Em Nguyễn Viết Gia Khải (lớp 9/7, Trường THCS Chu Văn An, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) sáng chế thùng rác thông minh biết cách thu hút và “dặn dò” mọi người đổ rác đúng nơi quy định.
Gia Khải và sản phẩm “thùng rác thông minh” - Ảnh: An Quân
|
Trong một lần lên mạng, Khải tình cờ đọc được bài báo Văn hóa thùng rác, nét đẹp bị bỏ quên ở Sài Gòn, viết về một số nơi thuộc TP.HCM sử dụng hai thùng rác vô cơ và hữu cơ. Tuy nhiên sau hai năm sử dụng, một số người không cần phân biệt đâu là rác vô cơ, đâu là rác hữu cơ, cứ tiện bên nào là bỏ bên ấy. Khải ấp ủ sẽ chế tạo ra một chiếc thùng rác “biết nói” để nhắc nhở mọi người ý thức hơn khi phân loại rác. Vừa đúng lúc nhà trường phát động Hội thi khoa học kĩ thuật cấp thành phố, Khải mang ý tưởng trên trình bày với các thầy cô giáo và được ủng hộ rất nhiệt tình.
Để có được sản phẩm “thùng rác thông minh”, Khải đã hì hục thiết kế kiểu dáng thùng rác với màu sắc bắt mắt, rồi tìm tòi các thiết bị điện lắp vào để đáp ứng chức năng âm thanh, ánh sáng, “mắt” nhận diện. Sau khi khắc phục nhiều lỗi sự cố chập điện, cháy nổ cũng như tai nạn nghề nghiệp, cuối cùng cũng gặt hái thành công.
Theo Khải, bất cứ ai đi ngang “mắt” cũng nhận diện, kích hoạt hệ thống âm thanh, ánh sáng làm thùng rác nháy đèn và “nói” liên hồi… sản phẩm với bộ cảm ứng quang nhiệt, nhận diện mặt người ở cự li gần và thân nhiệt từ 36 độ trở lên. Cấu tạo thùng rác gồm bộ cảm ứng quang nhiệt, đèn led, mạch điều khiển đèn led, máy Mp3, loa, biến thế (220V-V), nguồn điện 220V và công tắc. Khi cắm điện cho thùng rác khởi động, trong vòng 5 giây bộ đèn led sẽ sáng lên, làm nổi hai cột chữ rác vô cơ, rác hữu cơ. Có người tới gần, mắt cảm ứng sẽ nhận diện sau đó phát ra lời khuyên : Chào các bạn đến với thùng rác thông minh! Các bạn chú ý, thùng màu đỏ bên trái là để bỏ rác vô cơ, thùng màu xanh lá cây bên phải là để bỏ rác hữu cơ. Hãy bỏ rác đúng nơi quy định nhé, cảm ơn các bạn!. Lời khuyên trên sẽ được lặp lại ba lần trong vòng 45 giây.
Khải cho biết: “Người khiếm thính, khiếm thị cũng có thể bỏ rác đúng nơi quy định như người bình thường, bằng cách sờ dòng chữ rác vô cơ, rác hữu cơ in nổi trên thân thùng, hoặc nghe nhạc, nhìn ánh sáng phát ra”. Chi phí để hoàn thiện thùng rác chỉ khoảng một triệu đồng, rất hữu ích khi đặt ở nơi công cộng. Với sản phẩm này, Khải vừa giành giải nhất trong Hội thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố, và chuẩn bị đi thi cấp quốc gia được tổ chức ở Đồng Tháp trong tháng ba này.
Bình luận (0)