Gửi hào khí Điện Biên ra Trường Sa

09/06/2014 08:45 GMT+7

Bức tượng tròn với nắm tay rắn rỏi ôm chặt cuốn thư in hình ảnh chiến sĩ Điện Biên phất cờ chiến thắng trên nóc hầm De Castries có phần đất linh thiêng lấy từ ngọn đồi A1 trao truyền hào khí chiến thắng Điện Biên Phủ đến những người lính giữ đảo Trường Sa.


Trần Văn Thược tặng bức tượng điêu khắc cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: Tùng Mai

Bộ tác phẩm gồm hai bức tượng điêu khắc xuất phát từ cảm xúc tự hào trong chiến thắng Điện Biên Phủ của nhóm sinh viên Trần Văn Thược, Nguyễn Hoàng Anh Thân, Lý Đức Hải, Phan Hữu Hải và Hoàng Minh Hưng, ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

Chưa một lần đặt chân đến Trường Sa nhưng ý tưởng sáng tạo tác phẩm gửi ra dải đất thiêng nơi đầu sóng ngọn gió được nhóm bạn trẻ ấp ủ từ lâu. Chọn đúng năm cả nước hướng về kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, họ bắt tay thực hiện tác phẩm.

Để chuẩn bị tác phẩm ý nghĩa này, nhóm tác giả cùng nhau đi phượt bằng xe máy, vượt quãng đường gần 500 km từ Hà Nội lên Điện Biên tìm kiếm tư liệu. Chuyến đi giúp cả nhóm có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo cho tác phẩm họ dành nhiều tâm huyết.

Trần Văn Thược kể lại, khó nhất là việc lựa chọn hình ảnh tạc lên tượng. Bởi chiến thắng này có quá nhiều hình tượng đẹp là những đoàn dân công hỏa tuyến gồng gánh, đẩy xe thồ ra mặt trận; bộ đội kéo pháo vào trận địa… Nhưng chốt lại, họ quyết định chọn hình ảnh 3 chiến sĩ phất cờ chiến thắng trên nóc hầm De Castries, bằng chứng sự thất bại của thực dân Pháp in vào tượng điêu khắc. Mong muốn đưa hào khí cha ông trong chiến thắng Điện Biên Phủ, cả nhóm chọn luôn đất lấy từ ngọn đồi A1 mang về Hà Nội pha trộn làm tượng.

Theo thiết kế, bộ tác phẩm điêu khắc m vang Điện Biên - Hào khí Trường Sa cao 0,95 m, chân đế rộng 35 cm và nặng khoảng 15 kg được 5 bạn trẻ dày công, tỉ mỉ làm trong khoảng 2 tháng.

Không chọn nguyên liệu đồng, đá hay gỗ quen thuộc với tác phẩm tượng điêu khắc, Thược giải thích, đất được ví như người mẹ nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người dân Việt, không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, miền núi hay hải đảo. Ở đâu có khó khăn, con dân nước Việt một dạ cùng hướng về. Nhưng để tác phẩm này có độ bền trường tồn giữa thời tiết mặn mòi của biển cả, đất từ đồi A1 được phối trộn với đất sét làm gốm. Khi tạc xong, tượng được đưa sang nung suốt 2 ngày đêm ở làng gốm Bát Tràng.

“Bàn tay nắm chặt cuốn thư tượng trưng cho sức mạnh, quyết tâm của thanh niên gìn giữ phát huy truyền thống, lịch sử cha ông. Bàn tay ấy đã cầm nắm được rồi thì không ai có thể giành lấy ra được. Đây cũng là thông điệp gửi đến những chiến sĩ đang bảo vệ chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa”, Thược chia sẻ ý tưởng của tác tác phẩm.

Sau chuyến trở lại Điện Biên tặng tượng vào Bảo tàng Điện Biên Phủ đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng này, Thược tiếp tục được chọn là thành viên “Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2014 do T.Ư Đoàn và Quân chủng Hải quân tổ chức. Ngày 3.6 vừa qua, Thược trực tiếp tặng bức tượng thứ 2 cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn, thuộc Quần đảo Trường Sa, hoàn thành tâm nguyện của nhóm làm dự án.

Trao đổi với Thanh Niên qua điện thoại, trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên Đảo Trường Sa Lớn bày tỏ: cán bộ chiến sĩ trên đảo rất xúc động đón nhận món quà này vì được các bạn sinh viên làm rất công phu, mang ý nghĩa thiêng liêng. Bức tượng này nhắc nhớ người dân Việt Nam về chiến công vang dội trong lịch sử dân tộc.

Phan Hậu

>> Những giai điệu biển đảo: 'Gần lắm Trường Sa
>> Mổ heo đất ủng hộ quỹ Trường Sa
>> Ra mắt sách 'Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa-Trường Sa
>> Triển lãm bản đồ, hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa
>> Nguyễn Nhật Ánh tặng sách cho lính đảo Trường Sa
>> Khánh thành 2 bức tranh gốm Trường Sa - sức mạnh VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.