Tôi có ý kiến: Hành vi phá hoại sản xuất nông nghiệp

16/04/2016 18:20 GMT+7

Nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Phá “lò” thuốc bảo vệ thực vật dỏm quy mô lớn đăng trên Thanh Niên ngày 15.4 bức xúc cho rằng hành vi làm và bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng là phá hoại nền nông nghiệp, “hút máu” những người nông dân vốn nghèo khó, cần phải xử nghiêm.

Nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Phá “lò” thuốc bảo vệ thực vật dỏm quy mô lớn đăng trên Thanh Niên ngày 15.4 bức xúc cho rằng hành vi làm và bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng là phá hoại nền nông nghiệp, “hút máu” những người nông dân vốn nghèo khó, cần phải xử nghiêm.

Lực lượng phối hợp kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật do Công ty Mekong "sản xuất" - Ảnh: CTVLực lượng phối hợp kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật do Công ty Mekong "sản xuất" - Ảnh: CTV

Phải xử lý hình sự
Cần có biện pháp mạnh, xử lý hình sự đối với những kẻ sản xuất, lưu hành thuốc dỏm phá hoại sản xuất của nông dân. Mặt khác, phải làm rõ liệu có ai đứng sau, bảo kê cho Công ty Mekong tuồn hàng chục ngàn chai thuốc dỏm đó ra thị trường. Phải loại trừ khỏi thị trường các loại thuốc dỏm, giống dỏm, phân bón đất sét... để nông dân còn có niềm tin mà sản xuất. Nếu không thì những thiệt hại của nông dân cũng sẽ là hệ lụy mà xã hội phải gánh chịu, một khi họ mất mùa, làm ăn thất bát...
Ngọc Thiên
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Không hỗ trợ mà còn phá hoại
Nông dân miền Tây đã khốn đốn vì hạn, mặn, nhưng những kẻ được đề cập trong bài báo không hỗ trợ lại còn đang tâm sản xuất thuốc dỏm để phá hoại sản xuất thì thật đáng lên án. Còn gì đau đớn bằng khi nông dân kỳ vọng một vụ mùa tốt đẹp nhưng rồi phải nhận mùa màng thất bát, không thu hoạch được gì vì bị bọn làm hàng gian hàng giả lừa đảo. Đây là một tội rất lớn, phải nghiêm trị để không còn tái diễn trên thị trường.
Phạm Văn Bảo
(Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Vì lợi nhuận mà bất chấp
Vì lợi nhuận mà họ bất chấp tất cả. Phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, các loại giống cây trồng dỏm rồi bây giờ đến thuốc bảo vệ thực vật cũng dỏm nốt. Ngày trước, nông dân chỉ cần “Trông trời trông đất trông mây. Trông mưa trông nắng…”, còn bây giờ phải căng sức đối phó với thời tiết, khí hậu biến đổi và cả những loại người chuyên “hút máu” kiểu vậy nữa, thì làm sao họ sống nổi?
Phan Vinh
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
Ruộng đồng sẽ ra sao ?
Hàng chục ngàn, hàng chục vạn chai thuốc dỏm bơm xuống thì ruộng đồng sẽ ra sao? Tại sao hệ thống quản lý thị trường, các chi cục bảo vệ thực vật lại không có biện pháp ngăn chặn được những kẻ “ăn” trên mồ hôi nước mắt người nông dân như vậy? Ai sẽ bảo vệ cho hoạt động sản xuất của nông dân? Một khi người nông dân đơn độc trên hành trình gian khó của mình, thì xã hội sẽ nhận được sản phẩm gì từ họ?
Trần Văn Minh
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Cao Văn Nhân
Nghiêm trọng nhất là thuốc bảo vệ thực vật dỏm này đã tung ra thị trường và gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân khi sử dụng. Đây không chỉ là hành vi gian dối trong kinh doanh mà còn là sự phá hoại nền kinh tế nông nghiệp của đất nước. Bà con nông dân nào từng là nạn nhân của công ty này cần tố cáo để buộc tội người đứng đầu công ty này.
Cao Văn Nhân
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Đỗ Văn Sinh
Với người nông dân, sự lo sợ đến ám ảnh là mua phải thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng dỏm. Bà con nông dân vốn không có nhiều thông tin về sản phẩm cũng như sự lựa chọn sản phẩm cho cây trồng của mình. Đa phần đều trông chờ vào sự tư vấn của đại lý. Đại lý nói mua cái gì thì bà con thường mua cái đó. Và khi mua phải sản phẩm dỏm thì thiệt hại là rất nặng nề, chẳng những không thu được thành quả lao động mà còn mất trắng.
Đỗ Văn Sinh
(H.Trảng Bom, Đồng Nai)
An Phong - Duy Khang
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.