Phố Tây Sài Gòn sẽ 'hóa' phố đi bộ: Thuyết phục, hỗ trợ hàng rong chuyển nghề

10/03/2017 13:42 GMT+7

Những hộ dân buôn bán dưới lề đường ở các tuyến phố Tây Sài Gòn có hoàn cảnh khó khăn sẽ được UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi ngành nghề trong thời gian tới. Qua đó cũng giúp vỉa hè ở đây sạch đẹp để trở thành phố đi bộ.

Hàng rong là thu nhập chính
Trước sự quyết liệt của chính quyền UBND Q.1 để xóa bỏ nạn lấn chiếm lòng lề đường, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, P.Phạm Ngũ Lão đã ra thông báo đến người dân thuộc diện trên đến 10.3 phải ngưng hoạt động, trả lại vỉa hè và lòng lề đường các tuyến qua địa bàn khu phố Tây.
VIDEO: Chiến dịch làm thông thoáng vỉa hè khu phố Tây ở Q.1
Chiến dịch trên khiến nhiều hộ dân có truyền thống buôn bán vỉa hè mấy chục năm cảm thấy lo lắng, không biết thời gian tới họ sẽ làm công việc gì mưu sinh, khi đa số đã qua nửa đời người.
Theo bà Trần Ngọc Phượng (55 tuổi, ngụ đường Bùi Viện, P.Phạm Ngũ Lão), gia đình bà và một số người ở đây buôn bán trên đường Bùi Viện đã trên 20 năm. Giờ ai nấy cũng đã trên 50 tuổi, cuộc sống chỉ dựa vào chiếc xe bán mì xào dựng sát vỉa hè, khách đi trên đường ghé vào mua rồi đi liền. Thành thử, gia đình mấy thành viên cũng cậy vào chiếc xe bán mì này.
Nhiều du khách phải đi dưới lòng đường khi vỉa hè bị lấn chiếm ẢNH: AN HUY
“Ngày 10.3 tới, phường thông báo hàng rong ngưng hoạt động, nếu như vậy thì chúng tôi không biết làm gì để sống nữa. Giờ già rồi, chỉ cặm cụi với chiếc xe kiếm miếng ăn ngày hai bữa”, bà Phượng than thở.
Cạnh đó, ông Lưu Quế Lâm (62 tuổi) cho biết, thời gian qua thấy UBND Q.1 ra chính sách lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, cấm bán hàng rong thì ai nấy cũng đều hoang mang. Cách đây khoảng hơn 1 tuần, UBND P.Phạm Ngũ Lão có xuống và vận động bà con hạn chế lấn chiếm vỉa hè, và phải ngưng hoạt động trong vài ngày nữa.
“Mọi người buôn bán hàng rong ở đây đều là dân gốc khu phố và đều đã già. Giờ nếu phường quyết liệt dẹp vỉa hè như vậy thì cũng mong tạo điều kiện cho chúng tôi có một cái nghề nào đó phù hợp hoặc thiết lập một điểm buôn bán để mọi người chúng tôi tập trung về đó tiếp tục mưu sinh. Nếu phường cấm bán mà không có chính sách hỗ trợ gì thì chúng tôi không biết phải làm gì với những ngày sắp tới”, ông Lâm chia sẻ.

Tuy nhiên, việc xóa bỏ buôn bán dưới lòng lề đường ở khu phố Tây cũng được một số người tại địa phương cho là hợp lý. Ông Nam (58 tuổi, ngụ đường Bùi Viện) cho rằng, muốn một đô thị văn minh và sạch đẹp thì hãy nên làm thông thoáng vỉa hè để du khách đi lại an toàn.
Theo ông Nam, hầu hết khách du lịch trong và ngoài nước đến đây du lịch phải mạo hiểm đi bộ dưới lòng đường trong khi phương tiện giao thông qua lại đông nghẹt, thường xuyên xảy ra va quệt đối với du khách. Đặc biệt, du khách đi dưới lòng đường cũng tạo điều kiện cho bọn cướp giật lộng hành.
“Cách đây 2 tháng, một cặp du khách nam nữ người Nhật Bản, đứng trước một con hẻm trên đường Bùi Viện lấy điện thoại chụp hình. Bất ngờ một thanh niên đeo khẩu trang chạy xe SH trắng lao tới giật lấy điện thoại và phóng chạy, hai vị khách này quá bất ngờ và hoảng loạn la lên rồi chỉ biết khóc. Sau đó tôi và mọi người hướng dẫn hai vị khách này lên công an P.Phạm Ngũ Lão trình báo”, ông Nam bức xúc kể.
Phường sẽ hỗ trợ người dân
Theo ghi nhận của Thanh Niên, dù được P.Phạm Ngũ Lão ra thông báo nhắc nhở, nhưng nhiều người bán hàng rong trong những ngày vừa qua vẫn dựng hàng quán trên các tuyến đường khu phố tây. Hàng loạt xe máy đậu trên đường và du khách qua khu vực cũng đi bộ dưới lòng đường, mất an toàn giao thông.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1) cho biết, ngay đầu năm 2017, phường đã chủ động triển khai các công tác chấn chỉnh trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên toàn phường. trong đó, tập trung xác định các điểm còn tồn đọng, phức tạp về trật tự đô thị để có biện pháp xử lý hiệu quả, dứt điểm, phù hợp thực tế của từng khu vực.
Đặc thù khu phố Bùi Viện tập trung nhiều cơ sở hoạt động vui chơi, giải trí…nên hằng đêm du khách tập trung đến đây rất đông. UBND phường đã có những biện pháp tăng cường lực lượng nhằm đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại tuyến đường này. Cụ thể, vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, đơn vị huy động toàn bộ lực lượng trật tự đô thị tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm chiếm dụng lòng lề đường để buôn bán, trông giữ xe. Tuy nhiên, do một số lý do khách quan, trật tự đô thị vệ sinh môi trường tại khu vực trên vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Vỉa hè, lề đường khu phố Tây hiện bị lấn chiếm tràn lan ẢNH: AN HUY
Theo ông Đạt, UBND Phường tiếp tục rà soát lại các hộ dân của phường Phạm Ngũ Lão buôn bán trên vỉa hè có hoàn cảnh khó khăn, sau đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các hộ này, để vừa vận động thuyết phục chấp hành chủ trương vừa vận động chuyển đổi ngành nghề.
“Phường cũng thuyết phục được một số Mạnh Thường Quân sẵn sàng tham gia hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn như nhận vào làm tại các cơ sở của họ, hoặc hỗ trợ một phần chi phí để chuyển đổi ngành nghề. Song song đó, được sự chỉ đạo của Quận, UBND P.Phạm Ngũ Lão cũng đang hoàn thiện Đề án tuyến Phố Đi bộ Bùi Viện. Nếu Đề án được phê duyệt, UBND phường sẽ chỉnh trang tuyến phố này và ổn định trật tự vỉa hè, tái bố trí cho các hộ dân, vừa đảm bảo an toàn cho du khách đồng thời đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn”, ông Đạt cho biết.
Ngày 10.3 tới, mọi hoạt động lấn chiếm vỉa hè, lề đường ở khu phố Tây sẽ được P.Phạm Ngũ Lão dẹp bỏ ẢNH: AN HUY
Cũng theo ông Đạt, do tuyến Bùi Viện có vỉa hè rất hẹp, có nơi không có, rồi chỗ cao chỗ thấp không đồng bộ gây khó khăn cho du khách. Dự kiến tháng 5 năm 2017, phường sẽ triển khai thực hiện khởi công chỉnh trang vỉa hè tuyến Bùi Viện và Đề Thám trên địa bàn P.Phạm Ngũ Lão.
"Tôi tin rằng việc chấn chỉnh tình hình trật tự đô thị vệ sinh môi trường sẽ góp phần làm tăng thêm lượng du khách đến với TP.HCM, vì ai cũng muốn được thừa hưởng sự văn minh, ai cũng muốn được đảm bảo an toàn, an ninh…", ông Đạt cho biết.

tin liên quan

Chuyện giao thông ở phố Tây Sài Gòn: ‘Tôi thấy rất đau'
Ông Lê Hoàng Minh – Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM – thừa nhận như vậy khi làm việc với hơn 70 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn liên quan đến vấn đề giao thông đưa rước khách du lịch ở phố Tây. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.