(TNO) Các nhà khoa học vừa tìm thấy một hệ hành tinh rất giống với hệ mặt trời chúng ta. Họ đặt ra giả thuyết có thể tồn tại các hành tinh tương tự như Trái đất hay không, theo Daily Mail.
Hình minh họa giai đoạn các hành tinh mới hình thành, với ngôi sao ở giữa và vành đai khí, bụi bao quanh - Ảnh chụp màn hình NASA |
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, trong đó có những người thuộc Đại học Cambridge (Anh), đã tìm thấy một hệ hành tinh giống hệt hệ mặt trời lúc sơ khai. Đây là bằng chứng cho thấy hệ mặt trời của chúng ta không phải là duy nhất, và con người có thể không đơn độc trong vũ trụ.
Hệ hành tinh cách Trái đất khoảng 15 triệu năm ánh sáng, với một ngôi sao ở giữa cùng vành đai khí và bụi vũ trụ bao quanh. Các nhà nghiên cứu nhận thấy hệ mặt trời xa xôi đó đang tạo ra các hành tinh, rất giống hệ mặt trời chúng ta cách đây hàng tỉ năm. Vành đai bụi và khí hình dĩa của nó dài từ 5,5 đến 8,2 tỉ km.
"Nhìn vào hệ hành tinh đó cũng giống như chúng ta đang nhìn vào hệ mặt trời khi nó mới hình thành", người đứng đầu cuộc nghiên cứu, tiến sĩ thiên văn học Thayne Currie tại Đài quan sát Subaru ở đảo Hawaii (Mỹ), cho biết.
Ngoài ra, các nhà thiên văn học còn cho rằng cũng cùng một cách hình thành các hành tinh theo kiểu có một ngôi sao ở giữa, vũ trụ có thể tồn tại rất nhiều hành tinh khổng lồ có quỹ đạo bay khác thường. Thay vì giống quỹ đạo bay hình tròn của sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương hay sao Hải Vương thì chúng lại có quỹ đạo hình bầu dục.
Bình luận (0)