Thủy điện nhỏ của người Mơ Nâm

20/03/2015 09:22 GMT+7

Dù chưa có điện lưới quốc gia, nhưng người Mơ Nâm ở hai làng Kon Pling, Kon Piêng của xã Hiếu, H.Kon Plông (Kon Tum) đã tận dụng dòng chảy của con suối để làm thủy điện nhỏ, thắp sáng thôn làng mỗi đêm.

Dù chưa có điện lưới quốc gia, nhưng người Mơ Nâm ở hai làng Kon Pling, Kon Piêng của xã Hiếu, H.Kon Plông (Kon Tum) đã tận dụng dòng chảy của con suối để làm thủy điện nhỏ, thắp sáng thôn làng mỗi đêm.

Thủy điện của dân làng Kon Pling đặt dọc theo dòng suối - Ảnh: Phạm AnhThủy điện của dân làng Kon Pling đặt dọc theo dòng suối - Ảnh: Phạm Anh
Theo già làng Đinh Xuân Bền, xã Hiếu có 11 làng thì 9 làng có điện từ lâu, còn hai làng Kon Pling, Kon Piêng thì cứ tăm tối. Chỉ lên ngọn núi cao trước mặt, già Bền bảo: "Cái núi cao quá, nhà lại ở ven sườn đồi, đi lại đã khó chứ nói chi đến chuyện kéo điện". Cái khó bó cái khôn nên những năm trước, khi mặt trời khuất núi, 2 làng này chìm trong bóng tối, âm u, hoang vắng, trong giấc mơ ai cũng thèm ánh điện về làng.
Thế nhưng, vì quá "thèm" ánh điện, người làng rủ nhau ngăn suối làm thủy điện nhỏ. Nhà nào có đủ tiền thì tự mua tua bin máy phát điện, không đủ thì 2-3 hộ gia đình góp lại với nhau xài chung. Tiếp theo là việc chọn những đoạn suối chảy xiết để đảm bảo cho tua bin quay thường xuyên. Một sáng kiến nữa là, người Mơ Nâm đặt tua bin máy phát điện qua những chiếc thùng phuy. Sau đó, dòng nước chảy theo một cái máng bằng tôn hoặc gỗ đổ vào giữa chiếc thùng phuy làm chuyển động tua bin chiếc máy phát điện cố định bên trong. Lắp đặt “thủy điện” kiểu này đơn giản mà hiệu quả. Nếu chọn được nơi dòng chảy xiết thì tua bin quay đều hơn để phát điện liên tục, còn nơi nào dòng nước chảy ít hơn thì điện sinh ra không được đầy đủ. Theo đó, trung bình mỗi máy phát điện có công suất nhỏ nhất, đủ đáp ứng sử dụng 1 chiếc tivi và khoảng 4 bóng điện chiếu sáng.
Chủ tịch UBND xã Hiếu, ông Hoàng Thành Hải cho hay, theo thống kê tại 2 làng này, hiện tại có hơn 100 hộ dân sử dụng 20 thủy điện nhỏ như thế. Cách làm của dân làng Kon Piêng và Kon Pling làm cho rừng núi bớt âm u, con cái có điện học hành, người già xem được tivi, học hỏi thêm được nhiều điều mới trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, một băn khoăn là, khi vào mùa mưa thì suối đầy nước, thủy điện hoạt động được hàng ngày, còn mùa khô, khi những con suối cạn nước, thủy điện chơ vơ không hoạt động được.
Anh A Run, hộ dân trong thôn Kon Pling sử dụng thủy điện nhỏ cho biết: dòng nước chảy ổn định thì có điện cả ngày, nhưng khi hạn hán, dòng suối khô nước nên đèn không sáng, tivi không lên hình được. Khi đó dân làng lại quay qua dùng củi hay đèn dầu thay điện. Chủ tịch Hải trăn trở: địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên trên tìm kiếm nguồn đầu tư kéo điện về cho 2 thôn Kon Pling và Kon Piêng. Thế nhưng chi phí kéo dây và trụ điện dài hơn 10 km đường dốc núi quả thật không hề nhỏ.
Sở Công thương Kon Tum cho biết đã có nguồn vốn vay từ Ngân hàng tái thiết Đức được Tập đoàn Điện lực VN phân bổ cho các tiểu dự án để từng bước hoàn thiện lưới điện nông thôn, góp phần đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Xã Hiếu cũng như các thôn, làng chưa có điện trên địa bàn huyện Kon Plông đang trông chờ nguồn vốn này. Chủ tịch UBND H.Kon Plông, ông Nguyễn Văn Lân cho hay, hiện 2 làng này cũng đã được bố trí nguồn vốn đầu tư hệ thống điện thắp sáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.