Hẩm hiu làng nghề dệt chiếu cói

15/10/2013 10:04 GMT+7

Từ năm 2012 đến nay, sản phẩm của làng nghề dệt chiếu ở xã Phước Thắng (H.Tuy Phước, Bình Định) không tiêu thụ được khiến đời sống của hàng trăm hộ dân địa phương gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2012 đến nay, sản phẩm của làng nghề dệt chiếu ở xã Phước Thắng (H.Tuy Phước, Bình Định) không tiêu thụ được khiến đời sống của hàng trăm hộ dân địa phương gặp nhiều khó khăn.

Hẩm hiu làng nghề dệt chiếu cói
Nghề dệt chiếu cói ở xã Phước Thắng - Ảnh: Lê Minh

Nghề trồng cói, dệt chiếu ở xã Phước Thắng đã tồn tại hàng trăm năm qua và được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề vào năm 2007. Hiện toàn xã có 420 hộ làm nghề, tập trung nhiều nhất ở 2 thôn An Lợi và Lạc Điền. Những năm trước, sản phẩm dệt chiếu cói làm ra bao nhiêu thương lái mua bấy nhiêu. Nhưng từ năm 2012 đến nay, chiếu cói bán không ai mua, giá thành lại xuống thấp nên số người trồng cói, dệt chiếu ở địa phương ngày càng giảm dần.

“Làm nghề dệt chiếu cói không đủ ăn, nên lũ trẻ dắt nhau lên thành phố, đi Tây nguyên hái tiêu, cà phê, phụ hồ… để kiếm sống. Mấy năm trước, bán 2 triệu đồng/sào cói thì ai cũng tranh nhau mua nhưng giờ chỉ 150.000 - 200.000 đồng/sào cũng không bán được. Kiểu này thì làng nghề truyền thống khó mà giữ được”, bà Đào Thị Ba (62 tuổi, ở thôn An Lợi) cho biết.

Theo UBND xã Phước Thắng, từ năm 2012 trở về trước, bình quân mỗi năm nông dân địa phương dệt được hơn 800.000 m2 chiếu cói, doanh thu từ 18-20 tỉ đồng. Giờ thì chiếu cói tiêu thụ không được do sản phẩm chiếu dệt bằng máy, chiếu trúc, chiếu nhựa… có giá thành rẻ hơn.

“Nghề dệt chiếu cói ở xã Phước Thắng từng được xem là nghề xóa đói, giảm nghèo nhưng bây giờ đi từ đầu thôn đến cuối thôn chỉ vài ba hộ làm mà thôi. Muốn nghề làm chiếu cói ở Phước Thắng tồn tại, chính quyền và ngành chức năng cần có giải pháp hợp lý trong đầu tư phát triển làng nghề và quan trọng là tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làm ra” - ông Nguyễn Tờ, Trưởng thôn An Lợi, nói.

Lê Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.