Tại sao ‘phê’ khi uống cà phê?

11/08/2015 14:20 GMT+7

(TNO) Một số người uống đến 6 tách cà phê mỗi ngày vẫn bình thường, nhưng lại có một số người chỉ cần uống 1 tách nhỏ đã cảm thấy bồn chồn, nôn nao và mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Tại sao vậy?

(TNO) Một số người uống đến 6 tách cà phê mỗi ngày vẫn bình thường, nhưng lại có một số người chỉ cần uống 1 tách nhỏ đã cảm thấy bồn chồn, nôn nao và mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Tại sao vậy? 
Cà phê có thể nhạy cảm với người này, nhưng người khác thì không - Ảnh: Shutterstock

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, trung bình người Mỹ tiêu thụ 300 mg caffeine mỗi ngày, và theo Trung tâm Mayo Clinic, mức an toàn cho người lớn tiêu thụ caffeine là 400 mg hằng ngày - tương đương với 4 tách cà phê. Nghiên cứu cho thấy uống cà phê vừa phải có thể giúp tránh khỏi bệnh gan, cung cấp một lượng lớn chất chống oxy hóa và thậm chí bảo vệ não chống lại bệnh Parkinson.
Chúng ta tiêu thụ caffeine dưới một số hình thức (cà phê, trà, soda, thậm chí cả sôcôla), nhưng cách cơ thể xử lý hóa chất này ở mỗi người khác nhau. Theo một số nghiên cứu, tình trạng nhạy cảm với tác dụng của caffeine được quy định bởi những yếu tố sau.
Ít uống cà phê
Nghe có vẻ phản trực giác, nhưng những người không uống cà phê thường xuyên và với số lượng vừa phải có xu hướng cảm thấy tác dụng phụ tiêu cực của nó mạnh hơn so với những người có thói quen uống cà phê mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu nói rằng tiêu thụ caffeine phù hợp giúp não bộ giảm việc sản xuất hoóc môn căng thẳng, đồng thời tăng cường hoóc môn norepinephrine, rất có ích cho sức khỏe.
Yếu tố di truyền
Những người cảm thấy bồn nôn, khó chịu sau khi uống cà phê được liên kết với các thụ thể adenosine trong não bộ (adenosine báo hiệu cho cơ thể đó thời gian để nghỉ ngơi khi lượng caffeine đạt đến một giới hạn nhất định) và cho phép các chất kích thích như dopamine hoạt động tích cực. Đây là nguyên nhân gây ra cảm giác lo lắng, bồn chồn cùng cực sau khi uống cà phê. Theo Huffington Post, độ nhạy của bộ não đối với caffeine khác nhau rất lớn giữa người này với người khác, tùy thuộc vào các thụ thể adenosine liên kết với caffeine sau khi được tiêu thụ. 

Tác dụng phụ của thuốc
Theo Trung tâm Mayo Clinc, thuốc kháng sinh, thuốc hen suyễn và echinacea có tác dụng tăng cường độ nhạy không mong muốn đối với caffeine. Nếu thuốc kháng sinh và echinacea cản trở sự trao đổi chất của caffeine, khiến nó ở trong cơ thể trong thời gian dài và với số lượng cao; thì thuốc hen theophylline có tác dụng phụ khi kết hợp với caffeine là khiến bạn cảm thấy khó chịu ngay tức thì sau khi uống. 
Giới tính
Cơ thể xử lý caffeine khác nhau dựa trên giới tính, và phụ nữ một cách tự nhiên chuyển hóa caffeine nhanh hơn nam giới. Một nghiên cứu từ các nhà khoa học tại Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) cho thấy trong nhóm sinh viên cùng độ tuổi, sau khi dùng một lượng chuẩn caffeine chỉ trong vòng 10 phút sau khi tiêu thụ, caffeine ảnh hưởng đến cả hai giới, nhưng nam giới cảm nhận được tác động nhiều hơn, mạnh hơn so với phụ nữ. 
Caffeine tác động khác nhau giữa nam và nữ - Ảnh: Shutterstock
Rối loạn lo âu
Những người đối phó với chứng rối loạn lo âu mỗi ngày, nồng độ caffeine cao có khả năng làm triệu chứng trầm trọng thêm. Theo giáo sư, tiến sĩ Roland Griffiths tại Trường Johns Hopkins of Medicine (Mỹ), caffeine được sử dụng rộng rãi trên thế giới như một loại thuốc làm thay đổi tâm trạng. Do đặc tính của mình, caffeine có thể gây lo lắng và hoảng loạn, thậm chí đẩy các cuộc hoảng loạn ở những người bị rối loạn lo âu lên đến đỉnh điểm và gây mất ngủ ở những người dễ bị hoảng loạn.

Sự trao đổi chất chậm
Một enzyme trong gan giúp cơ thể chuyển hóa caffeine có thể khác nhau về số lượng giữa người này với người khác, từ đó ảnh hưởng đến khả năng xử lý caffeine. Những người sản xuất ít các enzyme chuyển hóa này mất nhiều thời gian để đưa caffeine thoát ra khỏi cơ thể. Khi caffeine lưu lại trong cơ thể lâu, sẽ gây ra tác dụng phụ là làm căng thẳng kéo dài. Ngược lại, những người có các enzym chuyển hóa caffeine trong gan nhiều, nên cho dù tiêu thụ caffeine nhiều và thường xuyên hơn vẫn không bị những tác dụng phụ.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.