Nguy cơ gây ô nhiễm của các dự án lớn: Phải hành động

08/10/2016 11:46 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau khi đọc bài Nguy cơ gây ô nhiễm của các dự án lớn đăng trên Thanh Niên ngày 7.10.

Ô nhiễm vây bủa khắp nơi !
Theo dõi báo chí thời gian qua, tôi thấy ở rất nhiều dự án lớn khi kiểm tra thì đều có cụm từ “báo cáo tác động môi trường rất sơ sài”. Đối xử với môi trường kiểu như vậy thì làm sao không ô nhiễm. Từ sông, biển, không khí, nguồn nước... đều bị ô nhiễm và người dân đang bị vây bủa khắp nơi. Theo tôi, dự án nào không đảm bảo môi trường thì buộc phải khắc phục, có kiểm tra giám sát kỹ lưỡng, nếu tái phạm thì đóng cửa. Phải làm quyết liệt, nếu không chúng ta sẽ lãnh hậu quả nặng nề.
Nguyễn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Cần làm việc công tâm
Đánh giá tác động môi trường là quy trình rất quan trọng trong thẩm định dự án. Do vậy, cơ quan nào được giao việc này phải làm việc thật công tâm. Bắt buộc doanh nghiệp ký cam kết không gây ô nhiễm, nhưng cũng phải có quy trình, cơ chế giám sát. Ai làm không tròn trách nhiệm thì phải bị xử lý. Thực hiện quyết liệt bảo vệ môi trường, ổn định cân bằng sinh thái là việc làm không chỉ cho thế hệ hiện thời mà cả cho con cháu mai sau.
Duy Tuấn (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế)
Phải quản lý chặt chẽ
Để các dự án đảm bảo về vệ sinh môi trường thì cơ quan chức năng phải mạnh tay trong xử lý vi phạm. Không thể vì là dự án của nhà nước nên du di, cho qua để rồi người dân lãnh hậu quả. Phải kiên quyết đóng cửa nhà máy ngay tức khắc nếu sự việc nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhà nước cần phải nghiêm khắc xử lý đối với cơ quan, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm môi trường nghiêm trọng tại địa bàn mình quản lý. Chặt chẽ, mạnh tay như vậy thì môi trường mới bớt ô nhiễm, đời sống người dân được nâng cao hơn.
Võ Viết Nam (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Mất lòng tin
VN có số lượng người mắc bệnh ung thư cao so với nhiều nước trên thế giới, đây là hồi chuông cảnh báo về tác hại của ô nhiễm môi trường. Bây giờ nghe nói nhà máy được xây dựng là người dân quanh đó phải tính phương án dời nhà đi. Ở sao được khi người dân tin chắc chắn rằng nhà máy đó rồi đây cũng gây ô nhiễm... Niềm tin vào sự quản lý của nhà nước trong vấn đề bảo vệ môi trường đã giảm sút rất nhiều. Nhà nước phải làm sao xóa tan định kiến này, tạo lòng tin cho nhân dân.
Đào Quang Thái (TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh)
Quản lý lỏng lẻo
Một dự án chưa được duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc thay đổi ĐTM nhưng vẫn vô tư đi vào hoạt động, hoặc có báo cáo ĐTM sơ sài nhưng cũng được cấp phép hoạt động. Như thế thì công tác quản lý nhà nước quá lỏng lẻo, dễ dãi. Một khi chủ dự án và cơ quan quản lý môi trường bắt tay nhau thì việc gì mà họ không dám làm, từ xả thải trực tiếp ra môi trường cho đến các việc khác, miễn là không tốn kém chi phí để xử lý môi trường. Đã đến lúc nhà nước cần siết chặt công tác quản lý môi trường, đây là công việc phức tạp, khó khăn nhưng buộc phải thực hiện để bảo vệ đời sống người dân.
Nguyễn Văn Thịnh (Thủ Dầu Một, Bình Dương)
       
Nói nguy cơ gây ô nhiễm của các dự án lớn là chưa đúng, thực tế thì các dự án lớn đã gây ô nhiễm rồi, mức độ nặng hay nhẹ thôi. Điều đáng nói là các dự án lớn được nhắc đến đều là những dự án của nhà nước, phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Như vậy thì phải quyết liệt hành động ngay công tác bảo vệ môi trường. Dẫu việc này có gây tốn kém cũng phải thực hiện để phát triển kinh tế bền vững.
Đinh Trúc Ly (Q.8, TP.HCM)
       
Các dự án lớn hay nhỏ đều buộc phải có bộ phận chuyên trách về công tác môi trường. Không phải dự án lớn mới gây ô nhiễm, các dự án nhỏ cũng vậy, nhiều dự án nhỏ cùng gây ô nhiễm thì tác hại của nó chẳng kém gì dự án lớn. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về môi trường cần phải được nâng cao về trình độ chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp nhằm bảo đảm các dự án đều tuân thủ đúng quy định về bảo vệ môi trường.
Nguyễn Hoàng Phúc (Q.6, TP.HCM)
An Phong  - Duy Khang  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.