Với một chiếc thuyền con, trên khúc sông này, họ giăng câu thả lưới nuôi 5 người con gái. Qua bao năm, họ đã cứu không biết bao nhiêu người rơi xuống sông, cũng như đã đưa lên bờ hàng trăm thi thể...
Sống ở khúc sông oan nghiệt
Ông Ba tên thật là Nguyễn Văn Chúc, còn vợ ông là Nguyễn Thị Hinh, cả hai đều đã ngoài 50 tuổi. Họ có với nhau 5 người con gái. Theo dân gian, ai được "ngũ long công chúa" thì sẽ giàu to, nhưng với vợ chồng ông Ba, đến giờ tài sản chỉ vỏn vẹn một chiếc thuyền con vừa làm kế mưu sinh, vừa là nơi ăn ở của hai vợ chồng và một "căn nhà" hơn chục mét vuông ở quận Gò Vấp dành cho các con. "Căn nhà" này vốn là gác bếp của mẹ ông chia cho các cháu. Cha mẹ ông vốn cũng rất nghèo, quê ở tận Vĩnh Phúc, vào Nam năm 1954. Hai cụ sinh được 10 người con, cả đời cũng sống bằng nghề sông nước, bắt cá tôm bán lấy tiền nuôi con. Chắt chiu dành dụm, họ mua được một miếng đất con con ở quận Gò Vấp để cất chòi cho con cái ra vào. Sau ngày ông Ba có gia đình, căn chòi được ông bà cắt ra một phần làm nơi ở cho cháu nội.
Chúng tôi đến thăm vợ chồng ông Ba chiều 12.2.2008, ngay sau khi hay tin vợ chồng ông vừa vớt được thi thể của hai mẹ con. Chuyện vớt xác trôi sông đối với vợ chồng ông Ba đâu có gì xa lạ, nhưng hình ảnh chứng kiến hôm đó vẫn khiến ông bùi ngùi rơi nước mắt: "Cô ấy còn trẻ lắm, chỉ khoảng 30 tuổi, chết trong tư thế nằm úp. Trước ngực cô là một bé gái chừng 2-3 tuổi, đang dang tay ôm lấy mẹ. Họ kết dính với nhau bằng chính vòng tay của nhau và bằng một sợi dây quấn quanh người". Ngừng một lúc, ông Ba nói tiếp: "Đây là hình ảnh đau lòng nhất mà tôi chứng kiến trong suốt bao nhiêu năm sống ở khúc sông oan nghiệt này".
Quanh chỗ vợ chồng ông Ba cắm sào có ba cây cầu bắc ngang sông, đó là cầu Sài Gòn, Bình Triệu và Bình Lợi. Trong đó, gần nơi ông neo thuyền nhất là cầu Bình Lợi. Cầu đưa người ta sang sông, nhưng tự bao giờ lại thành nơi oan nghiệt. Tại những cây cầu này, không biết bao nhiêu người đã vĩnh biệt cuộc đời bằng cách nhảy xuống sông tự tử. Trong số đó, có nhiều người được vợ chồng ông Ba cứu sống.
Sau khi được cứu, có người cảm ơn nhưng cũng có người trách sao không để họ được chết! Ông không giải thích, bởi với ông, khi chứng kiến cảnh người ta như vậy mà không lao ra cứu thì "lòng dạ không yên". Ông không nhớ cụ thể đã cứu được bao nhiêu người. Đó là chàng trai thất tình, là cô gái trẻ buồn cha chán mẹ, là người vợ giận chồng "mèo mả", là cụ già bị con cái bỏ rơi, là người thua bạc... "Cuộc sống quả thật phức tạp và nhiều đau khổ", ông Ba đúc kết.
Làm phước cho đời
Tên tuổi vợ chồng ông Nguyễn Văn Chúc giờ không còn xa lạ gì đối với người dân hai bên cầu Bình Lợi. Bà con trìu mến gọi ông là "ông Ba Chúc chuyên nghề cứu người vớt xác". Người lạ đến tìm ông, chỉ cần hỏi ông Ba Chúc thì đến đứa con nít cũng biết "nhà" ông ở đâu. Từ trên bờ, muốn xuống chỗ ở của ông phải đi qua một cây "cầu cảng". Có bận, cơ quan chức năng yêu cầu phải dỡ bỏ chiếc "cầu cảng" để tạo sự thông thoáng cho dòng sông đồng thời giải tỏa bến neo đậu ghe thuyền này. Tuy nhiên, ngay sau khi hay chuyện, người dân địa phương đã phản ứng, họ bảo: "Nếu không cho ông Ba ở đây thì cơ quan chức năng phải cử người xuống trực để cứu người, vớt xác". Nghe vậy, lời yêu cầu kia được rút lại.
Cách đây mấy năm, dòng sông Sài Gòn bắt đầu bị ô nhiễm nặng, đến nỗi cá sông cũng chẳng còn mấy con. Nghề giăng lưới, thả câu của vợ chồng ông Chúc theo đó cũng đi vào ngõ cụt, có hôm vợ chồng ông chẳng bắt được con cá nào, hoặc chỉ bắt được những con cá phóng sinh trôi lờ đờ trên mặt nước. Đứng trước hoàn cảnh ngặt nghèo, bà Ba bàn với chồng: "Hay là mình lên bờ đi bán vé số!". "Bán vé số thì cũng hay, nhưng vốn liếng đâu ra. Vả lại mình đi rồi thì lấy ai vớt xác?" - ông Ba suy nghĩ, rồi khẳng định: "Cứu người, vớt xác trôi sông đối với mình hình như đã trở thành cái nghiệp". Ông bảo: "Người ta vớt xác rất khó khăn, nhưng tôi thì quá dễ".
Trước khi đưa xác ai đó vào bờ, ông Ba thầm khấn: "Ông bà, anh chị nằm trên sông như thế này lạnh lẽo lắm, vậy xin cho tôi được đưa lên bờ cho ấm thân. Nếu trong khi cột vớt tôi có lỡ tay làm đau thân xác thì xin đừng trách quở". Bà Ba bảo, có những cái xác đã nhiều ngày trương thối, ai cũng bịt mũi tránh xa, nhưng với ông Ba thì chẳng hề gì. |
Trong lúc vợ chồng ông Ba đang loay hoay, chưa biết tính toán làm sao để giải quyết cuộc sống thì may mắn chợt đến. Vợ chồng ông được bên cơ quan quản lý đường sông thuê canh giữ, bảo quản những chiếc phao phân luồng trên sông với mức lương đủ để hai ông bà thôi nghề bắt cá. Từ đây, cuộc sống của ông bà Ba bước sang trang mới, ngày 2 -3 chuyến chạy ghe từ cầu Bình Lợi đến cầu Bình Triệu để kiểm tra sự ổn định của những chiếc phao, nếu hư nhẹ thì sửa, sửa không được thì báo, nếu phao bị rác quấn thì phải lặn xuống gỡ ra. Vợ chồng ông tiếp tục chọn chân cầu Bình Lợi làm nơi "bến đậu" cuộc đời. Chính công việc đó, nơi ở đó đã tạo điều kiện để vợ chồng ông có thêm cơ hội vớt xác, cứu người. Cùng làm phước với vợ chồng ông Ba còn có anh Ngọc Ái, người thường neo ghe gần đó. Cuộc sống của họ tuy nghèo tiền nhưng thật giàu lòng nhân ái.
Sống ở đoạn sông này, vào bất cứ giờ giấc nào, hễ nghe có tiếng kêu là vợ chồng ông cho ghe lao đến. Có hôm, vào khoảng nửa đêm và trời đang mưa rả rích, vợ chồng ông Ba đang ngủ thì bỗng nghe tiếng kêu xa xa vọng lại. Ông Ba bật dậy, nổ máy cho ghe chạy về hướng có tiếng kêu. Tuy nhiên, do lục bình dày đặc nên chẳng thấy người đâu. Ông Ba lớn tiếng kêu vang: "Ai đó tung nước lên để tôi còn biết chỗ". Từ trong đám lục bình, một bàn tay yếu ớt vung lên. Đó là một thanh niên, vì đi nhậu về say, khi ngang qua cầu Bình Lợi đã sẩy chân lọt xuống sông. Sau khi được cứu sống, anh này thề bỏ rượu.
Có bận, một đám học sinh đi học về ngang qua cầu Bình Lợi. Trong đó, một cậu trai vì muốn ra oai với mấy cô gái nên để nguyên quần áo học sinh, nhảy từ cầu Bình Lợi xuống giữa sông rồi bơi vào bờ. Tuy nhiên, chỉ bơi được một đoạn thì cậu ta bị chuột rút nên đơ người rồi chìm dần. May thay lúc đó ông Ba đang ở gần, cấp tốc ra vớt cậu trai lên ghe. Đám bạn đi cùng ai cũng nghĩ bạn mình đã chết nên mặt mày tái xanh. Tuy nhiên, sau khi hô hấp, thoa dầu... thì cậu học sinh dần dần tỉnh lại.
Có trường hợp như anh Trần Đình Đức, quê ở Nghệ An, sau khi được cứu sống đã nhận vợ chồng ông Ba làm cha mẹ nuôi, coi đó là người đã sinh ra mình lần thứ hai. Hôm đó, anh Đức cùng nhóm thợ 4 người đang sửa cầu Bình Lợi thì bị sập dàn đỡ. Trong số 5 người bị rơi xuống sông chỉ có 3 người bám víu bơi được vào bờ, còn Đức và một công nhân khác bị nước cuốn đi. Phát hiện sự cố, từ trong bến đậu, ông Ba cho thuyền lao nhanh ra giữa dòng nước xoáy, ông quăng cánh tay thật mạnh, giật ngược Đức lên rồi lôi vào bờ. Trong khi đó, bạn Đức do nước cuốn nhanh, không cứu kịp nên đã chết, qua ngày sau mới tìm thấy xác. Sau khi "sống lại", Đức đã bỏ nghề về quê sinh sống. Trong thư gửi ông bà Ba, Đức tha thiết được một lần đón bố mẹ nuôi ra chơi.
oOo
Những nhân vật trong loạt bài này đơn giản là những người tử tế. Với họ, làm điều tốt không bao giờ kèm theo tính toán thiệt hơn. Giúp một người - dù đang sống hay đã chết - luôn là việc làm ý nghĩa nhất. Tiền bạc, vật chất, lợi danh rồi cũng mất mà theo họ, "chỉ có tình thương mới ở lại với đời".
Lê Anh Đủ
Bình luận (0)