Những lá thư gửi bác sĩ

27/02/2014 09:06 GMT+7

(TNO) Hiếm có ngành nghề nào lại được đón nhận những cảm xúc thật đặc biệt, thật sâu sắc từ những người “xa lạ” dành cho mình. Đó là những người công tác trong ngành y.

(TNO) Những cung bậc của cảm xúc trước sự tận tâm của nhân viên y tế đã được nhiều bệnh nhân và người nhà bày tỏ hết sức giản dị, chân thành trong thư gửi bác sĩ.

>> Bác sỹ trẻ đến nơi nghèo khó
>> Bữa ăn dinh dưỡng vì bệnh nhân nghèo
>> Hỗ trợ bệnh nhân
>> Đề xuất giảm quyền lợi với bệnh nhân BHYT điều trị trái tuyến

“Sau gần một tháng nằm chữa bệnh tại Khoa Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã có cảm nhận về y đức của bác sĩ, y tá, hộ lý ở đây rất tốt”, bác Hoàng Đình Hoàn, bệnh nhân giường 29, Khoa Dị ứng Bệnh viện Bạch Mai nói lên tình cảm của mình trong lá thư gửi đến Bộ Y tế hôm 26.2. Ông Hoàng Đình Hoàn tâm sự: “Tết Giáp Ngọ vừa rồi là lần đầu tiên tôi đón Xuân trong bệnh viện, sự tận tình của các y bác sĩ khiến tôi vô cùng xúc động”.

Chúng ta đã quá quen với email và @, hiếm gặp được những bức thư biết tay, nhưng các bác sĩ, điều dưỡng vẫn được đón nhận những bức thư với nét chữ mộc mạc mà chứa đầy cảm xúc. Bà Trần Thị Nguyệt ở Hà Tĩnh, trường hợp bị đa nhân tuyến giáp vào Bệnh viện Bạch Mai phẫu thuật đã bày tỏ: “Nỗi lòng của người bệnh là lo lắng, hồi hộp nhưng khi đến với Khoa Tai mũi họng tôi yên tâm nhiều lắm bởi một sự chỉ dẫn, một lời dặn dò, kiểm tra bệnh tình cẩn thận. Các bác sĩ tận tình đến tận phòng bệnh động viên vì vậy bệnh tình của các bệnh nhân thuyên giảm nhanh”. Ông Nguyễn Tiến Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hồ Tây trực thuộc Văn phòng T.Ư Đảng có người thân bị sốc nhiễm khuẩn điều trị tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã viết “lá thư văn vần”: “Tôi tận mắt chứng kiến, cảm thông và sự xúc động thực sự từ đáy lòng của cá nhân và thay lời nhiều bệnh nhân cảm tạ các thầy thuốc ở Trung tâm Chống độc. Thật tự hào và đáng quý vì ngành y của chúng ta có những tập thể “lương y như từ mẫu”, đáng biểu dương và trân trọng”.

Những lá thư gửi bác sĩ

Những lá thư gửi bác sĩ
Bệnh nhân nặng được chăm sóc tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Ngọc Thắng

Chiều 26.2, trong tâm trạng xúc động, ông Trần Văn Phan (42 tuổi) ở Hà Nội liên lạc với Báo Thanh Niên và Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ: “Tôi có bố bị bệnh nặng vào khoa Điều trị tích cực (giường số 8) của Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nguy cấp; tím tái gần như ngưng thở vì viêm phổi và nhiều bệnh tật của tuổi già. Nhờ được cứu chữa, bố đã hồi phục thật kỳ diệu. Nhưng khi qua cơn hiểm nghèo, tỉnh lại, bố tôi lại đòi ra viện vì nghĩ bệnh quá nặng, nằm viện lâu khổ con cháu. Thậm chí ông còn dứt dây truyền thuốc, dịch đòi về nhà chấp nhận tình huống xấu nhất. Nhưng thật cảm động, những bác sĩ, điều dưỡng không chỉ chữa bệnh mà còn động viên để bố tôi bình tâm trị bệnh. Những ngày ở Khoa điều trị tích cực do tiến sĩ Gia Bình là Trưởng khoa, bố tôi được chăm sóc toàn diện không chỉ là chuyên môn mà còn sự tận tình chăm lo chế độ ăn giúp người bệnh thêm phần sức lực. Các bác sĩ, điều dưỡng thật giỏi giang và thân thiện”, ông Phan cảm nhận.

Một trong những “tài sản” quý giá của cán bộ công nhân viên trong mỗi bệnh viện là “kho” thư của bệnh nhân và người nhà gửi bác sĩ, nhân viên y tế. Hàng trăm lá thư được lưu giữ cẩn thận, trân trọng. Báo Thanh Niên cũng thường nhận được các phản hồi tích cực từ bệnh nhân và người nhà đến điều trị tại các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Tim Hà Nội bày tỏ sự biết ơn, sự trân trọng các bác sĩ, điều dưỡng.

Những lá thư gửi bác sĩ
Những lá thư đầy cảm xúc gửi các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Ngọc Thắng
Những lá thư gửi bác sĩ
Các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi bị tim tại Bệnh viện Tim Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cảm nhận: “Bệnh nhân không chỉ cần hỗ trợ về chuyên môn mà cần nâng đỡ rất nhiều về tinh thần giúp vượt qua bệnh tật. Mọi người công tác tại bệnh viện đều hiểu rõ và luôn cố gắng chia sẻ với bệnh nhân và người nhà”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận Đinh La Thăng bày tỏ sự cảm phục trước các bác sĩ, điều dưỡng. “Mùng 4 Tết Giáp Ngọ tôi đến Bệnh viện Việt Đức thấy cán bộ y tế rất vất vả vì liên tục các ca cấp cứu. Liên tục hai ngày gần đây các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai đang cùng y tế địa phương khẩn trương cứu chữa nạn nhân sập cầu ở Lai Châu. Vừa từ trực thăng xuống, sau nhiều giờ di chuyển vất vả vì thời tiết bất lợi nhưng họ đã lao ngay vào cấp cứu, phẫu thuật cho nạn nhân, liên tục, quên ăn, quên ngủ. Bác sĩ điều dưỡng rất giỏi và vô cùng nhiệt tình”.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.