Lươn nhỏ chuẩn bị bán sang Campuchia |
Lươn đồng (lươn thiên nhiên) có quanh năm, nhiều nhất là vào mùa lũ (tháng 6 đến tháng 10 âm lịch). Lúc này, người dân tập trung đánh bắt bằng nhiều cách: câu, đặt lọp, đặt trúm, soi đèn... Trong đó, đặt trúm là cách truyền thống và hiệu quả nhất.
Hầu hết lươn chạy trúm đều là lươn lớn, có con nặng cả ký lô. Ông Nguyễn Văn Đệ ở H.Hòn Đất (Kiên Giang) có 30 ống trúm, mỗi đêm bắt được 2 - 3 kg lươn. Với giá bán hiện nay từ 60.000 - 120.000 đồng/kg, gia đình ông Đệ thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày. Còn tại xã Vĩnh Hanh, H.Châu Thành (An Giang), đa số người dân dùng lọp để bắt lươn. Họ bơi xuồng ra giữa các cánh đồng mênh mông nước tìm chỗ đặt lọp, thường là những nơi gần lung bàu, nhiều cỏ rơm mục ủ, mỗi đêm kiếm vài ba ký. Tuy nhiên, với cách này thì phần lớn chỉ bắt được lươn nhỏ, dùng làm lươn giống.
Bà Hai Phương, Chủ cơ sở Hai Phương (ở xã Bình Hòa, H.Châu Thành, An Giang), chuyên thu mua lươn giống và lươn thịt cho biết năm nay lươn nhiều hơn mọi năm do nông dân ít dùng thuốc, hóa chất diệt ốc bươu vàng, nhờ vậy lươn sinh sản nhiều. Vào thời gian này, mỗi ngày Cơ sở Hai Phương thu mua 1 - 1,5 tấn lươn thịt. Hầu hết lươn nhỏ được bán sang Campuchia, Trung Quốc để làm lươn giống; lươn đạt trọng lượng từ 0,5 kg/con trở lên bán cho các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh.
Tại An Giang và Đồng Tháp, ngoài lươn thiên nhiên còn có lươn nuôi bồn, hằng năm cung cấp cho thị trường số lượng khá lớn. Theo ông Trương Quang Bình, Trưởng ấp Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Hanh), tại xã này có gần 300 hộ nuôi lươn, mỗi hộ thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng/năm.
Lươn có giá trị kinh tế cao và được xem món ăn đặc sản. Theo Đông y, thịt lươn có tác dụng bồi bổ khí huyết, trị suy dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe... Riêng lươn đồng được thị trường tiêu thụ mạnh nhất nên thường khan hiếm nguồn hàng.
Bài, ảnh: Thiên Lộc
Bình luận (0)