Ga Đà Lạt sẽ là ga trung tâm cùa đường sắt đô thị Đà Lạt |
Từ năm 1932 Đà Lạt đã đưa vào sử dụng tuyến đường sắt răng cưa từ Tháp Chàm (Ninh Thuận) đến Đà Lạt, với chiều dài 84km. Hiện nay, tuy chỉ còn lại đoạn đường sắt khoảng 8km từ ga Đà Lạt đi Trại Mát, nhưng rất hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước khi muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp Đà Lạt.
|
Theo qui hoạch mới được phê duyệt, thì ga Đà Lạt sẽ là ga trung tâm của đường sắt đô thị Đà Lạt. Từ đây có các tuyến dẫn đến các điểm du lịch nổi tiếng như Thung Lũng Tình Yêu, hồ Tuyền Lâm, Lang Biang, Suối Vàng, sân bay Liên Khương… Tuyến số 1 từ ga Đà Lạt đi Suối Vàng dài khoảng 18.5 km chạy theo hướng đông tây, gần song song đường Yersin (phía trên quảng trường thành phố), băng qua đường Hồ Tùng Mậu. Từ đây chạy dọc theo đường Trần Phú, Hoàng Văn Thụ đến khu du lịch Cam Ly – Măng Lin, đi tiếp đến ngã ba AnKroet rẽ trái vào Suối Vàng. Tại ga trung chuyển ở ngã ba AnKroet (tuyến 1), rẽ phải đi theo đường vành đai thành phố đến ngã ba Tùng Lâm giao với đường Đan Kia, tiếp tục rẽ trái đến chân núi LangBiang với chiều dài 8,55km. Tuyến 2 đi hồ Tuyền Lâm chiều dài khoảng 15,78 km, bắt đầu từ ga Hồ Tùng Mậu rẽ trái theo Đường 3 Tháng 4 đến nút giao Bến xe liên tỉnh rồi rẽ phải theo đường vành đai thành phố đi hồ Tuyền Lâm. Tuyến 3 từ ga Đà Lạt đi Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu, tuyến này bắt đấu từ đường Yersin (tuyến1) rẽ phải qua đường Trần Quốc Toản rồi nhập vào đường Nguyên Tử Lực đi thẳng về khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu với chiều dài khoảng 6,9 km. Ngoài ra còn có tuyến đi ngã ba Tùng Lâm, bắt đầu từ ga Hồ Xuân Hương (kết nối vào tuyến đường sắt ga Đà Lạt-Trại Mát hiện nay), đi dọc theo các đường Hồ Xuân Hương, Vòng Lâm Viên, Mai Anh Đào, Thánh Mẫu, Đan Kia đến ngã ba Tùng Lâm. Từ đây có thể nhập vào tuyến số 2 đi LangBiang, chiều dài dự kiến 11,7 km. Một tuyến đường sắt quan trọng khác từ Đà Lạt đi sân bay Liên Khương dài 28,2 km, từ ga Đà Lạt qua đường Hùng Vương, rẽ phải theo đường đèo Mimoza đi sân bay Liên Khương. Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết tổng chiều dài 6 tuyến đường sắt gần 90 km, kinh phí xây dựng dự kiến khoảng 42.619 tỉ đồng (chưa tính kinh phí giải phóng mặt bằng). Giai đoạn 2015-2020, dự kiến xây dựng tuyến Đà Lạt- Suối Vàng với kinh phí khoảng 8.800 tỉ đồng, các tuyến còn lại thực hiện từ năm 2020-2030. Phương tiện sử dụng cho các tuyến đường sắt đô thị Đà Lạt là monorail (một ray). Một chuyên gia của Sở GTVT Lâm Đồng cho biết: Monorail có một số tính năng như có kích thước nhỏ, rất phù hợp với điều kiện đường phố không rộng, địa hình đồi núi như Đà Lạt. Monorail sử dụng điện 750V nên không gây ô nhiễm môi trường như ô tô, có thể vượt độ dốc 6%, bán kính đường cong bằng nhỏ nhất là 40 mét, tải trọng trục 10 tấn, tốc độ tối đa đạt 60km/giờ.
Ngoài hệ thống giao thông đường bộ hiện tại, nếu các tuyến đường sắt được xây dựng sẽ góp phần khai thác tiềm năng rất lớn của thành phố du lịch Đà Lạt trong tương lai.
Bài, ảnh: Lâm Viên
Bình luận (0)