàn bồ câu nhà thờ Đức Bà ăn chục năm qua

12/03/2016 08:01 GMT+7

Hình ảnh đàn bồ câu cả trăm con sà xuống ăn lúa ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trở nên quen thuộc trong tâm thức của nhiều người. Nhưng ít ai biết đã có những người âm thầm cho bồ câu ăn hơn chục năm qua.

Hình ảnh đàn bồ câu cả trăm con sà xuống ăn lúa ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trở nên quen thuộc trong tâm thức của nhiều người. Nhưng ít ai biết đã có những người âm thầm cho bồ câu ăn hơn chục năm qua.

Đàn bồ câu ở nhà thờ Đức Bà luôn được ăn uống đúng giờ - Ảnh: Vũ PhượngĐàn bồ câu ở nhà thờ Đức Bà luôn được ăn uống đúng giờ - Ảnh: Vũ Phượng
Nhiều người dân Sài Gòn quen gọi đàn bồ câu ở nhà thờ Đức Bà là đàn chim trời hay đàn chim hoang, nhưng ít ai biết rằng hơn chục năm qua luôn có người cho chúng ăn và canh chừng chúng khỏi “kẻ xấu”.
Hơn chục năm nuôi chim trời
Chọn một góc đường bán nước làm nơi kiếm kế sinh nhai từ những năm 1996, chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh (38 tuổi) cho biết với chị đàn bồ câu rất đỗi thân thuộc, chị thương chúng như con của mình.
VIDEO: Đàn bồ câu hàng trăm con ở Nhà thờ Đức Bà được cho ăn hằng ngày - Thực hiện: Vũ Phượng
Vừa bán hàng vừa tranh thủ chuẩn bị thức ăn trưa và nước cho đàn bồ câu rỉa lông, nhưng chị Thanh vẫn rất hồ hởi khi chúng tôi hỏi thăm về đàn bồ câu.
Chị Thanh kể: “Không nhớ đàn bồ câu xuất hiện ở đây từ khi nào. Nhưng hơn chục năm trước có dịch cúm người ta bắt hết, chỉ còn khoảng 15 con, lúc đó chú Điệp chụp ảnh hay cho ăn. Sau chú Điệp yếu rồi mất, trước khi mất có dặn anh Cường và mọi người chăm sóc chúng. Đàn bồ câu sinh sôi nảy nở đến nay được hơn 400 con. Do công việc nên anh Cường chỉ cho ăn được lúc sáng sớm, còn tui cho ăn buổi trưa chiều”.
Chị Thanh xóc hộp lúa báo hiệu tới giờ ăn của đàn bồ câu - Ảnh: Vũ PhượngChị Thanh xóc hộp lúa báo hiệu tới giờ ăn của đàn bồ câu - Ảnh: Vũ Phượng
Nói rồi chị Thanh cầm trên tay nắm lúa và một hộp đựng lúa bên trong để xóc lên tạo tiếng động, chưa đầy 30 giây sau, đàn bồ câu bay sà xuống kín xung quanh chỗ chị Thanh đứng.
Đúng 10 giờ 30 trưa, chị Thanh vừa hất nắm lúa trên tay, cả đàn bồ câu cặm cụi mổ từng hạt một cách trật tự và thong thả.
Chị Thanh kể tiếp: “Đàn bồ câu ở đây rất thân thiện và dạn người, ăn uống cũng đúng giờ. Sáng 5 giờ 30 anh Cường sẽ cho ăn, còn buổi trưa thì đúng 10 giờ 30 tui sẽ gọi chúng tới ăn. Mà nhiều khi chưa cần gọi chúng đã canh giờ bay xuống đứng đợi sẵn. Chỉ cần xóc hộp thóc là chúng ùa tới. Khi có nhiều người chọc hay lùa bồ câu đi xa chỗ tui ngồi, tui sẽ đập ghế nhựa xuống đất hoặc vỗ tay là tự động chúng bay đi”.
Chị Thanh yêu thương bồ câu như con của mình - Ảnh: Vũ PhượngChị Thanh yêu thương bồ câu như con của mình - Ảnh: Vũ Phượng
Mỗi lúc đàn bồ câu tới một đông, chị Thanh lại tiếp tục lấy đậu xanh và thóc rải ra vỉa hè, đàn bồ câu thì vẫn cặm cụi nhặt nhạnh từng hạt một như một đội quân chăm chỉ làm công việc của mình mà không bận tâm xung quanh.
Chị Thanh chia sẻ, từ ngày nhận chăm sóc đàn bồ câu chị Thanh chưa nghỉ ngày nào, mỗi khi có việc ra trễ giờ ăn, chị lại nhờ anh chị em trong nhà mang lúa và đậu xanh ra gọi đàn bồ câu đến để cho ăn. “Bỏ đói sao đành hả em, tội nghiệp lắm”, vừa nói chị Thanh vừa nhìn vào con chim đang núp dưới gầm chiếc xe máy rồi thở dài.
“Con đó bị lên đậu, tui hòa thuốc cho uống mấy hôm rồi nhưng không biết có qua nổi không, nhìn nó yếu quá, tội nghiệp”, chị Thanh nghẹn ngào.
Cho bồ câu ăn vì… thương
Vừa tất bật bán hàng cho khách, chị Thanh vừa phải quan sát xung quanh để trông coi đàn bồ câu lúc ăn. Chị Thanh cho biết nhiều khi có khách lùa đàn bồ câu bay để chụp hình mà đạp lên cánh hoặc lùa xuống đường xe ô tô chạy ngang cán xẹp lép.
Hiện tại, một ngày chị Thanh đều bỏ tiền túi ra khoảng 120.000 đồng để mua 8 kg lúa đậu xanh cho bồ câu ăn. Chúng tôi nói đùa: “Vậy bán nước lời đâu ra nữa hả chị?”, chị Thanh khẽ cười: “Chứ giờ không cho chúng ăn no mình chịu sao thấu, xót lắm. Tranh thủ lúc chúng ăn mà không có khách mình ngồi nhìn, cũng thấy yên bình lắm, thương gì đâu”.
Chỉ cần cầm trên tay nắm đậu xanh là bồ câu sẽ nhảy lên ăn rất thân thiện - Ảnh: Vũ PhượngChỉ cần cầm trên tay nắm đậu xanh là bồ câu sẽ nhảy lên ăn rất thân thiện - Ảnh: Vũ Phượng
Chị Thanh kể tiếp: “Trước có một con bị xe cán ngay góc đường Nguyễn Du, lòi ruột mà còn hấp hối, nhiều người kêu quăng sọt rác nhưng không đành nên tui băng bó vết thương, mua thuốc cho uống rồi bỏ vào cái lồng, ngày nào cũng mớm cho ăn đậu xanh. Vậy mà nửa tháng sau nó qua khỏi và có thể bay lượn cùng đàn”.
Thương đàn bồ câu là vậy, nhưng chị Thanh cho biết, nhiều khi chị nhắc mọi người đừng lùa bồ câu mà để yên cho chúng ăn thì lại bị "nhăn nhó ngược": bồ câu hoang mà chị lấy quyền gì ý kiến. Mỗi lần vậy, chị Thanh lại đập ghế để đàn bồ câu bay đi.
Mỗi cặp đôi chụp ảnh cưới đều gửi lại chị Thanh một số tiền nho nhỏ để mua lúa cho đàn bồ câu - Ảnh: Vũ PhượngMỗi cặp đôi chụp ảnh cưới đều gửi lại chị Thanh một số tiền nho nhỏ để mua lúa cho đàn bồ câu -
Ảnh: Vũ Phượng
Theo chị Thanh, ở nước ngoài chẳng ai bắt giết bồ câu ngoài đường nhưng ở nhà thờ Đức Bà, trước kia cứ hở ra là họ lại bẫy bồ câu để về ăn thịt. Thậm chí, nhiều người còn tìm đến chị hỏi mua bồ câu để về nấu cháo, chị từ chối ngay và nói, bồ câu của trời, không ai có quyền mua bán, chị cho ăn vì đây là việc làm đúng với lương tâm và mong rằng đàn bồ câu sẽ là biểu tượng gắn liền với nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn.
Ngắm bồ câu thấy yên bình
Đây không chỉ là cảm nhận của chị Thanh, người gắn liền với đàn bồ câu hơn chục năm qua, mà còn là cảm nhận chung của nhiều người dân Sài Gòn.
Nhiều em nhỏ thích thú ngắm nhìn bồ câu - Ảnh: Vũ PhượngNhiều em nhỏ thích thú ngắm nhìn bồ câu - Ảnh: Vũ Phượng
Chị Trần Mỹ Khanh (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết trường học con chị gần đây nên ngày nào chị cũng chở bé đi học sớm để nhìn đàn bồ câu ăn sáng. “Đã thành thói quen nên bé nhà tôi rất thích, qua đó tôi cũng dạy cho bé cách yêu thương cuộc sống và cách gìn giữ những giá trị, những biểu tượng này”, chị Khanh chia sẻ.
Nhiều gia đình dẫn con nhỏ ra chơi với bồ câu - Ảnh: Vũ PhượngNhiều gia đình dẫn con nhỏ ra chơi với bồ câu - Ảnh: Vũ Phượng
Trong khi đó, Nguyễn Thị Kiều Trang (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cũng tâm sự: “Tranh thủ mỗi buổi trưa mình đi bộ từ trường ra đây để nhìn đàn bồ câu ăn, vừa thấy bình yên vừa thấy thanh thản mà nhẹ nhàng lắm”.
Đàn bồ câu rỉa lông sau bữa ăn trưa - Ảnh: Vũ PhượngĐàn bồ câu rỉa lông sau bữa ăn trưa - Ảnh: Vũ Phượng
Vậy đấy, trong Sài Gòn có rất nhiều câu chuyện dung dị, gắn liền với cuộc sống mưu sinh của nhiều người buôn gánh bán bưng. Nhiều việc làm tưởng chừng rất đỗi bình thường, nhưng chỉ có những người dân ở đây mới nhìn thấy và cảm nhận được sự thân thuộc và gần gũi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.