'Thấy rõ lợi ích nhóm trong các hợp đồng BOT'

19/09/2017 09:32 GMT+7

Đó là nhận định của TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên xung quanh những khuất tất của các dự án BOT giao thông hiện nay.

Có quyền lực nào đó đứng sau chống lưng
      TS Hoàng Ngọc Giao - Ảnh: Thái Sơn

Qua so sánh các dự án BOT các nước và ở VN, ông có nhận xét gì?
Tôi lấy ví dụ về một nước gần chúng ta là Thái Lan. Lúc đó tôi làm ở Ủy ban Sông Mê Kông. Những năm 1990, từ trung tâm thủ đô Bangkok ra sân bay Don Muang đường rất tắc. Chính phủ Thái Lan đề xuất làm đường thu phí theo hình thức BOT, công ty thắng thầu sau đó ngoài vốn chủ sở hữu họ còn bán trái phiếu và người dân tham gia mua, cả người nước ngoài cũng có thể mua.
Tức là họ thu hút vốn từ xã hội và tư nhân. Đường BOT này làm song song với đường cũ và người dân có 2 lựa chọn, miễn phí thì chấp nhận tắc đường, còn mất phí thì khác.
Đối chiếu với nhiều nước khác, chúng tôi đưa ra khái niệm tạm được gọi là BOT chuẩn, tức là phải đáp ứng được các nguyên tắc về quy hoạch giao thông hạ tầng tổng thể, chỗ nào cần huy động nguồn vốn của xã hội hay tư nhân thì phải minh bạch, công khai và để cho người dân được quyết.
Phải có quyền lực nào đó đứng đằng sau chống lưng, bảo trợ để được chỉ định thầu
TS Hoàng Ngọc Giao

Còn các dự án BOT của chúng ta chủ yếu là làm trên nền đường cũ, láng lại theo kiểu “tráng men”, mở rộng ra một chút rồi thu phí của dân. Mức phí đặt ra cao ngất ngưởng, kéo dài hàng chục năm nhưng người dân không biết, không kiểm soát được mức độ đóng góp của nhà đầu tư như thế nào. Cái đó dường như nằm trong hợp đồng bí mật giữa Bộ GTVT và chủ đầu tư.
Người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ tiền để được đi.
Cho nên nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng nói các dự án BOT của chúng ta hiện nay là một hiện tượng trấn lột người dân, không sai chút nào.
Ông nhìn nhận thế nào khi trong các dự án BOT giao thông luôn có 3 bên tham gia là nhà nước, nhà đầu tư và người tham gia giao thông, nhưng chỉ có cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư quyết định với nhau?
Hầu hết các hợp đồng BOT giao thông hiện nay đều có điều khoản bí mật ràng buộc các bên không được tiết lộ thông tin về tài chính, pháp lý hay kỹ thuật của dự án, là hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật. Hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích công gồm cơ quan đại diện nhà nước là Bộ GTVT, nhà đầu tư, người sử dụng là các doanh nghiệp vận tải và người dân. Có nhiều chủ thể tham gia nhưng anh lại lược bỏ hết, chỉ còn cơ quan đại diện cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, tức là đã sai về mặt nguyên tắc.
Bên cạnh đó, quá trình mời gọi nhà đầu tư, thẩm định, đàm phán ký kết hợp đồng cũng là một quá trình mật, vì anh chỉ định thầu không ai biết cả. Các nhà thầu có năng lực về phát triển hạ tầng khác cũng không biết để tham gia. Như vậy, Bộ GTVT đã triệt tiêu sự cạnh tranh về chất lượng, năng lực về công nghệ và cạnh tranh cả về giá, phí. Khi loại trừ những khả năng cạnh tranh đó thì ai là người có lợi? Chắc chắn chỉ có hai bên. Do đó, tôi cho rằng, đó không phải là giao dịch kinh tế thực sự, mà là sự móc ngoặc, đi đêm với nhau.
Nghĩa là theo ông, trong các dự án BOT giao thông hiện nay có dấu hiệu của lợi ích nhóm?
Chúng ta thấy rất rõ có lợi ích nhóm trong các hợp đồng BOT giao thông, bởi có phải nhà đầu tư nào cũng vào đó được đâu và có phải ai cũng được chỉ định thầu đâu.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước vừa qua đã chỉ rõ có nhiều doanh nghiệp không có năng lực tài chính, hạ tầng nhưng vẫn được chỉ định thầu thì rõ ràng đó chính là lợi ích nhóm. Tức là phải có quyền lực nào đó đứng đằng sau chống lưng, bảo trợ để được chỉ định thầu.

tin liên quan

BOT giao thông nhiều khuất tất
"Ém" thông tin về dự án, cải tạo đường cũ nhưng thu phí theo kiểu làm đường mới, dự án chưa hoàn thành đã thu phí cả tuyến, đường làm một đằng đặt trạm thu phí một nẻo... là nội dung kết luận thanh tra trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT tại Bộ GTVT.
Mới chỉ xới vấn đề chứ chưa ai giải quyết
Những vấn đề của BOT đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, ông đánh giá thế nào về cách giải quyết?
Theo tôi, vấn đề của các dự án BOT giao thông hiện nay mới được các cơ quan chức năng xới lên chứ chưa ai giải quyết gì cả. Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước vừa rồi có chỉ ra một số dấu hiệu sai phạm, nhưng về xử lý chỉ quy trách nhiệm chung chung. Hiện tượng bất ổn xã hội liên quan đến dự án BOT đã xảy ra cách nay đã vài năm nhưng không ai giải quyết mà cứ đùn đẩy nhau, đưa ra một số giải pháp chỉ mang tính tình huống. Cách mà Bộ GTVT đưa ra cũng chỉ là miễn, giảm phí cho một số đối tượng, song lại tăng thời gian thu thêm thì cũng không giải quyết được vấn đề. Nó vẫn tồn tại bất công.
Thậm chí, vừa rồi có ý kiến hoan nghênh UBND tỉnh Bình Dương khi mua lại trạm thu phí BOT để bỏ trạm này đi. Xin thưa, tiền trả cho nhà đầu tư cũng là tiền của dân, cũng là thuế từ ngân sách nhà nước. Giải pháp đó về mặt tình cảm nghe thì hợp lý nhưng cuối cùng nhà đầu tư ôm được một cục tiền từ thuế của dân ra đi.

tin liên quan

BOT 'giăng lưới' lùa xe
Trạm thu phí BOT giống như tấm lưới giăng ra lùa hết xe cộ của người dân để lấy tiền.
Theo tôi, Quốc hội cần có một cuộc giám sát đặc biệt, phải yêu cầu Bộ GTVT giải trình đến nơi đến chốn, phải bóc tách các dự án có dấu hiệu thì chuyển cho cơ quan điều tra, tức là giải quyết vấn đề này, chúng ta phải có thái độ và đường lối rõ ràng.
Bộ GTVT không thể đùn đẩy trách nhiệm. Chính phủ đã giao Bộ GTVT đảm trách về xây dựng, quản lý hạ tầng giao thông. Việc Bộ trình, xin ý kiến để được chỉ định thầu thì vẫn phải chịu trách nhiệm chính, bởi cơ quan này đặt bút ký hợp đồng với nhà đầu tư và việc xin ý kiến đó là để phê duyệt mà thôi. Mọi việc khác phải tuân thủ theo đúng quy trình, quy định từ dưới lên. Muốn làm rõ thì thanh tra trách nhiệm công vụ trong từng dự án, trách nhiệm của chuyên viên, vụ trưởng, bộ trưởng thì sẽ ra ngay câu chuyện của BOT vừa qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.