Tổng thống Mỹ Obama: Người mẹ tạo nên một Tổng thống bây giờ

24/05/2016 14:58 GMT+7

Quan điểm chính trị tiến bộ và các hoạt động xã hội tích cực của bà Stanley Ann Dunham, mẹ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tạo ra nguồn cảm hứng đến con trai của bà.

Là một nhà nhân loại học với tấm bằng tiến sĩ và là một người ‘rày đây mai đó' suốt cả đời, sự thông minh, quan điểm chính trị tiến bộ và các hoạt động xã hội tích cực của bà Stanley Ann Dunham, mẹ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tạo ra một cuộc sống sâu sắc mà nguồn cảm hứng từ nó tiếp tục lan tỏa đến con trai của bà.
Nguồn tác động tích cực nhất
Bà Dunham sinh năm 1942, trải qua hai cuộc hôn nhân nhưng đều tan vỡ và Barack Obama là kết quả của tình yêu của bà với người chồng đầu tiên, ông Barack Obama Sr .
Trong suốt các thập niên 1970, 1980, 1990, Dunham đi lại như con thoi gữa Hawaii (Mỹ) và Indonesia để nghiên cứu học thuật đặc biệt là nghề thợ rèn ở Indonesia và dạy tiếng Anh hoặc làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận.
Bà là người đồng sáng lập Hiệp hội Di sản Indonesia. Khi làm việc cho Quỹ Ford tại Indonesia, bà đã phát triển mô hình tín dụng vi mô mà nay đã trở thành chuẩn mực ở nước này.
Trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Vanity Fair vào tháng 3.2008 lúc Obama đang vận động tranh cử tổng thống Mỹ, cựu chủ tịch Ủy ban truyền thông Mỹ Newton Minow nhận định: “Tôi tin rằng khi đất nước này thấy Barack và biết đến ông ấy, họ sẽ thấy điều mà như tôi thấy: thực sự có một sự kết hợp giữa trí tuệ hạng nhất và khí chất hạng nhất trong cùng một con người này”.
Trí tuệ và khí chất sắc bén, táo bạo và thấu cảm của Obama mang nặng dấu ấn của bà Ann Dunham, người qua đời vì bệnh ung thư buồng trứng vào năm 1995 lúc 52 tuổi.
Trong lời bạt cho cuốn hồi ký Dreams from My Father (Những giấc mơ của cha tôi) trong lần tái bản vào năm 2004, Obama đã viết rằng nếu ông biết cuộc sống của mẹ sớm dừng lại như vậy, ông có thể đã viết một cuốn sách rất khác, ít suy tưởng về người cha vắng mặt và dành nhiều lời ca tụng người mẹ đơn chiếc của ông. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí khác, Obama nói: “Bà ấy là nguồn tác động tích cực nhất trong cuộc đời tôi”.
Barack Obama và mẹ tại lễ trao bằng tốt nghiệp ở trường trung học Punahou tại Honolulu, bang Hawaii vào năm 1979 Ảnh: New York Times
Xem con trai là người đặc biệt
Trong cuốn A Singular Woman: The Untold Story of Barack Obama's Mother (Người phụ nữ phi thường: Câu chuyện chưa kể về người mẹ của Barack Obama) của tác giả Janny Scott, Obama nói rằng mẹ của ông là “người có khả năng vươn dậy sau những thất bại” và “luôn cho tôi cảm nhận tôi luôn được yêu thương”.
Obama nói mẹ ông xem ông là người đặc biệt và ông còn nói đùa rằng mẹ ông đặt mục tiêu nuôi nấng ông trở thành một con người kết hợp được trí tuệ và phẩm chất của nhà khoa học Albert Einstein, anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi và nam diễn viên, ca sĩ và nhà hoạt động xã hội danh tiếng người Mỹ Harry Belafonte.
Dunham luôn tin Obama là có tài năng phi thường. Benji Bennington, một người bạn của Dunham tại Hawaii cho biết Dunham tự hào về trí thông minh, thành tích học tập và lòng dũng cảm của Obama.
Bennington nói: “Thỉnh thoảng, khi nói về Barack, bà ấy sẽ nói rằng: “À, con trai tôi rất sáng dạ, nó có thể làm bất kỳ điều gì nó muốn trên thế giới này, thậm chí là tổng thống Mỹ”. Samardal Manan, một đồng nghiệp của Dungam tại Jakarta, cũng cho biết bà Dunham cũng nói điều tương tự, rằng Barack có thể trở thành tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.
Tổng thống Obama ghi nhận nhiều sự lựa chọn trong cuộc đời ông ảnh hưởng từ tấm gương của người mẹ. Quyết định của ông đi theo con đường chính trị để phục vụ người dân nảy sinh từ các giá trị mà mẹ ông đã truyền cho ông bao gồm “ý thức về điều vĩ đại mà bạn có thể làm trong thế giới này để giúp người khác, phải sống rộng lượng và nghĩ về các vấn đề như nghèo đói và làm sao bạn có thể tạo cho mọi người cơ hội lớn hơn”.
Alice Dewey, giáo sư nhân loại học ở Đại học Hawaii, người hướng dẫn luận án tiến sĩ cho bà Dunham trước đây và sau này hai người là bạn thân trong nhiều năm, cho biết: “Đối với Obama, ông cần viết một cuốn sách về người cha. Nhưng khi ông ấy tự hỏi: ‘Tôi là ai?’ thì Ann Dunham sẽ là một phần quan trọng trong đó. Bà ấy là người làm việc chăm chỉ nhất là tôi từng thấy. Bà ấy chắc chắn là tuýp người mà bạn muốn ở bên cạnh bạn trong bất kỳ tình huống nào từ một vụ cãi vã trong quán rượu cho đến một cuộc tranh luận học thuật vì bà ấy luôn đứng về những người nhỏ bé, đặc biệt là người phụ nữ nhỏ bé”.
.Bà Stanley Ann Dunham và Barack Obama lúc còn nhỏ Ảnh: New York Times
Truyền đạt giá trị sống cho con
Theo Daily Mail, lúc còn trẻ, Tổng thống Obama đã có lần bày tỏ cảm xúc khó hiểu về bà Dunham, người đã quyết định gửi ông từ Indonensia về Hawaii cho ông bà ngoại nuôi nấng. Trong cuộc gặp đầu tiên giữa Barack Obama và người chị cùng cha khác mẹ Auama Obama ở Chicago (Mỹ) vào thập niên 1980, Obama đã nói rằng mẹ của ông yêu Indonesia và đã bỏ lại con cái ở Hawaii để đến đây nghiên cứu. Auama Obama cho biết lúc đó, Obama nói rằng: “Bà ấy đơn giản là không thể ngừng công việc nghiên cứu. Nhân học là cả cuộc đời bà ấy”.
Còn Janny Scott, tác giả cuốn A Singular Woman: The Untold Story of Barack Obama's Mother, cho rằng bà Dunham chắc chắn có những lúc tự hỏi về vị trí của bà trong cuộc đời của con trai.
Quyết định táo bạo nhất của bà Dunham có lẽ là kết hôn với ông Barack Obama Sr, một sinh viên da đen người Kenya ở Đại học Hawaii lúc bà chỉ mới 18 tuổi và khi mà phân nửa số bang của Mỹ cấm hôn nhân liên chủng tộc.
Trong cuốn hồi ký Dreams from My Father, Obama mô tả mẹ mình là một cô gái nhà quê e lệ đã trúng tiếng sét ái tình của ông Barack Obama Sr, chàng sinh viên thông minh và cuốn hút.
Sau này, khi hai người đã ly hôn, Dunham vẫn giữ liên lạc thư từ thân mật với cha của Obama ngay cả lúc đã tái giá với ông Lolo Soetoro, một sinh viên người Indonesia mà bà gặp gỡ tại Hawaii.
Đó là bởi vì bà muốn con trai bà biết về tài trí của ông Barack Obama Sr cũng như các công việc quan trọng mà ông nắm giữ trong chính phủ Kenya sau thời kỳ hậu thuộc địa (ông từng làm chuyên gia phân tích kinh tế cấp cao của Bộ Tài chính Kenya).
Bà Dunham đã tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc trong những năm tháng đầu đời của Barack Obama, đặc biệt là trong thời gian bốn năm ông sống ở Jakarta cùng mẹ và cha dượng. Thời gian ở Jakarta cũng là thời gian hai mẹ con Obama gần gũi bên nhau nhất. Những giá trị mà Dunham theo đuổi đã in dấu ấn và định hình hiểu biết ban đầu của Obama về thế giới.
Bà là một phụ nữ có động lực và quyết tâm rất lớn. Saman, người hầu từng làm thuê cho gia đình Obama ở Jakarta, cho biết Dunham ngủ rất ít. Bà thức khuya để sửa bài tập về nhà cho Obama và bà đánh thức Barack Obama dậy trước lúc bình minh để học tiếng Anh.
Nhưng bà cũng dễ xúc cảm, mau nước mắt và rất lãng mạn. Bà sẽ kéo các con ra khỏi giường để ngắm trăng mọc.
Nói về mẹ mình, Maya Soetoro-Ng, em gái cùng mẹ khác cha của Obama cho biết: “Bà ấy là kiểu người luôn thấu cảm. Bà ấy có khả năng đặt bản thân mình vào vị trí của nhiều kiểu người khác nhau và điều bà ấy rất nghiêm khắc với chúng tôi, đó là thiếu sự suy xét hoặc có thái độ chua cay với người khác. Bà ấy luôn rất giỏi ở việc tìm ra một cách diễn đạt mà người khác sẽ hiểu, cho dù họ đến từ đâu hay nền tảng xuất thân kinh tế-xã hội của họ ra sao. Và tôi nghĩ rằng đó là điều đã được truyền lại cho chúng tôi, là một món quà lớn được ban tặng cho chúng tôi”.
Maya cho biết bà Dunham là kiểu người mẹ có thể ôm con và nói “Mẹ yêu con” hàng trăm lần mỗi ngày. Cũng theo lời của Maya, bà Dunham thường răn dạy rằng: “Chúng tôi không được phép thô lỗ, chúng tôi không được phép hèn hạ, chúng tôi không được phép kiêu căng. Chúng tôi phải có thái độ khiếm tốn và tư tưởng phóng khoáng...”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.