Người giữ hồn cho Nho học

31/08/2007 02:30 GMT+7

(TNO) Về làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức - Hà Tây) vào ngày chủ nhật, người ta có thể bắt gặp những hình ảnh như từ trong lịch sử hiện về: Những học sinh mặc áo nâu, đội mũ bồ đài, thắt lưng đỏ, tay bút tay nghiên đi đến nhà thầy đồ học chữ. Chuyện đã không còn gì lạ với người dân Sơn Đồng từ gần 2 năm nay, khi cụ Nghiêm Quốc Đạt (tên thường gọi là Nghiêm Vết) mở lớp dạy chữ Nho miễn phí ở làng.

Dạy miễn phí để duy trì chữ Nho

Lớp học “tình nguyện” của thầy Đạt được bắt đầu cách đây gần 2 năm, khi nhà thầy vẫn chưa có một mái nhà để ở, phải ở nhờ trong nhà thờ của làng. Thời kì đầu, thầy Đạt mở lớp để dạy cho một vài con cháu họ Nguyễn, với khát vọng "không để chữ Nho mai một trong dòng họ". Bởi “dòng họ Nguyễn chúng tôi từng là dòng họ của khoa bảng, làng Sơn Đồng cũng là làng tiến sĩ thời xưa”, thầy Đạt tâm sự trong nỗi niềm hoài cổ.

Trở về thực tại, thầy buồn buồn: “Vậy mà nay, số người thông thạo chữ Nho trong làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trong họ Nguyễn thì có lẽ tôi là người duy nhất còn khỏe mạnh. Bởi thế, tôi muốn lưu truyền cho thế hệ con cháu mình những cái hay, cái đẹp, cái lễ nghĩa của một nền Nho giáo truyền thống”. Hơn nữa, “Làng chúng tôi là làng nghề làm tượng Phật, hoành phi câu đối. Ấy vậy mà sau này phải đi xin chữ viết câu đối thì xấu hổ lắm. Tôi chỉ mong truyền chữ lại cho thế hệ trẻ, để chữ Nho không bao giờ biến mất khỏi làng”, thầy tiếp.

Nhiều người tỏ ra e ngại “dạy bọn trẻ chữ Nho làm chúng già người đi”. Nhưng thầy Đạt đã chứng minh điều ngược lại, khi khát vọng của thầy nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của thế hệ trẻ rất ham học hỏi của làng. Từ một lớp học chỉ có vài học sinh khi mới mở, nay lớp đã có sĩ số lên tới trên 40. Căn phòng khách 22m2 nhà thầy dù chỉ để kê bàn học, vẫn trở nên quá chật hẹp. Thầy Đạt phải tách thành hai lớp, mỗi lớp học một buổi/tuần vào ngày chủ nhật. Vậy là cứ chủ nhật hàng tuần, cụ đồ già 65 tuổi này lại lên lớp ngày hai buổi sáng – chiều, dạy học trò bằng tất cả tâm hồn của một nhà Nho giàu nhiệt huyết.


Căn phòng đơn sơ với bốn bức tường treo tranh và chữ của thầy Đạt

Học trò thầy Đạt bao gồm đủ lứa tuổi, từ em bé 9 tuổi đến cụ già đã lên lão 70, có cậu sinh viên trường Kiến trúc từ Hà Nội cũng lặn lội đến học thầy. Thậm chí cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học trong làng cũng miệt mài nghiên bút đều đặn mỗi tuần đến nghe thầy giảng. “Bọn trẻ bây giờ quả đáng khâm phục, bọn chúng học mươi, mười lăm buổi mà đã có thể đọc, viết chữ Nho được rồi”, thầy Đạt tự hào chia sẻ.

Sở dĩ học trò có thể nắm bắt một loại hình chữ viết vốn được coi là “phức tạp” này nhanh đến vậy, bởi thầy Đạt không dạy theo giáo án “Tứ thư, ngũ kinh, lục thao tam lược” như sách của Nho học thời xưa, mà kỳ công soạn cả một cuốn giáo án để “học sinh thời chữ quốc ngữ” có thể dễ nắm bắt, dễ học nhất. Ngoài ra, thầy cũng thường xuyên sáng tác rất nhiều thơ đố chữ để giúp học trò dễ học, dễ nhớ.


Giáo án giảng bài của thầy Đạt

“Dạy Nho học không chỉ là dạy chữ, quan trọng là dạy đạo đức, lễ nghĩa cho học trò”, thầy Đạt khẳng định. Quả thật, những nhiệt huyết của thầy đồ già đã được đền đáp xứng đáng, khi những học trò của thầy đều được người trong làng nhận xét là ngoan ngoãn. Bà Dự người làng Sơn Đồng, có 3 cháu học thầy Đạt đã gần nửa năm, vui mừng kể: “Các cháu nhà tôi kể từ ngày đi học thầy Đạt đều rất ngoan, ăn nói năng nổ hoạt bát hơn hẳn. Cháu lớn nhất mới học được hơn 4 tháng, nhưng đã viết chữ Nho giỏi lắm. Dịp xuân cháu đã có thể viết câu đối mừng thọ các cụ trong làng”.

Tâm sự với chúng tôi, thầy Đạt bộc lộ: “Nếu có phòng học rộng hơn, tôi dám dạy cho tất cả học trò muốn theo học trong khu vực”.

Sống lại không khí mực tàu, giấy đỏ, bút lông…

“Dạy Nho giáo, thì cũng phải mặc đồng phục theo Nho giáo, để không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai”, đó là quan điểm của thầy đồ Đạt. Học trò của thầy khi đi học phải mặc đồng phục áo nâu, mũ bồ đài, thắt lưng đỏ, và đeo phù hiệu “Sao Khuê” –  biểu tượng của văn chương và học thuật trong văn hóa Á Đông truyền thống.

Ngoài ra học sinh cũng phải chuẩn bị mực, giấy, bút lông để luyện chữ. Căn phòng chật chội, bàn ghế đều là “bàn ghế hỏng của trường tiểu học trong làng, tôi xin về chắp vá lại” (thầy Đạt cho biết), nhưng tất cả đều không ảnh hưởng đến không khí học tập của cả thầy và trò.

“Nghiên mực làm sẵn to quá, phòng chật lại phải ngồi sát nhau, nên những cô cậu học trò nhỏ thường làm dây mực ra giấy viết”, thầy Đạt kể. Thương trò, thầy lại miệt mài nghiên cứu một loại “nghiên mực chuyên dụng”, nhỏ gọn và thuận tiện hơn cho việc mang đi, mang về, rồi nhờ thợ mộc sản xuất theo mẫu để phát cho học trò.

Cảm nhận tình yêu thương và nhiệt tình dạy dỗ của thầy, các học trò đều cảm kích và học tập rất chăm chỉ. Thầy Đạt cho biết, đến tháng 10 (sau 1 năm), thầy sẽ tổ chức cho học trò thi cuối khóa, có mời những người thông thạo tiếng Nho trong làng đến làm Ban Giám khảo. “Mỗi năm tôi dự định sẽ cho ra trường một khóa. Ai đọc thông, viết thạo thì có thể ra trường, mua sách về tự nghiên cứu học hỏi thêm”, thầy Đạt vui vẻ nói. 

Không chỉ mở lớp dạy tình nguyện, thầy Đạt còn là người mở ra quỹ khuyến học cho dòng họ Nguyễn - quỹ khuyến học đầu tiên và lớn nhất của Hà Tây (thành lập năm 1996). “Tôi chỉ nghĩ đơn giản, dòng họ mình xưa kia bao người đỗ đạt, mà ngày nay những tấm gương học giỏi cứ hiếm dần. Vì vậy cần có một quỹ để khuyến khích tinh thần học của con cháu trong họ”, thầy Đạt tâm sự. Rồi không giấu nổi niềm vui, thầy tự hào nói: “Không phụ lòng chúng tôi, năm nay cháu Nguyễn Đăng Hoàn trong họ đã đỗ thủ khoa trường Đại học Y Hà Nội với 29,75 điểm”.

Bài, ảnh: Tạ Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.