Những thú vị cách đặt tên đường Sài Gòn trước năm 1975

26/10/2016 09:05 GMT+7

Trước 1975, tên đường ở Sài Gòn được đặt theo cụm như tên thi sĩ ở quận 3, cụm tên danh nhân thời Trần ở khu Tân Định, cụm tên nhà cách mạng ở quận 1,… giúp người dân dễ nhớ.

Sau hai bài viết về tên đường ở Sài Gòn nhận được sự quan tâm của bạn đọc, Thanh Niên tiếp tục trao đổi với PGS.TS địa danh học Lê Trung Hoa, Ủy viên Hội đồng đặt tên đường TP.HCM để tìm hiểu về cách đặt tên đường ở Sài Gòn trước năm 1975.
VIDEO: Người Sài Gòn nói gì về những con đường bị sai tên - Thực hiện: Mẫn Nghi - Khôi Nguyên
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi chỉ đề cập đến những tên đường ở Sài Gòn từ năm 1954 khi ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng chế độ quốc gia Việt Nam đến năm 1975.
Bầu chọn
Theo bạn, có nên đặt lại các tên đường đang bị gọi sai ở Sài Gòn?
Thú vị đường quanh Dinh Độc Lập
Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, Ngô Đình Diệm giữ chức vụ Thủ tướng sau đó làm Tổng thống VNCH và sống tại Dinh Độc Lập (nay có tên là Hội trường Thống Nhất thuộc Cục Hành chính Quản trị II, Văn phòng Chính phủ).
Sau một thời gian, ông thành lập Ủy ban đổi tên đường đô thành Sài Gòn để đổi những tên đường do Pháp đặt sang tên tiếng Việt. Do đó, những con đường xung quanh Dinh Độc Lập cũng được ủy ban này đặt lại bằng những tên gọi mới.
Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, cụ thể, con đường trước cổng Dinh Độc Lập chạy thẳng đến Sở thú (nay là Thảo Cầm viên) đặt tên là Đại lộ Thống Nhất. Đến khi Tổng bí thư Lê Duẩn mất, UBND TP.HCM đổi tên Đại lộ Thống Nhất thành đường Lê Duẩn. Con đường này dài chỉ khoảng 2 km, ngay vị trí trung tâm nhưng hiếm khi bị kẹt xe.
Con đường bên trái Dinh đi qua Công viên Tao Đàn được đặt tên là đường Hồng Thập Tự ngụ ý cứu giúp những người gặp hoạn nạn. Hiện nay con đường này có tên mới là đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Tương tự, con đường bên phải Dinh có tên Nguyễn Du - một đại thi hào của dân tộc, nhà văn hóa yêu nước. Theo PGS.TS Lê Trung Hoa con đường này được đặt tên đại thi hào có ý nghĩa cánh tay phải của ông Diệm là những người chuộng văn hóa Việt.
Đại lộ Thống Nhất nay được đổi tên là Lê Duẩn Ảnh: V.P
Chạy ngang trước Dinh Độc Lập là con đường mang tên Công Lý bởi vì con đường này đi ngang tòa án nhân dân thành phố. Sau năm 1975, đường Công Lý được đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
 Còn đường phía sau Dinh được đặt tên là Huyền Trân Công Chúa. Một số tài liệu cho rằng đặt tên như vậy ý muốn nói sau lưng của Ngô Đình Diệm luôn có một người đàn bà. Tuy nhiên, nhiều tài liệu khác lại viết rằng đặt tên là Huyền Trân Công Chúa vì người này có công mở rộng đất nước.
Đường Công Lý nay được đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa Ảnh: V.P
Bên cạnh đó, dọc theo Đại lộ Thống Nhất có hai con đường nhỏ mang tên Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes. Trong đó, Hàn Thuyên là người sáng tạo ra chữ Nôm (được người Việt dùng trong gần 10 thế kỷ) để thay cho chữ Hán. Còn Alexandre de Rhodes là người góp phần hình thành chữ Quốc ngữ mà hiện nay chúng ta đang sử dụng bằng công trình Tự điển Việt - Bồ - La (1651) và hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh.
Cụm tên đường thi sĩ, nhà cách mạng
Ngoài cụm tên đường thú vị quanh Dinh Độc Lập thì tên đường ở Sài Gòn trước năm 1975 cũng còn những cụm khác như cụm tên đường thi sĩ ở quận 3, cụm nhà cách mạng của Việt Nam Quốc dân Đảng ở quận 1, cụm danh nhân đời Trần ở khu Tân Định,…
Tên đường theo cụm thi sĩ tại quận 3 Ảnh chụp màn hình Google maps
Tên đường theo cụm thi sĩ tại quận 3 như: Lê Quý Đôn (nhà thơ thế kỷ 18), Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19), Nguyễn Đình Chiểu (nhà thơ lớn của miền Nam Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19), Lê Ngô Cát (nổi tiếng với tài viết sử bằng thơ, thế kỷ 19), Tú Xương (tên thật Trần Tế Xương, thế kỷ 19), Bà Huyện Thanh Quan (sống ở thế kỷ 19),… 
Tên đường theo cụm những nhân vật tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng tại quận 1 Ảnh chụp màn hình Google maps
Tên đường theo cụm những nhân vật tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) tại quận 1 như: Nguyễn Thái Học (sáng lập VNQDĐ), Cô Giang (tên thật Nguyễn Thị Giang, vợ của Nguyễn Thái Học, Cô Bắc (tên thật là Nguyễn Thị Bắc, em gái Cô Giang) nên đường Cô Bắc nằm song song với đường Cô Giang và hai đường này giao nhau với đường Nguyễn Thái Học. Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Ký Con (tên thật là Đoàn Trần Nghiệp),… là những người tham gia tổ chức VNQDĐ nên các tên đường này nằm song song với nhau.
Khu Tân Định được đặt tên theo danh tướng thời Trần Ảnh chụp màn hình Google maps
Khu Tân Định là cụm tên đường liên quan tới danh tướng thời Trần mà ngày nay vẫn giữ nguyên như: Trần Quang Khải (tể tướng đời Trần Thánh Tông) nên con đường này dài nhất khu Tân Định. Cắt dọc Trần Quang Khải có một số đường như: Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khắc Chân,…
Hiện nay, những cụm trên vẫn được Hội đồng đặt tên đường thành phố vẫn giữ nguyên. Bên cạnh đó một số cụm tên đường mới được hình thành như: cụm đường gắn với tên của các loài hoa ở phường 7, quận Phú Nhuận như: Hoa Lan, Hoa Sứ, Hoa Huệ, Hoa Cúc, Hoa Hồng,…
Cụm đường gắn với tên của những con sông ở khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình như: Tiền Giang, Cửu Long, Đồng Nai, Trà Khúc, Sông Nhuệ, Sông Thao, Sông Đà, Hồng Hà,…giao cắt với những con đường mang tên của những ngọn núi như: Lam Sơn,Yên Thế, Đống Đa, Tản Viên…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.