Nổ mìn phá đá, phá khu đô thị ở Đà Nẵng

22/03/2016 12:22 GMT+7

Bị UBND TP.Đà Nẵng cấm nổ mìn từ tháng 7.2015 và yêu cầu chấm dứt khai thác đá từ 31.12.2015, nhưng các mỏ đá vẫn hoạt động khiến người dân KĐT Phước Lý bức xúc.

Bị UBND TP.Đà Nẵng cấm nổ mìn từ tháng 7.2015 và yêu cầu chấm dứt khai thác đá từ 31.12.2015, nhưng các mỏ đá vẫn hoạt động khiến người dân KĐT Phước Lý bức xúc.

Trạm nghiền đá ngay sau nhà dân khiến ô nhiễm kéo dài - Ảnh: Nguyễn TúTrạm nghiền đá ngay sau nhà dân khiến ô nhiễm kéo dài - Ảnh: Nguyễn Tú
Theo bà Trần Thị Ngọc Anh (ngụ tổ 16, P.Hòa An), người dân đã phản ánh các cấp chính quyền rất nhiều lần nhưng mỏ đá vẫn nổ mìn. Mỗi lần nổ là mọi người giật thót tim, căn nhà rung lên. Rất nhiều nhà trong khu vực dù mới xây vẫn bị nứt nẻ.
Ngoài ra, máy nghiền đá hoạt động đến 3 giờ sáng, khiến người dân không thể nghỉ ngơi. Ông Nguyễn Văn Duy (ngụ lô 49, khu B2.14) cho hay dù thường xuyên đóng kín cửa nhưng bụi đá vẫn bám đầy, rất độc hại. Đặc biệt, trẻ nhỏ thường xuyên ho hen. Chưa kể xe ben chở đá chạy ầm ầm rất nguy hiểm. Còn ông Nguyễn Hữu Hòa (ngụ lô 47, B2.14) nói có hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và ông đề nghị: “TP đã quy hoạch KĐT thì phải chấm dứt hoạt động của mỏ đá để đảm bảo an toàn cho dân”.
Chiều 21.3, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty CP Đá xây dựng Hòa Phát tại mỏ đá Hòa Phát. UBND thành phố giao Sở TN-MT công bố quyết định với công ty, giám sát công ty đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, không để các đơn vị khác vào hoạt động tiếp tục và giao Cục Thuế kiểm tra nghĩa vụ tài chính của đơn vị này. Đối với mỏ đá Phước Lý của Công ty TNHH Nho Chiến, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã quyết định cho dừng hoạt động, yêu cầu di dời trạm nghiền đá đi nơi khác để đảm bảo môi trường.

KĐT Phước Lý (P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ và P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) bị “tra tấn” bởi hoạt động của mỏ đá Phước Lý (thuộc Công ty TNHH Nho Chiến) và mỏ đá Hòa Phát (Công ty CP Đá xây dựng Hòa Phát). Tháng 4.2015, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ sau khi kiểm tra đã kết luận chỉ cho 2 công ty nổ mìn phá đá đến hết 30.6.2015, trong đó phải tính toán khối lượng đá phá được chỉ đủ để khai thác đến hết 31.12.2015.
Và khi hết thời hạn trên, hai công ty nói trên phải dừng mọi hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển đá, lập thủ tục đóng cửa mỏ, di dời trang thiết bị, cải tạo, phục hồi môi trường.
Sau “tối hậu thư” của UBND TP.Đà Nẵng, đến nay hạn chót đã qua hơn 2 tháng, nhưng mỏ đá vẫn nổ mìn và ngang nhiên hoạt động khiến ô nhiễm kéo dài, bất chấp lệnh cấm. Không chỉ người dân, đơn vị đầu tư KĐT Phước Lý cũng khổ sở với nạn nổ mìn phá đá. Ông Đặng Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung (chủ đầu tư) cho hay, đơn vị đã kiến nghị nhiều lần và lẽ ra các mỏ đá trên đã bị đóng cửa từ 2012 nhưng lại được liên tục gia hạn, đến nay Công ty TNHH Nho Chiến còn dựa vào 1 thửa thuê từ đất quốc phòng để hoạt động.
“Hiện nay tốc độ đô thị hóa KĐT Phước Lý rất nhanh, người dân vào ở ngày càng đông nên cần đóng cửa mỏ đá sớm vì cộng đồng dân cư”, ông Bình nói.
Trong khi đó, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cho biết sau hạn chót 31.12.2015, Công ty CP Đá xây dựng Hòa Phát xin gia hạn giấy phép khai khác cũng như thời hạn nổ mìn và được đồng ý gia hạn thêm 20 ngày. Tiếp đó, đến lượt Công ty TNHH Nho Chiến cũng có tờ trình xin lập thủ tục thăm dò khai thác đá tại phía tây nam mỏ hiện tại trên diện tích 2 ha và di dời trạm nghiền đá đến vị trí trên. Cả hai công ty đều vin lý do giải quyết việc làm cho công nhân, xin gia hạn để thu hồi vốn.
Ngày 26.2, Sở TN-MT đã chủ trì các đơn vị liên quan kiểm tra thực địa, các doanh nghiệp giải thích trạm nghiền còn hoạt động là đang xử lý số đá còn lại và dọn dẹp hiện trường. Sở TN-MT cho hay đã ghi nhận đề xuất của Công ty TNHH Nho Chiến xin mở mỏ đá mới cách đó 1,5-2 km và đang trình UBND TP.Đà Nẵng xem xét phê duyệt. UBND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu Sở TN-MT sẵn sàng các thủ tục phục hồi môi trường, cho doanh nghiệp ký quỹ… ngay từ tháng 4.2015 để khi đến hạn chót 31.12.2015 thì tiến hành chấm dứt ngay hoạt động mỏ đá.
Thế nhưng, thủ tục kéo dài đã vô tình giúp cho các doanh nghiệp có thêm thời gian tận thu khoáng sản, còn người dân thì vẫn phải chịu khổ sở vì mỏ đá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.