Rừng săng lẻ Tam Đình rộng gần 100 ha, nằm bên quốc lộ 7 (nối quốc lộ 1A từ huyện Diễn Châu, Nghệ An sang nước bạn Lào), cách quốc lộ 1A khoảng 130 km, cách cửa khẩu Nậm Cắn để sang Lào 100 km.
Quốc lộ 7 chạy xuyên qua khu rừng gần 1 km, khung cảnh đẹp như tranh vẽ, trở thành điểm dừng chân thú vị cho bất cứ ai ngược xuôi trên con đường xuyên quốc gia này. Hai bên đường là vô vàn cây săng lẻ cổ thụ thẳng tắp, cao 30 - 40 m, hiên ngang chen nhau hứng nắng. Đứng dưới tán cây săng lẻ, nghe tiếng côn trùng rả rích, bất cứ ai cũng có cảm giác như đang lạc vào một khu rừng xa xôi nào đó trong những câu chuyện cổ tích huyền bí.
Mùa hè, huyện miền núi Tương Dương được ví như “chảo lửa”, nhiệt độ luôn ở mức cao nhất nhì cả nước. Thế nhưng, dưới cái nắng nóng 41 độ C, khi đi ngang qua khu rừng săng lẻ Tam Đình, ai nấy đều có cảm giác mát lạnh, rất dễ chịu. Người dân trong vùng ví khu rừng như cái máy lạnh khổng lồ và bao năm qua, luôn là chỗ tránh trú nắng những ngày oi bức.
tin liên quan
'Chúa gà' đông tảo 65 triệu được đem ngâm rượuMột trong hai con của cặp gà Đông Tảo từng được trả giá đến 120 triệu vừa được ông Lê Xuân Vết (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) ngâm rượu vì đã quá già yếu.
Chúng tôi ngược xuôi quốc lộ 7, hai bên đường trùng điệp núi non, nhưng những khu rừng nguyên sinh giờ chỉ còn lại dấu vết. Sự xâm canh làm chỗ ở và tàn phá rừng để lấy gỗ của con người đã khiến cho những khu rừng biến thành đồi trọc, thưa thớt cây cối. Ngay cả những khu rừng nằm xa khu dân cư hàng chục cây số cũng khó tránh được lưỡi cưa của lâm tặc.
Điều kỳ thú và gây ngạc nhiên cho nhiều người là khu rừng săng lẻ Tam Đình nằm sát quốc lộ nhưng vẫn không hề bị xâm hại. Hơn 20 năm nay, khu rừng do xã quản lý, lực lượng bảo vệ rất mỏng nhưng rừng vẫn bình yên.
|
“Thần giữ rừng”
Người có công giữ khu rừng săng lẻ Tam Đình và được dân địa phương ghi nhận như một “vị thần giữ rừng” là cụ Vi Chính Nghĩa, nguyên Bí thư Huyện ủy Tương Dương, nguyên Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Cụ Nghĩa đã mất năm 2015 ở tuổi 87, để lại căn nhà lá nằm dưới tán săng lẻ ở bản Quang Thịnh.
Theo người dân địa phương, năm 1964, Lâm trường Tương Dương xin Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cho khai thác rừng săng lẻ. Cụ Nghĩa lúc bấy giờ đương chức Bí thư Huyện ủy Tương Dương, thấy khu rừng đẹp, có giá trị nên lập tức đến tỉnh xin giữ lại 100 ha và được tỉnh đồng ý.
Thấy cụ Nghĩa nặng lòng với khu rừng, dân bản cùng chung tay bảo vệ rừng. Năm 1983, khu rừng này thuộc quản lý của Hạt Kiểm lâm Tương Dương. Trước sự dòm ngó của lâm tặc trong vùng, năm 1992 khi nghỉ hưu, cụ Nghĩa đề nghị hạt kiểm lâm cho cụ chọn một khoảnh đất nhỏ ở sát khu rừng săng lẻ làm nhà để bảo vệ rừng. Từ đó, cụ gắn bó với khu rừng như máu thịt.
Cụ Lương Thị Sâm, vợ cụ Nghĩa, kể chồng cụ yêu khu rừng hơn cả yêu vợ, không cho bất cứ ai xâm hại rừng cây. Hễ nghe ai báo có người mang dao vào rừng là cụ Nghĩa lập tức ra khỏi nhà, ngăn họ chặt cây. Đến năm 2008, khi mắt đã mờ, chân đã yếu, cụ Nghĩa mới giao việc canh rừng cho anh Vi Văn Tuấn, một người cùng bản, cũng nặng lòng với khu rừng.
tin liên quan
Người Ấn kiện đòi viên kim cương trên vương miện hoàng hậu AnhMột nhóm doanh nhân và người nổi tiếng của Ấn Độ đã đâm đơn kiện nữ hoàng Anh Elizabeth II để đòi viên kim cương Koh-i-Noor trị giá 100 triệu bảng.
Cụ Vi Thị Quyết (77 tuổi, bản Quang Thịnh, xã Tam Đình) rất hào hứng khi kể chuyện về rừng săng lẻ. Cụ nói, khu rừng này là báu vật của bản, của xã, ai nấy đều tự hào và không dám “đụng” đến, dù chỉ là một cành cây.
Rừng săng lẻ bây giờ không khác nhiều so với hồi xưa khi cụ còn nhỏ, ngoại trừ diện tích có giảm chút ít. Đó là do nhu cầu đất ở nên trước đây một số gia đình ở bản Quang Thịnh đã lấn rừng, chặt cây làm nhà.
Sau đó, cụ Nghĩa đứng ra cùng người dân bảo vệ rừng. “Chừng năm 1995, bản ra hương ước bảo vệ rừng săng lẻ, ai xâm hại rừng bị coi là có tội và sẽ bị xử phạt nặng. Từ đó, khu rừng báu vật này luôn bình yên”, cụ Quyết nhớ lại.
Theo ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Tương Dương, săng lẻ thuộc họ bằng lăng, gỗ nhóm 5. Gỗ săng lẻ thường dùng để đóng thuyền hoặc làm nhà. Săng lẻ phân bố rộng ở huyện Tương Dương và nhiều vùng khác của Nghệ An, nhưng đến nay đã bị khai thác gần hết, chỉ còn ở khu rừng Tam Đình. Săng lẻ phát triển chậm, những thân cây ở đây cho thấy khu rừng đã tồn tại hàng trăm năm nay.
Năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đưa khu rừng săng lẻ Tam Đình vào diện được bảo vệ nghiêm ngặt. Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, rừng săng lẻ này “mang nguyên vẹn một khu hệ sinh thái đặc trưng mưa ẩm nhiệt đới của miền tây Nghệ An còn sót lại với một nguồn gien quý trước nguy cơ cạn kiệt”. |
Bình luận (0)