Phong trào đưa cây xanh, cây kiểng vào các khu di tích lịch sử, cơ quan, bệnh viện, trường học, nơi công cộng đang lan tỏa từ thành thị đến thôn quê, tạo cơ hội cho nhiều nhà vườn ăn nên làm ra và trở thành tỉ phú.
Từ niềm đam mê
Anh Huỳnh Thanh Công ở xã An Nhơn, H.Châu Thành (Đồng Tháp) vốn là thợ bạc. Nhưng từ khi thị trường hoa kiểng trở nên sôi động thì anh bắt đầu tìm đến thú chơi tao nhã này. Anh cho biết lúc đầu chỉ chơi vài ba cây cho thư giãn và có dịp kết giao với bạn bè, không ngờ cây kiểng có sức hút kỳ lạ, càng chơi càng say mê, càng khám phá ra nhiều điều kỳ diệu. Chỉ vài năm sau, anh Công trở thành người chơi kiểng “chính hiệu”, được bạn bè tôn là một nghệ nhân tầm cỡ, là “đại gia” cây kiểng khu vực ĐBSCL.
|
Trò chuyện với chúng tôi, anh Công nói một cách tâm đắc: chơi cây kiểng ngoài thư giãn tinh thần còn giúp con người gần gũi với thiên nhiên và yêu cuộc sống nhiều hơn. Ngoài ra, cây kiểng còn có thể mang lại nguồn thu nhập không nhỏ.
Đứng trước vườn kiểng của anh Công, ấn tượng đầu tiên là những hàng kiểng cổ thụ từ ngoài cổng dẫn tới cuối vườn. Trước sân nhà là khu trưng bày bonsai, tiểu cảnh, kiểng bông, kiểng trái. Mỗi cây, mỗi chậu là một tác phẩm nghệ thuật sắc sảo khiến người xem phải trầm trồ thán phục.
Anh Công nói: “Tôi mới bắt đầu chơi từ năm 1998 đến nay. Mặc dù bận lo cơm áo gạo tiền nhưng vì máu đam mê nên mỗi lần nghe bạn bè báo tin có cây nào hay, đẹp, đặc biệt là kiểng cổ thụ là tôi liền tìm đến ngay. Có những cây mua xong phải dùng xe cần cẩu vận chuyển, vừa nhiêu khê vừa vất vả, vậy mà lòng vẫn háo hức săn tìm, hết cây này đến cây khác như mắc nợ thiên nhiên...”
|
Khi được hỏi giữa chơi và kinh doanh, anh nặng bên nào? Anh Công trả lời ngay: “Nặng cả hai. Vì nếu không đam mê thì không có được chất lượng cao. Ngược lại chơi mà không kinh doanh thì lấy đâu ra vốn để đầu tư”.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Từ niềm say mê đó, đến nay anh Công đã tạo dựng được vườn kiểng gần 400 cây, gồm nhiều chủng loại đặc sắc như: mai vàng, mai chiếu thủy, nguyệt quới, tùng, sanh, cằn thăn... Cây nào cũng được cắt tỉa, uốn sửa, tạo dáng theo phong cách riêng. Nghệ nhân Phạm Hồng Lựu, cộng sự của anh Công cho biết: “Dù là kiểng nhỏ hay kiểng lớn, bonsai hay tiểu cảnh, tác phẩm nào của anh Công cũng mang dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển, không cầu kỳ gượng ép”. Đặc biệt đối với nghệ thuật bonsai, anh rất chú ý về tổng thể, chậu và cây luôn tương xứng, cân đối và hài hòa. Sở trường của anh là kiểng dáng cổ vì vậy mà trong vườn hiện có đến 2/3 số cây gốc to, tuổi thọ từ vài chục đến hơn trăm tuổi.
Anh Công cho biết trong số các chủng loại thì anh đầu tư lớn nhất cho nguyệt quới. Bộ sưu tập trong vườn hiện có 200 cây, trong đó có trên 10 cây giá trị bạc tỉ mỗi cây. Tùy theo dáng vẻ, nét già giặn phong sương mà mỗi cây có giá trị khác nhau. Cây trung bình giá vài chục đến vài trăm triệu đồng. Cây lâu năm, mang nhiều dấu ấn nghệ thuật, giá trị cao gấp mấy lần. Cụ thể như cây khế gân trăm tuổi được định giá 4 tỉ đồng; cây nguyệt quới 3,5 tỉ đồng. Trong Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, anh gởi triển lãm tiểu phẩm “Cây sanh ”, sau đó cây này được một nghệ nhân ở Hà Nội mua lại với giá hơn 1 tỉ đồng.
Anh Công phấn khởi cho biết hiện nay ngoài tiền thu nhập từ cây kiểng mỗi năm vài ba tỉ đồng, niềm vui lớn nhất đối với anh là được giao tiếp với nhiều nghệ nhân hoa kiểng trên cả nước. Không những vậy, mỗi lần tham dự hội hoa xuân, hội thi cây cảnh anh đều nhận được những lời khích lệ quý báu. Đến nay anh đã nhận trên 50 giải thưởng, vinh dự nhất là giải vàng Hội thi Sinh vật cảnh các tỉnh phía Nam (năm 2010); giải vàng Festival hoa Đà Lạt (năm 2012).
Hoài Phương
>> Dịch vụ sửa hoa - cây kiểng đắt hàng
>> Chơi cây kiểng phong thủy
>> Cấm mua bán cây rừng cổ thụ để làm cây kiểng
>> Chọn cây kiểng trong nhà
Bình luận (0)