Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất ngập sau mưa to: Sao bắt ông Trời mưa nhỏ?

29/08/2016 09:32 GMT+7

Trận mưa chiều 26.8 đã nhận chìm Sài Gòn, hệ thống giao thông tê liệt ở nhiều nơi, cả sân bay Tân Sơn Nhất, cả đường sắt quốc gia, người nghèo đội mưa cũng khổ mà người giàu tầng cao cũng 'khóc'.

Xem báo mạng, không thấy nhiều comment như mọi khi, có lẽ hể trời mưa là ngập nên người Thành phố đã xem là chuyện bình thường, nói này nói nọ uổng công dễ mất lòng, kiểu ông bà ưa nói như nước đổ lá môn. Mà đổ lá môn thì nước cũng có chỗ đi về, còn chảy vào cống thì bí tứ bề.
Có vẻ về mặt chuyên môn, công tác chống ngập của Thành phố kéo dài 2 thập kỷ không ổn về lý luận, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy hoạch, giải pháp. Thật ra chỉ cần sai lầm về quy hoạch do kiến thức năng lực chuyên môn chưa tới, thêm vào thói xấu sợ trách nhiệm, bài toán chống ngập sẽ bất tận bất lực, ngập hết đô thị cả nước chứ không chỉ riêng tại TP.HCM.
Chưa nói đến triều cường, chưa nói gì về diễn biến khí hậu toàn cầu, hệ thống thoát nước mưa TP đã có vấn đề, chu kỳ trận mưa chiều 26.8 chắc cũng chỉ quanh quẩn từ 5 đến 10 năm, chỉ cần mưa trên diện rộng trong thời gian dài, TP đã gần giống một cái ao.
Hiểu sao khi Trung tâm chống ngập và một số chuyên gia “đầu đàn” cho rằng hệ thống cống TP chỉ chịu được các trận mưa dưới 100mm, còn trận mưa trên 100mm như trận mưa chiều 26.8 thì… tự cứu. Làm sao bắt ông Trời chỉ mưa dưới 100mm, vì vậy mới có môn học Thủy văn và chuyên ngành Thoát nước đô thị. Hệ thống thoát nước đô thị thế giới bao giờ cũng bao gồm hệ thống thu, hệ thống dẩn, hệ thống trữ và hệ thống điều hòa.
Bên trong sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập sau cơn mưa chiều 26.8.2016 Ảnh: CTV
Nước mưa chảy từ khu dân cư, khu thương mại, khu công cộng… ra những trục nhánh, trục nhánh ra những trục chính, trục chính đổ ra các khu vực điều hòa trữ nước và cuối cùng là ra sông rạch biển hồ. Như vậy, tùy quy mô tính chất đô thị, chức năng công trình trong hệ thống và phân tích hiệu quả kinh tế xã hội hệ thống mà có nhiều chu kỳ thiết kế mưa.
Thường khu dân cư 5 năm, trục đường phố 10 năm, trục chính đô thị 25 năm, công trình công cộng, đầu mối giao thông, kênh rạch hồ điều hòa… 50 đến 100 năm.
Ngoài ra, hệ thống thoát nước phải được kiểm tra trận mưa trên 100 năm, nếu không đảm bảo phải thiết kế hệ thống sự cố như đường hầm, giếng, trạm bơm…. Hệ thống thoát nước mưa TP.HCM, chỉ quanh quẩn cống thoát với chu kỳ mưa thiết kế 5 năm, lại không được nối kết thành một hệ thống thoát nước thứ bậc hoàn chỉnh, đây chính là điều cơ bản dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất cũng ngập, đường sắt thống nhất cũng ngập, đường Phan Xích Long mới làm sát nách kênh Nhiêu Lội – Thị Nghè vẫn ngập….
Nếu tính đến ảnh hưởng thay đổi khí hậu toàn cầu, chu kỳ mưa thiết kế còn phải tăng thêm một cấp, ví dụ 5 năm lên 10 năm, và cường độ mưa tính toán cũng phải tăng thêm khoảng 20%, thì không biết tình trạng ngập TP chục năm tới như thế nào.
Về khách quan, cũng có phần lỗ hổng từ quy chuẩn tiêu chuẩn thoát nước đô thị quá lạc hậu. TCVN 7957-2008 chỉ sử dụng được cho các đô thị bé cở vài trăm nghìn dân, không ảnh hưởng triều, địa hình không thấp trũng.
Đường phố Sài Gòn thành sông sau mưa to Ảnh: Phạm Hữu
Riêng về sân bay Tân Sơn Nhất, hiện tượng ngập nước chiều 27.8 vừa qua là một dấu hiệu đáng báo động, vì mức độ ngập sẽ còn tăng. Hệ thống thoát nước sân bay bao giờ cũng là một phần quan trọng trong quy hoạch sân bay. Các hạng mục xây dựng, cấu kiện thiết bị thoát nước đều được thiết kế chu kỳ mưa trên 100 năm, chưa kể các hệ thống phòng ngừa sự cố rủi ro.
Tuy vậy, với sân bay TSN, dù hệ thống thoát nước trong sân bay tốt, nhưng các chỗ chứa và đường dẫn nước ra bị bít thì cũng như không. Một thời gian dài, tình trạng nhà dân cơ quan xung quanh sân bay lấn chiếm kênh thoát nước, nay hậu quả quá lớn.
Công tác giải tỏa nhà dân cơ quan lấn chiếm, để trả lại các tuyến kênh tuyến cống đảm bảo thoát nước sân bay TSN không thể làm trong một ngày một bữa. Có thể trước mắt nghiên cứu thêm một giải pháp khả thi hơn, đó là xây dựng hồ điều tiết giải quyết sự cố (kết hợp hồ sinh thái) trong khu vực sân golf nằm trong sân bay.
Mưa là ngập, hết mưa là hết ngập, nhưng luôn để lại thiệt hại kinh tế xã hội và bất an bất bình của người dân. Đến lúc nên xem tầm quan trọng chống ngập đô thị không thua gì thiên tai bão lũ, Bộ Xây dựng nên có quy chuẩn về thoát nước đô thị, cũng như bổ sung TCVN 9757.
Riêng TP.HCM, việc cần làm ngay là phải lập lại quy hoạch thoát nước và giảm ngập bền vững, thay cho hai quy hoạch của JICA và Bộ NNPTNT.
Nước đã quá trôn mà vẫn chưa... chịu nhảy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.