Nơi độc nhất ở Sài Gòn 'phù thủy' 20 năm biến những con rối khóc cười

28/12/2016 09:41 GMT+7

Hơn 20 năm qua, ông Oánh vẫn miệt mài với những tác phẩm điêu khắc con rối nước cung cấp cho các đoàn biểu diễn nghệ thuật. Cái nghề được xem là hiếm hoi ở Sài Gòn, ít ai còn làm.

Tận dụng mảnh sân trống khoảng chừng 20m2 trước dãy trọ gia đình đang sinh sống, ông Phùng Quang Oánh (46 tuổi, ngụ hẻm 502, Huỳnh Tấn Phát, P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM) dựng lều và mở xưởng mộc điêu khắc con rối nhiều năm nay.
Với ông, đây là nghề từ thuở vừa bước vào đời, tuy không mang lại vinh hoa, nhưng ẩn chứa trong đó niềm đam mê mãnh liệt.
VIDEO: Người đàn ông 20 năm làm con rối nước - Thực hiện: An Huy
Lập nghiệp bằng con rối nước
Những con rối qua bàn tay điêu khắc khéo léo của ông Oánh đều mang một cái hồn, thể hiện tính cách con người, văn hóa của từng vùng miền. Sản phẩm của ông được hầu hết các trung tâm ca múa nhạc kịch rối nước trên khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc ưa chuộng và sử dụng.
Ông Phùng Quang Oánh xuất thân trong một gia đình thuần nông (quê Hà Tây), từ nhỏ ông đã được tiếp xúc nhiều hoạt động múa rối nước dân gian ở quê nhà, nhất là mỗi dịp làng tổ chức lễ hội.
Những con rối có hình thù ngộ nghĩnh, được các nghệ nhân biểu diễn thướt tha dưới ao nước đầu đình vui nhộn đã thu hút trái tim của chàng trai trẻ khi đó. Sau khi hoàn thành cấp học phổ thông, ông thi tuyển và đậu vào trường Cao đẳng Nhạc Họa Hà Nội với chuyên ngành điêu khắc.
Trong thời gian theo học ở trường, ông không ngừng tìm tòi nghiên cứu và cùng với hai người bạn lặn lội tới các vùng chuyên sản xuất con rối như Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội), Thanh Hà (Hải Dương) để tìm hiểu.
Tùy theo kích thước, con rối có giá dao động từ vài trăm đến hơn một triệu đồng Ảnh: An Huy
Ông Oánh nhận thấy đây là loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam lâu đời nhưng còn hạn chế để phát triển, đồng thời các làng nghề sản xuất con rối hiện chủ yếu là các nghệ nhân có tuổi đã cao, lớp trẻ ít ai theo. Từ đó, ông Oánh cùng hai người bạn đã quyết tâm theo đuổi.
Trong quá trình học, ông cùng các bạn học đã tìm tòi và tạo ra những con rối có phong cách mới mẻ, khi biểu diễn
"Tùy theo vở diễn mà sẽ số lượng nhân vật rối khác nhau. Thông thường, mỗi vở thường chia ra làm nhiều trò, mỗi trò biểu diễn từ 5 – 10 con. Tùy theo hình dáng và kích thước mà con rối có số tiền dao động từ 800.000 – 1.300.000 đồng/con. Một con chịu được hơn 200 suất diễn", ông Oánh cho biết.
có thể toát lên phong tục văn hóa vùng miền và các nhân vật lịch sử mà nghệ nhân đi trước còn hạn chế. Những tác phẩm đầu tay được một số trung tâm biểu diễn nghệ thuật khi đó sử dụng và đánh giá cao.
Sau khi ra trường năm 1996, ông về lại quê nhà và mở xưởng sản xuất con rối. Do đã có mối từ trước nên thời gian này cơ sở ông liên tục nhận được các đơn đặt hàng. Có lúc cao điểm phải mướn thợ làm thêm và truyền nghề cho hai em trai của mình.
Ông Oánh cho biết, muốn đạt chuẩn biểu diễn, con rối phải có nét đặc trưng như trang phục và hình dáng gắn liền với chủ đề. Chẳng hạn ở miền Bắc, các vở rối nước thường phỏng theo truyền thuyết các nhân vật lịch sử, thế nên hình dáng và trang phục con rối phải toát lên được khí phách hùng tráng của nhân vật.
Trong những năm 2000, con rối sản xuất từ cơ sở của ông được nhiều trung tâm ca múa nhạc nước đặt hàng và lưu diễn khắp các tỉnh thành Bắc bộ và nước ngoài. Ở miền Bắc, cứ mỗi khi đến lễ hội đình làng, mọi người đều mướn một đoàn rối nước về biểu diễn phục vụ người dân thưởng thức.
Đưa con rối đi tìm vùng đất mới
Đến năm 2007, loại hình múa rối nước ở các tỉnh phía Nam thịnh hành, nhiều người thích thú. Đặc biệt, một số trung tâm ca múa nhạc Sài Gòn liên tục mở suất diễn, nhưng con rối hầu như được vận chuyển từ ngoài Bắc vào với giá rất cao, trong miền Nam chưa có cơ sở sản xuất. Muốn tìm đến vùng đất mới để quảng bá, ông Oánh và gia đình đã vào Nam sinh sống và tiếp tục phát huy nghề điêu khắc từ quê hương.
Kể về những ngày đầu chế tác con rối phục vụ các trung tâm ca múa nhạc Sài Gòn, ông Oánh cho biết, do chưa có mối nên ông phải rong ruổi trên mọi nẻo đường cùng với con rối mẫu, tìm đến các trung tâm nhạc kịch giới thiệu. Sau đó, ông Oánh được các mối tin tưởng giao làm, dần dần tạo được uy tín và sản phẩm của ông được nhiều người biết đến.
Những con rối nước đủ màu sắc trước khi được giao cho khách hàng Ảnh: An Huy
“Hiện các đoàn múa rồi nước ở Sài Gòn đều do cơ sở tôi làm hết. Trong đó, có một số đoàn điển hình như Rồng Vàng, múa rối nước Sài gòn, nhà hát nghệ thuật Phương Nam…”, ông Oánh chia sẻ
Theo ông Oánh, tùy theo vở diễn mà sẽ số lượng nhân vật rối khác nhau. Thông thường, mỗi vở thường chia ra làm nhiều trò, mỗi trò biểu diễn từ 5 – 10 con. Tùy theo hình dáng và kích thước mà con rối có số tiền dao động từ 800.000 – 1.300.000 đồng/con. Một con chịu được hơn 200 suất diễn.
Chẳng hạn, nếu sản xuất một vở rối nước thiên về nông nghiệp thì có khoảng hơn 20 nhân vật, tính ra người làm được 30 triệu đồng. Còn vở diễn lịch sử lớn hơn, chia làm 14 trò, mỗi trò hơn 10 nhân vật thì tổng thu nhập được hơn 130 triệu đồng.

tin liên quan

Nơi độc nhất ở Sài Gòn 3 anh em sửa xe miễn phí ngày ngập nước
Trong một ngày ngập nước đầu tháng 10, lo sợ người dân Sài Gòn sửa xe bị chặt chém, bỗng đâu xuất hiện 3 anh em tốt bụng hì hục sửa từng chiếc xe bị chết máy cho người đi qua đường mà không lấy một đồng thù lao. Câu chuyện cảm động này đã vào đề thi môn Văn.
“Cái nghề này thuộc về đam mê, tôi muốn giữ lại để bảo tồn. Nếu nói sống riêng về nghề làm con rối thì kinh tế chỉ đủ nuôi sống gia đình. Ngoài công việc này, tôi còn nhận làm thêm một số loại hình khác như làm tượng ông địa, tượng phật; nhận trùng tu các công trình kiến trúc cổ như chùa chiền, đền thờ …”, ông Oánh nói.
Ông Oánh và con trai đang sơn mài những con rối sau giai đoạn tạo hình Ảnh: An Huy
Để làm ra một con rối, chất liệu đầu tiên được chọn phải là gỗ cây sung. Người thợ bắt đầu công việc tạo hình phác họa nhân vật bằng cách đục đẽo sao cho phù hợp, các chi tiết con rối rõ nét, hài hòa mà đảm bảo được thẩm mĩ, có tính hài hước. Sau đó phải kể đến giai đoạn sơn mài, chất liệu sơn phải chống thấm nước và bôi thêm một lớp bạc ngoài cùng, tạo được độ phản quang khi ánh đèn sân khấu chiếu vào làm nổi bật.
Giai đoạn cuối cùng là ráp máy các bộ phận lại với nhau, sao cho khi đưa xuống nước, con rối có thể linh hoạt biểu diễn tất cả các động tác nhuần nhuyễn qua bàn tay điều khiển khéo léo của nghệ nhân.
Có thể nói tất cả các khâu đều có vai trò quan trọng trong việc hình thành một con rối. Thiếu một trong những yếu tố trên, con rối sẽ không được xem là hoàn chỉnh.
Để tạo ra được một nhân vật rối nước, người thợ phải làm việc mất khoảng 3 ngày. Công việc này không đòi hỏi sức lực nhiều, mà yêu cầu có tính tỉ mỉ và năng khiếu điêu khắc lẫn hội họa, cùng con mắt nghệ thuật. Khi bắt tay vào làm một vở kịch, các con rối tham gia các trò phải mang đặc trưng văn hóa nơi biểu diễn, từ trang phục đến hình dáng.
Nghề làm con rối đối với ông Oánh là niềm đam mê mãnh liệt Ảnh: An Huy
Điều quan trọng nhất là tạo ra hình thù con rối phải có tính hài hước một chút. Dù không giống hoàn toàn nhân vật, nhưng khi con rối biểu diễn một vài động tác, người xem có thể nhận ra đó là nhân vật gì, mới tạo tiếng cười thu hút người xem.
Chẳng hạn, đối tác yêu cầu phục dựng lại một lễ hội nào đó ở miền Tây Nam bộ thì đòi hỏi người làm phải hiểu nét văn hóa lễ hội đó khi xưa như thế nào, trang phục và nội dung ra sao thì tạo nhân vật mới phù hợp.
“Ở các tỉnh phía Bắc và Nam bộ, loại hình múa rối nước vẫn còn được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ. Các vở diễn thường tái hiện lại các sự kiện lịch sử giúp người xem dễ hiểu truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc. Nếu mọi người còn yêu và muốn thưởng thức nghệ thuật rối nước thì tôi cũng sẽ sống mãi với nghề. Đồng thời, tôi sẵn sàng nhận học trò để giúp lưu truyền nghề mãi về sau”, ông Oánh chia sẻ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.