Những Việt kiều lặng thầm xây hơn 200 cây cầu mang tên VK

09/11/2016 20:02 GMT+7

“Hàng trăm cây cầu mọc lên khắp nơi nơi/Mà đôi chân anh vẫn chưa hề ngơi nghỉ/Giữa vườn nhỏ cành mai xanh lộc biếc/Yêu quê nghèo - anh dâng trọn mùa xuân”.

Lần đầu tiên được nghe những lời ca cổ đong đầy tình cảm đó trên chuyến xe từ TP.HCM về Long An khánh thành cây cầu nối liền 2 xã Phước Tuy và Tân Ân (H.Cần Đước) vào ngày 6.11 vừa qua.
Điều thú vị là tác giả của bài ca cổ đó, cô Bạch Yến, và nhân vật “anh” trong lời ca, ông Nguyễn Văn Công đều có mặt trên chuyến xe này, cùng với gần 40 kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới trở về quê hương chung sức làm thiện nguyện, đặc biệt là xây những cây cầu ở nhiều vùng quê nghèo trên khắp mọi miền đất nước suốt nhiều năm qua.
Phá thế vùng sâu, vùng xa
Cầu nối liền 2 xã Phước Tuy và Tân Ân được đặt tên là VK221. “VK” là viết tắt của nhóm Việt kiều và 221 là cây cầu thứ 221 mà nhóm này xây dựng, khánh thành đưa vào sử dụng.
Xã Phước Tuy và xã Tân Ân chia cắt nhau bởi dòng kênh 30 Tháng 4. Việc đi lại của khoảng 20.000 người dân, đặc biệt là hàng ngàn học sinh thuộc 2 xã bao đời nay hết sức khó khăn. Trước đây người dân chủ yếu qua lại bằng đò. Một cây cầu khỉ bằng thân cây dừa được bắc tạm rồi đến cây cầu nhỏ bằng bê tông được xây lên, nhưng qua năm tháng đều đã bị sập.
Cầu VK221 dài 50 m, chiều ngang 2,5 m, tải trọng 2 tấn khi được khánh thành khiến mọi người vỡ òa niềm vui. Vui vì không còn vắt vẻo đi cầu khỉ, không còn thót tim vì cây câu cũ rơi rụng lan can, nhịp cầu bị sập. Nhiều người ví đây là “câu chuyện trăm năm”, bởi một niềm vui lớn hơn là cả trăm năm qua, từ những cư dân thuở đầu đến đây cư ngụ, khai hoang làm nông nghiệp cho đến nay, lần đầu tiên ô tô con qua lại được giữa hai xã.
Trong số hàng trăm người dân đến chứng kiến niềm vui ngày quê nghèo “nối liền những nhịp cầu” có ông Ngô Văn Tiếng, Phó chủ tịch HĐND H.Cần Đước. Ông Tiếng bảo: “Những cây cầu VK thật sự đã góp phần quan trọng trong việc phá thế vùng sâu, vùng xa của huyện. Nó không chỉ thay đổi diện mạo vùng quê mà còn mở ra nhiều cơ hội cho người dân đi lên trong đời sống, công ăn việc làm, học hành cho con em”.
Ông Nguyễn Văn Công và kế hoạch xây cầu trong năm 2016
Nối kết tình quê hương
Ban sáng lập nhóm VK chỉ có 10 kiều bào khi ra mắt nhóm vào năm 2004, nhưng đến nay số thành viên đã lên đến hàng ngàn kiều bào từ nhiều nước trên thế giới, trong đó chủ yếu là Pháp, Mỹ, Nhật, Canada, Úc... Mỗi cây cầu VK là một dấu ấn của nghĩa tình mà những người con xa xứ dành tặng quê hương, nguồn cội.
Cầu VK không chỉ xuất hiện ở vùng quê sông nước miền Tây Nam bộ mà còn lưu dấu nơi một số xã miền núi ở miền Trung, miền Bắc. “Linh hồn” của những cây cầu đó, không thể không nhắc đến ông Nguyễn Văn Công, Việt kiều Pháp. Ông là người duy trì nhóm kể từ ngày sáng lập đến nay, trực tiếp đứng ra kêu gọi, đi khảo sát, thiết kế và tham gia thi công… Ông Công vốn là một kỹ sư xây dựng chuyên về nền móng, học tập ở Pháp và từng làm cho một công ty của Pháp đến lúc nghỉ hưu.
“Chuyện xây cầu thấy dễ mà sao không ai góp sức để làm cả? Chúng tôi nghĩ vậy rồi bắt tay vào làm. Ban đầu nhóm đặt mục tiêu 3 năm đầu sẽ xây 10 cây cầu, nhưng thực tế đã làm được 26 cây. Vậy là từ đó mở rộng ra với sự chung sức của rất nhiều kiều bào. Có những cây cầu hoàn thiện nhờ sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm ở trong nước nữa”, ông Công chia sẻ và nói thêm: “Chọn con đường này, nhóm VK xác tín rằng cây cầu bao giờ cũng là một hình ảnh đẹp. Về tinh thần, đó là một sự giao lưu. Về vật chất, đó là một sự giao thương. Không có những cây cầu nối kết, con người nhiều vùng quê xa xôi càng trở nên lẻ loi hơn”.
Hôm gặp ông Công tại nhà riêng của ông ở ấp 2, xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn (TP.HCM) - cũng là văn phòng của nhóm VK, “người đàn ông xây cầu” này vẫn đang tất bật với kế hoạch xây dựng, khánh thành 5 cầu VK ở Cà Mau, Cần Thơ, Trà Vinh, Bạc Liêu; nâng tổng số cầu mà nhóm VK làm được lên đến 226 cầu với tổng kinh phí vận động, đóng góp gần 30 tỉ đồng.
Đã 78 tuổi nhưng ông Công vẫn chưa có ý định dừng lại công việc ý nghĩa này. Tâm nguyện của ông là một khi sức lực không còn nữa, sẽ có nhiều người tâm huyết tiếp tục công việc xóa cầu khỉ mà ông từng gắn bó hơn 12 năm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.