Tăng bồi thường sẽ giảm chậm, hủy chuyến bay: Phải công bằng với hành khách

28/11/2016 13:02 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Tăng bồi thường sẽ giảm chậm, hủy chuyến bay? đăng trên Thanh Niên ngày 27.11.

Hàng không thiếu sòng phẳng
Tôi từng bị trễ chuyến bay vì lý do kẹt xe. Tôi đến chậm 5 phút và quầy thủ tục thông báo đã đóng, không giải quyết. May thay người nhà của tôi đi cùng chuyến và đã lên nhà chờ trước nên khi nghe chuyến bay bị hoãn 30 phút đã “làm dữ” với nhân viên soát vé ra máy bay với lý do tại sao người nhà tôi trễ 5 phút thì không được làm thủ tục còn máy bay bay trễ 30 phút lại được? Bấy nhiêu thôi đủ thấy sự không đàng hoàng, thiếu sòng phẳng của hãng hàng không này.
Trương Hoàng Diễm
(Q.8, TP.HCM)
Quá chú trọng tới thương mại
Hãng hàng không không bao giờ để máy bay ngưng nghỉ ngoại trừ giờ khuya, họ khai thác rất “sát” máy bay. Máy bay đến, trả khách xong là cho hành khách đi lên máy bay song song với việc kiểm tra máy móc, thiết bị… Tính thương mại càng ngày càng thể hiện rất rõ, nhất là các chuyến bay giá rẻ. Vì khai thác triệt để như vậy nên khi một chuyến bay bị chậm trễ là cả dây chuyền bị ảnh hưởng theo. Đã đến lúc nhà nước cần chấn chỉnh lại vấn đề khai thác các chuyến bay của các hãng.
Võ Trang
(TP.Tam Kỳ, Quảng Nam)
Một giải pháp tốt
Chưa chắc khi gia tăng mức bồi thường vì chậm hủy chuyến sẽ khiến hãng hàng không có trách nhiệm hơn với hành khách. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì đó là giải pháp phù hợp nhất. Hiện nay các hãng cứ đua nhau chậm, hủy chuyến vì thời hạn cho phép chậm, hủy chuyến là 4 giờ - một khoảng thời gian quá dài, gây thiệt thòi cho khách. Cần phải rút ngắn thời gian được phép chậm, hủy chuyến. Bên cạnh đó, các cảng hàng không cần phải đáp ứng hạ tầng. Nếu không đáp ứng được hạ tầng thì không cho phép hãng máy bay bán vé dày đặc để rồi đổ lỗi cho hạ tầng để chậm, hủy chuyến.
Nguyễn Hoàng Khôi
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
Chậm một giờ là thiệt hại đủ bề
Công ty chúng tôi ở TP.HCM nhưng tổ chức một sự kiện tại Hà Nội lúc 10 giờ sáng, đến trưa là xong. Để tiết kiệm chi phí, công ty chọn mua vé máy bay của hãng hàng không lớn nhất VN vì tin rằng sẽ không bị hoãn, hủy chuyến. Đoàn sẽ bay từ 6 giờ sáng, chiều bay vô lại. Trước giờ bay ra Hà Nội, công ty đã làm thủ tục trực tuyến cho toàn bộ thành viên. Tuy nhiên, khi đến nơi mới được thông báo chuyến bay bị hoãn đến 7 giờ. Đã vậy, hãng còn tách đoàn ra làm 2 nhóm, một nhóm đi chuyến 7 giờ, nhóm còn lại đi chuyến 8 giờ. Qua quan sát, chúng tôi thấy hãng này ưu tiên cho những thành viên có thẻ vàng, thẻ bạc gì đó và chẳng quan tâm đến thành viên của đoàn tôi đang năn nỉ ỉ ôi để được bay chuyến sớm nhất. Sau sự cố đó, chúng tôi quá sợ việc phải đi chuyến bay sát giờ họp hay tổ chức sự kiện mà lúc nào cũng phải dự phòng một khoảng thời gian dài.
Đinh Minh Được
(Q.7, TP.HCM)
Theo luật mà làm
Đã là nền kinh tế thị trường thì nên sòng phẳng với nhau. Khách đến trễ thì phải chịu mất vé nếu mua vé không được hoãn, đổi. Hãng máy bay trễ chuyến thì phải bồi thường. Cứ trễ 1 tiếng thì hoàn tiền 20%/giá vé, 2 tiếng thì 40% và cứ thế nhân lên. Không thể để tình trạng các hãng hàng không có quyền chậm, hủy chuyến, còn khách chậm chút là mất quyền lên chuyến bay. Hợp đồng in trên vé máy bay cần thỏa thuận rõ các điều này.
Đào Ngọc Tuyến
(TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Cao Văn Nhân
Thời gian gần đây tình trạng chậm, hủy chuyến bùng phát trở lại, kể cả hãng hàng không lớn nhất nước. Có lẽ cần phải tăng nặng hình phạt đối với hãng hàng không bị chậm trễ chuyến; đồng thời hành khách cần quyết liệt đòi quyền lợi cho mình để các hãng khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt.
Cao Văn Nhân
 (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Nguyễn Hoài Khanh
Khi bị thay đổi giờ bay thì hành khách không chỉ mất thời gian chờ đợi mà còn thiệt hại về công việc cũng như các chi phí khác, nhưng lại không được tính toán cụ thể để đền bù. Việc đền bù, nếu có theo quy định hiện nay, cũng chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại. Quy định này cần được điều chỉnh, nhằm đảm bảo công bằng giữa hành khách với các hãng hàng không.
Nguyễn Hoài Khanh
 
(Q.4, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang
 (thực hiện)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.