Nhưng chính Khoa thì bình tĩnh, bình tĩnh một cách đáng kinh ngạc, vẫn đều đặn viết bài đăng báo, vẫn tiếp tục gom góp tiền làm học bổng cho trẻ em nghèo, gửi đến cứu giúp bà con hoạn nạn trong bão lũ.
Tối hôm 19.11, anh Hùng nhắn tin “Mấy anh em đang ở bệnh viện với Đặng Ngọc Khoa, buồn quá bạn ơi”. Gọi điện cho anh Hùng, anh nói bác sĩ bảo “chỉ còn dăm bảy ngày nữa”. Biết là hết rồi, nhưng khi về thăm Khoa tôi vẫn hy vọng người tốt sẽ được Trời thương. Tối hôm 1.12, Khoa đã được đưa về nhà, tôi vẫn mong biết đâu còn có phép lạ. Giờ mới biết ông Trời thật không công bằng.
Khoa suốt ngày đi lo cho người khác, lại quá vô tình với bản thân, đến phiên mình nằm xuống thì không còn ai có thể cứu được.
Tôi thân với Đặng Ngọc Khoa từ nhỏ, chính xác là từ khi tôi đọc tập san Ý Nghĩ của nhóm Quảng Văn - một nhóm văn nghệ “tự phát” của những đứa học trò miệng còn hôi sữa ở Đà Nẵng trước năm 1975. Trong tâm trí tôi cho đến bây giờ, Ý Nghĩ là một tờ báo có đẳng cấp, mặc dù nó chỉ ra được 3 số. Đặng Ngọc Khoa, Mai Đức Lộc, Nguyễn Khoa Chiến, Hoàng Chương... là những “đứa” khởi xướng và thực hiện bằng tay tờ báo đó. Chính luận, thơ, truyện, ký, tranh... rất bài bản. Dấu ấn Đặng Ngọc Khoa in đậm nét trong tờ báo này với bút danh Vũ An Trạch, Khoa cũng là người trình bày và vẽ tranh minh họa cho tờ báo. Tờ báo được làm bí mật trong một ngôi chùa, Mai Đức Lộc là người đánh máy. Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ xuất bản trên chiến khu tháng 10.1973 trong một bài giới thiệu tập san Ý Nghĩ đã viết: “Anh chị em chúng tôi chuyền tay nhau, nâng niu, trân trọng chào đón những cánh chim non từ cửa sông Hàn bay về. Có bạn gọi đó là tia lửa nhỏ mới nhen sau một trận mưa bão, có bạn trẻ trong đoàn còn cho đó là tiếng chim gọi bình minh trên bến cảng của thành phố anh hùng...”. Hồi ấy Đài phát thanh Hà Nội nhiều lần sang sảng đọc những bài đăng trên Ý Nghĩ, tôi nghe mà sung sướng ngất ngây. Đặng Ngọc Khoa khi ấy mới... 16 tuổi.
Nhà báo Đặng Ngọc Khoa, phóng viên Báo Thanh Niên, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng. |
17 tuổi, Khoa vào chiến khu tham gia kháng chiến. Người dắt Khoa đi giới thiệu cho Quận đội 1 thành phố Đà Nẵng chính là Nguyễn Khoa Chiến, phóng viên Báo Thanh Niên bây giờ.
Giải phóng xong, Khoa rời quân ngũ. Đất nước hòa bình, nhưng Khoa lại bắt đầu một thời thanh niên lênh đênh. Về quê sinh sống, chiến tranh biên giới nổ ra, Khoa đi thanh niên xung phong trên chiến trường Đông Bắc Campuchia, lên Tây Nguyên phát rẫy rồi lại “hạ sơn” đi làm ruộng. Trở lại quê nhà, tham gia đội thông tin hợp tác xã, Khoa viết kịch, dựng kịch, cải biên dân ca, làm nhạc công, làm phát thanh viên đài truyền thanh và tất nhiên là tiếp tục làm thơ. Thơ Khoa bắt đầu xuất hiện trên tạp chí Đất Quảng. Anh Phan Duy Nhân, vốn là thần tượng của bọn trẻ chúng tôi lúc đó, “kiến nghĩa bất vi vô dũng giả”, đã âm thầm can thiệp với Sở Văn hóa - Thông tin để xin Khoa về đó. Khoa được gọi ra Đà Nẵng đi làm ở Sở, lần đầu tiên chính thức có việc làm và lấy vợ. Làm ở Đà Nẵng được một năm, cơ quan điều động lên tăng cường ở huyện miền núi Hiệp Đức, 3 năm về lại thì không ai chịu cho nhập lại hộ khẩu. Mất việc, lại về quê vác cần đi câu cá.
Vào cuối những năm 1980, tôi làm ở Hội Liên hiệp Thanh niên của tỉnh, xin ra được một tờ báo - tờ Diễn đàn Thanh Niên, rủ Khoa về làm tờ báo đó. Khoa trở thành nhà báo bắt đầu từ tờ báo này. Cùng với Ngô Thị Kim Cúc, Hồ Trung Tú, Phan Tấn Tu, Đoàn Bích Hồng, Huỳnh Ngọc Chênh..., Khoa vừa làm phóng viên, vừa làm tòa soạn, vừa đi nhà in, vừa đi bán báo. Ăn ngủ luôn tại 30 Bạch Đằng. Những phóng sự nóng bỏng từ chiến trường Campuchia, những bài viết đậm tình người, những tiểu phẩm sắc sảo dí dỏm của Đặng Ngọc Khoa đến bây giờ bạn bè vẫn không quên được. Tờ báo “khí thế” được 9 tháng rồi... nghỉ. Tôi ra Hà Nội. Khoa lại lênh đênh kiếm sống, rồi khăn gói cùng vợ con vào Nam, đến Đồng Nai làm rẫy, sau đó được một người quen giới thiệu đi dạy thể dục - dạy võ ở trường cấp 2.
Phát hiện ra Khoa ở Đồng Nai, anh Nguyễn Công Khế, anh Đặng Thanh Tịnh gọi Khoa lên Sài Gòn làm Báo Thanh Niên. Lúc đó là năm 1991. Thanh Niên là nơi tri ngộ, là chỗ phát huy sở trường, là chốn đi về sinh sống của Khoa từ bấy đến giờ.
Hơn mười năm lặn lội trên các nẻo đường đông và tây Nam Bộ, lại về Đà Nẵng tiếp tục lặn lội trên các nẻo đường miền Trung hơn 7 năm qua, Khoa đã để lại những phóng sự nóng hổi trên các trang Báo Thanh Niên. Làm bạn với người tốt, xa lánh kẻ xấu, chia sẻ với những cuộc đời bất hạnh. Từ những bài viết của Khoa, đã có nhiều oan trái được phân minh, đã có biết bao số phận ngặt nghèo được cứu giúp. Khi ở Đồng Nai, Khoa khởi xướng xây dựng một trường tình thương cho trẻ em bất hạnh, mang tên “Trường Tích Thiện”, tồn tại cho đến bây giờ. Cái trường đầy ý nghĩa đó ra đời từ phóng sự Những đứa trẻ trong rừng cao su của Khoa đăng trên Thanh Niên.
Trên blog của Khoa (khoavietnam.vnweblogs.com) ngày 12.11.2009 mới đây vẫn còn cập nhật những khoản tiền cứu trợ mà Khoa và bạn hữu đã quyên góp giúp đỡ đồng bào bị lũ ở xã Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam), gửi tiền giúp chị Nguyễn Thị Nhung có chồng bị chết cóng đêm lũ về Phú Yên trong cơn bão số 11... Anh Lê Đức Hùng bảo, mấy năm nay chính Khoa đã âm thầm cùng bạn bè tích góp giúp dân ở vùng rốn lũ thôn 7 Đại Cường 8 căn nhà gác chạy lũ và giúp đỡ nhiều người cơ cực vượt qua hiểm nghèo. Bởi vậy mà Khoa theo dõi chăm chú nhất “đường đi nước bước” của từng cơn bão, từng trận lũ. Diễn biến bão được Khoa cập nhật từng giờ từng phút trên blog của mình từ những dự báo trong nước và thế giới.
Gần 20 năm làm Báo Thanh Niên, Khoa là một trong số ít những nhà báo có khả năng viết đủ mọi đề tài, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến hôn nhân gia đình, văn chương nghệ thuật, thể thao. Cái gì Khoa cũng viết một cách chuyên nghiệp, cái gì Khoa cũng viết bằng một tấm lòng trong trẻo và thái độ nhất quán. Đọc những bài viết của Khoa, người ta tin vào những điều tốt đẹp.
Mấy chục năm, từ Ý Nghĩ cho đến Thanh Niên, tôi có thể cam đoan rằng, chưa có bất cứ bài viết nào, chưa có bất cứ mẩu tin nào mà khi viết Khoa bẻ cong ngòi bút. Có thể có một vài thông tin nhầm lẫn, nhưng bẻ cong ngòi bút thì không bao giờ.
Khoa sống một cuộc đời trong veo không tì vết. Trong những ngày qua, tất cả bạn bè đồng nghiệp ở miền Trung, nhiều bạn bè đồng nghiệp ở TP.HCM đã đến với Khoa bên giường bệnh. Tôi viết những dòng này giữa lúc bạn bè đồng nghiệp đang khóc Khoa. Và tôi bất giác nhận rõ hơn bao giờ hết điều này: Đặng Ngọc Khoa, bằng ngòi bút và bằng cuộc sống của mình, là người thầm lặng nhưng kiên trì nhất trong nỗ lực biến báo chí trở nên có ích và gần gũi hơn với công chúng. Khoa đã làm tất cả những gì Khoa có thể.
Bởi vậy, tiễn Đặng Ngọc Khoa về nơi an nghỉ cuối cùng nhưng tôi sẽ không nói lời vĩnh biệt. Vì tôi sẽ còn học mãi điều đó ở Khoa cho đến khi tôi vẫn còn là một nhà báo.
Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)